Nguồn gốc của sự phân đôi thân xác/nhân vị là gì? Nó đến từ đâu và phát triển như thế nào? Nguồn gốc sâu xa nhất của nó bắt nguồn từ triết học phương Tây sơ khởi. Nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại Plato cho biết linh hồn trong cơ thể giống như người lái cỗ xe đang cố gắng điều khiển một con ngựa ngang ngược.8 Ông coi cơ thể như là một thứ nằm ngoài “cái tôi”.
Tuy nhiên, thuyết nhị nguyên đã mang một hình thức hiện đại trong tác phẩm của nhà triết học người Pháp thế kỷ XVII René Descartes. Sử dụng phép ẩn dụ hai tầng của chúng ta, Descartes đặt thân xác ở tầng dưới, và ông hình dung nó như một cỗ máy, một chiếc đồng hồ hoặc một món đồ chơi lên dây cót. Trên thực tế, ông coi toàn bộ thiên nhiên như một cỗ máy khổng lồ được Chúa chuyển động từ lúc sáng thế, theo những khuôn mẫu cố định, tuân theo sự tất yếu của toán học.9
Trong tầng trên, Descartes đặt tâm trí con người – lĩnh vực của suy nghĩ, nhận thức, ý thức, cảm xúc và ý chí. Theo cách nói của ông, tâm trí là “linh hồn duy lý hợp nhất với cỗ máy này”. Thuyết nhị nguyên của Descartes được mệnh danh cách đùa cợt là “con ma trong cỗ máy”.10 Nếu bạn xem bộ phim năm 2004 I, Robot do Will Smith đóng vai chính, bạn có thể nhớ rằng cụm từ này được sử dụng nhiều lần để mô tả một con robot có khả năng đặc biệt: “Có thể có một con ma trong cỗ máy này.”
Người ta biết đến Descartes do câu nói nổi tiếng “Tôi nghĩ/tư duy, do đó tôi tồn tại”. Trong cụm từ đó, ông định vị bản sắc đích thực của con người là chỉ ở trong tâm trí. Ý nghĩa của nó là thân xác không phải là một khía cạnh của cái tôi thật; thay vào đó, thân xác là một cơ chế phục vụ nhu cầu và mong muốn của tâm trí, như người lái tàu hoặc người lái ô tô. Triết gia Daniel Dennett giải thích, “Kể từ khi Descartes đưa ra ý tưởng của ông vào thế kỷ XVII, chúng ta đã có khái niệm về bản thân như một loại hồn ma phi vật chất sở hữu và điều khiển cơ thể, giống như ta sở hữu và điều khiển một chiếc xe.”11
Điều mà sách giáo khoa triết học tiêu biểu không đề cập đến là Descartes là một người Công giáo sùng đạo, và cách chia đôi hai tầng của ông thực ra là một nỗ lực nhằm tạo ra một thế giới quan cơ giới tương thích với giáo huấn của Giáo hội. Chiến lược bảo vệ thế giới tâm linh của ông là tách nó hoàn toàn khỏi cõi vật chất.12 Như một triết gia giải thích, thuyết nhị nguyên của Descartes “dường như tạo ra sự thỏa hiệp và hòa giải giữa Giáo hội và các nhà khoa học”. Luật đưa ra là “mỗi bên có thẩm quyền riêng – các nhà khoa học, vật chất và các quy luật chuyển động cơ học của nó; đối với các nhà thần học, những thứ về trí tuệ, linh hồn của con người.”13
Đó là một chiến lược thông minh, nhưng nó có hiệu quả không? Không, bởi vì nó không gắn kết với nhau một cách logic. Làm thế nào một tâm trí tự do có thể tác động đến một cơ thể hoạt động tự động như một cỗ máy hay robot? Làm sao tâm trí có thể điều khiển được một thân thể có hành vi được xác định bởi những quy luật cơ học không có trí óc? Hai khái niệm này trái ngược nhau về mặt logic. Thuật ngữ “Cartesian” dùng để chỉ sự xung đột không thể hòa giải giữa một chủ thể tự do được kết nối cách nào đó với một cỗ máy đã được định đoạt từ trước.
Như triết gia Công giáo Jacques Maritain giải thích, “Thuyết nhị nguyên của Descartes chia con người thành hai thực thể hoàn chỉnh – một mặt, thân xác chỉ tồn tại trong chiều không gian; mặt khác, linh hồn chỉ là tư tưởng.” Con người bị “chẻ làm đôi.”14
Tuy nhiên, thuyết nhị nguyên hai tầng của Descartes phần lớn đã được chấp nhận. Sự hấp dẫn của nó là gì? Đối với các nhà khoa học, điều hấp dẫn là triết lý cơ học của nó có vẻ đưa lại biện minh cho sự kiểm soát của con người đối với thiên nhiên. Nếu thiên nhiên là một cỗ máy, thì chúng ta chỉ cần khám phá các quy luật của nó để làm chủ và điều khiển nó.15 Bản thân Descartes cho biết ông hy vọng có thể trao quyền cho con người trở thành “người chủ và người sở hữu thiên nhiên”. Ý chí của con người được dùng để chống lại những hoạt động máy móc, mù quáng của tự nhiên để giành lấy thứ chúng ta muốn từ nó. Lời hứa của Descartes là tâm trí sẽ trở nên độc lập với thân xác và những giới hạn của nó.
