Chìa khóa để hiểu được đạo đức thế tục là nó dựa trên quan điểm duy vật về tự nhiên. Nó bảo chúng ta rằng thân thể chúng ta là sản phẩm của sự tiến hóa vô mục đích, vô đạo đức theo thuyết Darwin và do đó chúng trung lập về mặt đạo đức. Điều này ngụ ý rằng những gì chúng ta làm với thân thể mình không có ý nghĩa gì về mặt đạo đức. Một người có quyền tự do sử dụng thân thể theo bất kỳ cách nào họ muốn, mà không phải chịu hậu quả về mặt đạo đức.
Peter Singer ở Princeton cho biết: “Tình dục không hề gây ra bất kỳ vấn đề đạo đức đặc biệt nào”. “Các quyết định về tình dục có thể liên quan đến việc xem xét lòng chân thành, quan tâm đến người khác, sự thận trọng, v.v., nhưng không có gì đặc biệt về tình dục ở khía cạnh này, vì chúng ta cũng cần nghĩ đến những điều tương tự khi quyết định lái một chiếc xe.”11
Đối với Singer, hành vi quan hệ tình dục tự nó là điều vô đạo đức. Nó không có ý nghĩa luân lý. Chiều hướng đạo đức duy nhất đến từ những thái độ đi kèm như tính trung thực và thận trọng. Như lái một chiếc ô tô.
Quan điểm này áp dụng thế nào trong thực tế? Tác giả nữ quyền Naomi Wolf đã khám phá ra điều này trong các cuộc phỏng vấn sâu rộng với sinh viên. Một phụ nữ trẻ nói, “Chúng tôi có thời gian biểu rất bận rộn. Tại sao phải tìm hiểu ai đó trước? Thật lãng phí thời gian. Nếu bạn có tình dục không ràng buộc, bạn có thể đáp ứng nhu cầu của mình và tập trung lo những việc quan trọng hơn.”12 Quan điểm một chiều và ảm đạm về tình dục này cho rằng tình dục chỉ là một ham muốn thể xác – rằng tình dục không bao hàm một khát khao sâu sắc cho việc kết nối với người khác.
Những cuộc gặp gỡ hời hợt ẩn danh cũng đủ để “thỏa mãn nhu cầu của bạn”.
Sách Châm ngôn chương 30 có nhắc đến một người đã phạm tội ngoại tình với suy nghĩ tương tự: “cô ả ăn xong, chùi miệng và nói: ‘Em có làm điều gì xấu đâu!’” (Châm ngôn 30,20). Nói cách khác, tình dục chỉ là một nhu cầu tự nhiên, giống như việc ăn uống. Khi bạn cảm thấy đói tình dục, bạn thỏa mãn nó. Không có gì to tát. Đây là quan điểm cực kỳ thấp kém về tình dục.
Một số người có thể cho rằng chủ nghĩa khoái lạc tình dục quá coi trọng tình dục, nhưng thực tế thì chủ nghĩa này coi nhẹ tình dục. Nó coi thân thể không gì khác hơn là một sinh vật vật lý được điều khiển bởi những thôi thúc về thể chất. Nó coi tình dục như một hành vi thể xác hoàn toàn tách biệt khỏi đời sống nội tâm phong phú của toàn bộ con người. Do đó, nó tước đi chiều sâu của tình dục bằng cách tách nó khỏi ý nghĩa là sự tự hiến giữa một người đàn ông và một người phụ nữ cam kết xây dựng toàn bộ cuộc sống cùng nhau.
Nhà văn Công giáo (và từng là người đồng tính nữ) Melinda Selmys giải thích rằng ẩn sau mọi sự cường điệu về tình dục là “một sự tuyệt vọng” về thân thể. “Đằng sau tất cả vẻ hào nhoáng về tự do tình dục và yêu thương bản thân, có một niềm tin cơ bản rằng thân xác không có ý nghĩa gì cả, rằng nó tầm thường theo nghĩa đen: không có ý nghĩa gì cả.” Vì vậy những gì bạn làm với thân thể không có hậu quả đạo đức. Selmys nói: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích với nó”. “Bạn có thể làm hài lòng nó bằng máy hút bụi hoặc… bạn có thể đưa nó cho bất cứ ai vì bất kỳ lý do gì. Nó chỉ là một loại công cụ mà bạn có thể sử dụng và trao đổi cho bất kỳ mục đích nào bạn thích.”
Khi các nhà khoa học và triết gia quyết định rằng thiên nhiên chỉ là một cỗ máy khổng lồ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến đạo đức. Thân thể con người trở thành một “cỗ máy ướt”. Như Selmys kết luận, bạn phải chấp nhận một cách ngầm hiểu rằng “thân thể bạn không phải là bạn, nó chỉ là một cái vỏ, hoặc một con rô-bốt được điều khiển bởi một con ma không thân xác – là bạn.”13
Con ma trong một cỗ máy.
Trong tài liệu về phong trào sinh thái, người ta thường khẳng định rằng thuyết nhị nguyên Descartes đã khiến chúng ta xa lánh thiên nhiên, khiến chúng ta ngược đãi và làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chúng ta hiếm khi nối kết nó với đạo đức: Cũng chính chủ nghĩa nhị nguyên này đã khiến nhiều người xa lánh thân thể mình, khiến họ đối xử tệ với thân thể mình về mặt tình dục. Như Meilander nói, phong trào bảo vệ môi trường đã dạy chúng ta rằng chúng ta “không nên coi thiên nhiên chỉ đơn thuần là một vật thể chúng ta thống trị”. Tuy nhiên, nhiều người “một cách kỳ lạ, không chút quan tâm khi chúng ta khách quan hóa và công cụ hóa thân thể.”14
Các nhà hoạt động vì nữ quyền phàn nàn rằng chủ nghĩa khoái lạc tình dục coi thường phụ nữ, nhưng vấn đề còn sâu xa hơn nhiều: Nó coi thường chính thân thể con người.
11. Singer, Practical Ethics, 2.
12. Naomi Wolf, “Casual Sex Finds a Cool New Position,” The Sunday Times, January 12, 2013.
13. Melinda Selmys, Sexual Authenticity: An Intimate Reflection on Homosexuality and Catholicism (Huntington, IN: Our Sunday Visitor, 2009), 85.
14. Meilander, Bioethics, 20.
Leave a Reply