Timothy Keller viết: “Từ xa xưa, Thiên Chúa của Kinh thánh đã nổi bật hơn các vị thần của tất cả các tôn giáo khác. Ngài là Thiên Chúa đứng về phía những người bất lực và công lý cho người nghèo”55. Kinh Thánh nói rõ rằng tình yêu của Chúa là cho tất cả mọi người, kể cả những người chưa được sinh ra. Cách diễn đạt hùng hồn nhất là của nhà thơ và nhà tiên tri vua Đa-vít:
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy. (Tv 139:13, 15–16)56
Tương tự, Gióp nói Thiên Chúa đã tạo ra ông từ khi đời ông bắt đầu: “Chẳng phải Ngài… đắp lên con bằng da bằng thịt, rồi lấy gân lấy cốt mà dệt mà thêu.” (Gióp 10:8, 11)? Giê-rê-mi-a tường thuật Thiên Chúa đã kêu gọi ông làm ngôn sứ ngay cả trước khi sinh ra: “Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Giê-rê-mi-a 1:4–5). Những câu Kinh Thánh này nói rõ rằng Thiên Chúa liên quan mật thiết đến đời sống con người trước khi họ được sinh ra.
Trong Tân Ước, Luca kể lại một câu chuyện đáng kinh ngạc về một đứa trẻ thậm chí còn được tràn đầy Chúa Thánh Thần trước khi chào đời. Gioan Tẩy Giả được giao nhiệm vụ đặc biệt để loan báo sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Cho nhiệm vụ đó, Gioan đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi còn trong bụng mẹ (cùng với mẹ mình): “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?’” (Lu-ca 1:41–43). Phôi thai bé nhỏ trong bụng Mẹ đã là “Chúa của tôi”.
Nhà báo Matt Walsh viết: “Chúa Giêsu từng là một thai nhi trong bụng mẹ. Nếu có những thắc mắc gì về sự thánh thiêng của sự sống con người trước khi Ngài đến, thì những câu hỏi đó đã được giải đáp cách đây 2.000 năm.”57
55. Timothy Keller, Generous Justice (New York: Penguin, 2010), 6.
56. Xuất hành 21:22–25 từng là một đoạn văn gây thắc mắc vì bản dịch trước đó có nội dung: “Nếu đàn ông đánh nhau đánh một phụ nữ đang mang thai khiến cô ấy sảy thai nhưng không gây thương tích nghiêm trọng thì người phạm tội phải bị phạt theo như bất cứ điều gì người chồng của người phụ nữ đó yêu cầu và tòa án cho phép. Nhưng nếu gây thương tích nặng, thì lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng.” Cách diễn đạt này được hiểu có nghĩa là mạng sống của một đứa trẻ chưa chào đời được coi là ít giá trị hơn và chỉ được đảm bảo vì hình phạt, nhưng nếu người mẹ chết thì luật “mắt đền mắt” sẽ được áp dụng.
Tuy nhiên, những bản dịch gần đây hơn không dùng từ sẩy thai. Thay vào đó, họ nói “Nếu [họ] đánh một phụ nữ đang mang thai, làm bà sinh non nhưng không gây thương tích nghiêm trọng thì người phạm tội phải bị phạt theo như bất cứ điều gì mà chồng người phụ nữ đó yêu cầu và tòa án cho phép” (c. 22). Từ sẩy thai trong tiếng Do Thái là shakal, không được dùng ở đây. Thay vào đó, thuật ngữ yasa’ được sử dụng, thường được sử dụng liên quan đến ca sinh ra còn sống. Nó có nghĩa đen là “đứa trẻ ra đời”. Vì vậy, các học giả Kinh thánh hiện nay tin rằng câu này đang nói về một người phụ nữ sinh ra một đứa bé còn sống, nhưng đứa bé không bị thương tích gì do sinh non. See Moreland and Rae, Body and Soul, 235; Greg Koukl, “What Exodus 21:22 Says about Abortion,” Stand to Reason, February 4, 2013; John Piper, “The Misuse of Exodus 21:22–25 by Pro-Choice Advocates,” Desiring God, February 8, 1989.
57. Matt Walsh, “Wake Up, Christians. There Is No Place for You in the Democratic Party,” The Blaze, July 28, 2016, italics in original.
Leave a Reply