8. Đối với Plato, thân thể, thông qua những nhu cầu thể chất của nó, liên tục làm chúng ta chệch hướng khỏi những gì thực sự quan trọng – đời sống tinh thần và trí tuệ. Theo cách nói của ông, cơ thể “cản trở chúng ta trong việc theo đuổi lẽ thật; nó lấp đầy chúng ta bằng yêu đương và ham muốn, nỗi sợ hãi, đủ loại ảo tưởng và vô số sự dại dột”. Bordo, Unbearable Weight, 145.
9. Như Foucault đã chỉ ra, đề nghị của Descartes rằng thiên nhiên có tính chất cơ học không phải là một phát hiện thực nghiệm mà là một giả định siêu hình—“siêu hình bởi vì ý tưởng cho rằng về mặt thể lý chúng ta không hơn máy móc và ý tưởng đó không phải là một ý tưởng khoa học, có thể được xác minh, mà là một ý tưởng xuất phát từ một quan điểm sơ đẳng, không thể kiểm chứng về những gì thực tế bao gồm và do đó là ‘siêu hình’” Trích dẫn trong John McCumber, Time and Philosophy: A History of Continental Thought (Montreal: McGill-Queen’s University Press, 2011), 326.
10. Cụm từ là từ Gilbert Ryle, “The Ghost in the Machine,” The Concept of Mind (London: Hutchinsons, 1949).
11. Daniel Dennett, “The Origins of Selves,” Cogito 3 (Autumn 1989): 163–73. Bản thân Dennett không đồng ý với quan điểm này, nhưng ông lưu ý rằng đây là cách suy nghĩ của hầu hết người phương Tây, cho dù họ có nhận thức được điều đó hay không.
12. Nhiều người ủng hộ thế giới quan cơ học khác cũng là những người tin theo đức tin Kitô giáo, đặc biệt là Marin Mersenne và Pierre Gassendi, cả hai đều là thành viên của giới giáo sĩ và các nhà khoa học đầu tiên là Robert Boyle và Isaac Newton. Họ cũng coi triết học máy móc như một phương tiện để bảo vệ Kitô giáo. Suy cho cùng, một cỗ máy cần có một nhà phát minh, một nhà thiết kế. Nếu vũ trụ giống như một công cụ cơ khí thì chắc chắn phải có ai đó đã tạo ra nó và cho nó năng lực để hoạt động. Ngoài ra, các công cụ được phát minh ra đều có mục đích, nhằm thực hiện một chức năng nào đó. Do đó, thế giới quan cơ học ngụ ý rằng vũ trụ được tạo ra có mục đích. Như nhà sử học John Herman Randall viết, “Toàn bộ hình thức khoa học của Newton trên thực tế đã ép con người, như một giả thuyết khoa học cần thiết, phải tin vào một Đấng Tạo Hóa bên ngoài”. The Making of the Modern Mind (New York: Columbia University Press, 1926, 1940), 276.
Ngay cả câu nói nổi tiếng của Descartes “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum) cũng nhằm mục đích khẳng định tôn giáo. Vì suy nghĩ là một hoạt động tâm linh nên lập luận của ông là câu trả lời cho những người phủ nhận sự tồn tại của linh hồn con người. Và từ đó, Descartes xây dựng một luận cứ về sự tồn tại của Thiên Chúa. Ông lập luận rằng vì Chúa tốt lành nên Ngài sẽ không lừa dối chúng ta bằng cách tạo ra chúng ta theo cách khiến chúng ta thường xuyên bị ảo tưởng. Vì vậy những gì “tôi nghĩ” có thể được tin cậy. Để hiểu cách cơ bản về Descartes, xem sách The Soul of Science: Christian Faith and Natural Philosophy của tôi (Wheaton, IL: Crossway, 1994).
13. T. Z. Lavine, From Socrates to Sartre: The Philosophic Quest (New York: Bantam Books, 1984), 128. See also Stephen Shapin, The Scientific Revolution (Chicago: University of Chicago Press, 1996), 30ff.
14. Jacques Maritain, The Dream of Descartes (New York: Philosophical Library, 1944), 179. Bản thân Descartes có thể không có ý định tạo ra một sự phân cực cực đoan như vậy. See John W. Cooper, Body, Soul, and Life Everlasting: Biblical Anthropology and the Monism-Dualism Debate (Grand Rapids: Eerdmans, 2000), 14–15.
15. Of the many books on this subject, see, for example, Carolyn Merchant, The Death of Nature (New York: HarperCollins, 1980).
Leave a Reply