Kinh Thánh coi hôn nhân và đời sống độc thân bình đẳng về phẩm giá và giá trị, thậm chí còn dạy rằng một số người có “ơn” sống độc thân. Nhưng còn những người không cảm thấy mình có năng khiếu đó—những người không cảm thấy có bất kỳ sự kêu gọi đặc biệt nào để sống độc thân—nhưng chưa tìm được người nào thích hợp để kết hôn hoặc bị thu hút bởi những người cùng giới tính thì sao?
Thánh Phaolô đã không chọn “cái dằm đâm vào thân xác” của mình, và hầu hết chúng ta cũng không được chọn lĩnh vực hy sinh nặng nề nhất của mình. Khi được hỏi về hôn nhân và tình trạng độc thân, Chúa Giêsu đã dùng thuật ngữ hoạn quan. Nếu tra google thuật ngữ đó, bạn sẽ thấy nhiều tác giả cho rằng Chúa Giêsu đang nói về những người đồng tính nam. Nhưng bằng chứng lịch sử không ủng hộ cách giải thích đó. Một nhà sử học giải thích rằng trong thời Tân Ước, cả tiếng Hy Lạp, lẫn tiếng Latinh đều không có từ nào ám chỉ người đàn ông độc thân, vì vậy người Thiên Chúa giáo sử dụng thuật ngữ hoạn quan để chỉ những người độc thân.56
Điều quan trọng là khi Chúa Giêsu nói về những người hoạn. Ngài bao gồm cả những người không lựa chọn tình trạng của mình: “Có những người hoạn từ khi lọt lòng mẹ, có người hoạn bởi người ta và cũng có người tự hoạn lấy vì Nước Thiên Đàng” (Mát-thêu 19:12).
Những hoạn quan được sinh ra theo cách đó có thể bao gồm những người mà ngày nay chúng ta gọi là người lưỡng tính, những người sinh ra với những dị tật về thể lý và thường bị vô sinh. Thiên Chúa khuyến khích họ bằng cách hứa là họ vẫn có thể gặt được mùa màng thiêng liêng dồi dào: “Hỡi phụ nữ hiếm hoi, không sinh nở, hãy hát lên; hỡi người chưa từng đau đớn sinh nở hãy cất tiếng ca hát và reo hò. Vì con cái của phụ nữ bị ruồng bỏ sẽ nhiều hơn con cái của phụ nữ có chồng,” CHÚA phán như vậy” (Isaia 54:1).
Những người thành hoạn quan do bị người khác tác động như vậy không phải là hiếm trong thế giới cổ đại. Trong những gia đình giàu có, nô lệ nam thường bị thiến nếu họ làm việc trong khu dành cho phụ nữ hoặc làm nô lệ tình dục (các chàng trai bị thiến để giữ vẻ ngoài trẻ trung). Trong chính phủ, các quan chức cấp cao thường được yêu cầu phải làm thái giám, đặc biệt nếu công việc của họ liên quan đến việc ở gần nữ hoàng hoặc các nữ hoàng gia khác. Các ví dụ trong Cựu Ước bao gồm câu chuyện về Ét-te, trong đó đề cập đến “Viên thái giám này tên là Hê-ghe, có nhiệm vụ trông nom phụ nữ.” (Ét-te 2:15). Những người hầu cận của Hoàng hậu I-de-ven bao gồm “hai hoặc ba thái giám” (2 Các Vua 9:32). Trong Tân Ước, người đứng đầu kho bạc của Nữ hoàng Can-đa-kê của Ê-thi-óp là một viên thái giám(Công vụ 8:27).
Những hoạn quan do bị người khác tác động như vậy cũng bao gồm cả những người bị bắt trong trận chiến. (Nếu họ thuộc dòng máu hoàng gia, việc thiến sẽ loại bỏ mọi hy vọng thành lập một triều đại cạnh tranh.) Vua Khít-ki-gia đã được một ngôn sứ cảnh báo rằng “Một số con cái ngươi, xuất thân từ ngươi, do chính ngươi sinh ra, sẽ bị bắt đi làm thái giám trong hoàng cung của vua Ba-by-lon” (2 Các Vua 20:18; Isaia 39:7). Những hậu duệ đó có thể bao gồm Đa-ni-ên và ba người bạn của ông là Kha-na-ni-a, Mi-sa-ên và A-da-ri-a. Họ là những quan chức hành chính cấp cao ở Ba-by-lon, và người giám sát của họ được gọi là “người đứng đầu các thái giám [của vua]” (Đa-ni-en 1:3).57
Khi tiên tri Isaia báo trước sự trở lại của những người lưu đày ở Ít-ra-en, ông đã nói lời đó với những hoạn quan bị giam cầm ở Ba-by-lon. Hoạn quan được nghe khẳng định họ không phải là “cây khô”. Vì Thiên Chúa hứa: “Người ngoại bang gắn bó cùng ĐỨC CHÚA… tuân thủ giao ước của Ta, thì trong nhà và trong tường luỹ của Ta, Ta sẽ cho chúng được lưu danh và có đài kỷ niệm; như thế còn quý hơn con trai con gái. Ta sẽ cho tên tuổi chúng trường tồn, không bao giờ bị ai xoá bỏ” (Isaia 56:3–5). Thiên Chúa hứa rằng những người sống độc thân, giống như những người sống trong hôn nhân, có thể được Thiên Chúa chúc phúc. Mỗi bậc sống đều có những thách thức riêng và chúng có thể đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối quan hệ với Chúa, và rút cục là chúng ta có nhiều điều hơn để cống hiến, để phục vụ người khác.
Ed Shaw, một mục sư bị thu hút chỉ bởi người đồng giới và theo đuổi lối sống độc thân, chỉ ra rằng trong thế giới của Tân Ước, điều mà mọi người quan tâm nhất không phải là từ bỏ tình dục mà là từ bỏ con cái. Có con cháu là cách mọi người đảm bảo rằng tên tuổi của họ sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai. Con cái cũng là hình thức an sinh xã hội quan trọng nhất trong xã hội tiền hiện đại. Những người không có con cái thì không có ai chăm sóc họ lúc tuổi già. Tuy nhiên, nhiều người trong Giáo hội tiên khởi đã chọn cuộc sống độc thân, mặc dù đó là một sự hy sinh rất lớn. Tại sao? Vì Hội thánh của Chúa “sẽ có những hậu duệ tinh thần,” Shaw viết.58 Những người độc thân đã dấn thân triệt để với Hội thánh, coi Hội thánh như gia đình của họ.
Thách thức đối với Hội thánh Chúa ngày nay là trở thành một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau một cách phong phú, và sẽ lại giúp những người độc thân có thể tìm thấy gia đình của mình giữa những anh em Kitô hữu.
56. Harper viết, “Không có từ tự nhiên nào để chỉ sự trinh tiết của nam giới trong tiếng Hy Lạp hay tiếng La tinh. . . . Nghĩa thông thường của từ parthenos là ‘trinh nữ.’ Những người đàn ông sống tiết dục vì đức tin Kitô giáo tìm kiêm, một cách vụng về, một cách diễn đạt phù hợp với lý tưởng khác thường của họ. . . . Những người Kitô hữu thường tìm cách diễn đạt quanh co để chỉ sự kiêng khem tình dục của nam giới, chẳng hạn như eunouchia.” From Shame to Sin, 52, 104.
57. Richard M. Davidson, Flame of Yahweh: Sexuality in the Old Testament (Grand Rapids: Baker, 2007), 301. Nhà sử học Do Thái thế kỷ thứ nhất Josephus đã nói rằng Daniel, Meshach, Shadrach và Abednego là thái giám.
58. Ed Shaw, Same-Sex Attraction and the Church: The Surprising Plausibility of the Celibate Life (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 2015), 112. Shaw credits Stanley Hauerwas for this insight.
Leave a Reply