Nếu bạn sắp kết hôn, bạn phải biết bạn đi về đâu. Phúc thay đôi bạn nào hiểu được cuộc hôn nhân của họ là nẻo đường đi về Quê hương Nước Trời.
C. và M. gặp nhau cách đây gần một thế kỉ ở dải đồi miền nam Ohio, một làng quê cạnh dòng sông Ohio. C. bấy giờ 9 tuổi khi bố em gom bọn trẻ trên chiếc xe bò đi đám tang. Một người hàng xóm mới qua đời, để lại người vợ góa với bốn đứa con thơ.
Sau lễ tang, bọn trẻ chơi đùa quanh khu nghĩa trang, C. để ý cô bé M. 7 tuổi đứng bên gia đình đang đau buồn. Cậu nghĩ “thật buồn, tội nghiệp cô bé giờ không còn bố”. C. khi ấy chợt nghĩ và thề nguyện với mình trong lòng sẽ quan tâm đến cô bé những tháng năm sắp tới.
C. và M. chẳng bao lâu sau đó gặp nhau mỗi ngày. Cả hai đứa đều ở trong đám trẻ cùng đi đến trường hằng ngày, tung tăng trên con đường hơn một dặm dẫn xuống ngôi trường một phòng học duy nhất.
Thời gian trôi qua tình bạn càng khắng khít. C. học xong lớp tám và phải rời trường để phụ gia đình chăm nom việc đồng áng. M. rồi cũng trở thành cô giáo dạy các trường làng quê ở Ohio. Hai đứa thích nhau và bắt đầu hẹn hò. Hai người cũng cùng đi nhà thờ.
Khi C. đến hai mươi tư tuổi, anh rời nông trại và đến Pittsburg làm việc tại nhà máy. Anh cần có nhiều thu nhập hơn những hoa lợi từ nông trại nhỏ bé của gia đình anh. Thế là anh khởi sự làm việc như một nhân viên chăm gia cầm. Anh làm việc tốt và chăm chỉ để rồi bốn năm sau anh và M. cưới nhau.
Ngày cưới, đôi bạn và gia đình họ cùng bạn bè đến nhà thờ quê hương sở tại mình. Cha xứ già đã nghỉ hưu Newman làm lễ cưới cho họ. Ngài phải ngồi hầu như suốt buổi lễ vì sức khỏe đã yếu do đã quá tám mươi.
Nhưng cha Newman đã làm một nghi thức đặc biệt. Trước Thánh lễ, ngài hướng về C. và nói “Khi cha tuyên bố anh chị thành vợ thành chồng, con hãy nắm lấy tay M. và không bao giờ buông ra nữa”. C. đã làm đúng như cha dặn. Để có nhau và giữ nhau, từ nay và mãi về sau.
Sau đó, mọi người vui mừng chia sẻ với nhau chiếc bánh kem và ly rượu sâm banh ngọt ngào. Và đôi tân hôn qua đêm ở nhà mẹ cô dâu. Ngày hôm sau, hai vợ chồng thăm gia đình họ hàng C., thưởng thức món gà rán và tiếp tục ăn bánh ngọt. Ngày hôm sau nữa, đôi bạn đến Pittsburgh, để C. tiếp tục làm việc và M. bắt đầu làm quen và ổn định cuộc sống ở căn nhà mới.
C. trở lại làm việc ở nhà máy, trong thành phố đầy khói bụi của các nhà xưởng sản xuất. M. cảm thấy đơn độc trong môi trường mới này, cô thường hay nhớ tưởng những người dân ở quê nhà. Khi vui cũng như khi buồn.
Nhưng rồi tình hình trở nên tốt đẹp hơn. Cô và C. gặp được một giáo xứ mới, có các cặp vợ chồng trẻ đồng trang lứa và những người bạn tốt thân thiện, một vài người trong số đó sau này đã trở thành bạn thâm niên với họ đến cuối đời.
Rồi cũng đến lúc có khủng hoảng. Nhà máy của C. vẫn hoạt động nhưng bây giờ thời gian lao động trở nên sít sao, căng thẳng hơn. Anh phải làm cật lực. M. nắm tài chính gia đình và vật vã để tiết kiệm từng đồng bạc. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan.
Đó là thời gian không lâu trước khi chào đón đứa con đầu lòng chào đời. M. vẫn ổn cho tới một ngày giữa tháng Năm lúc cô mang thai khoảng tám tháng.
Hôm đó sau khi ăn sáng xong, cô đau bụng dữ dội. C. vội vã đem cô đến bệnh viện. Một giờ trôi qua, rồi một giờ nữa. Anh cứ lo lắng canh chừng tại phòng đợi, trong khi bác sĩ cố hết sức và cuối cùng thành công cứu cả mẹ M. và con trong bụng.
Đứa bé sinh ngược và phải mổ, cơ thể bé nhỏ của M. toang hoác rã rượi, nhưng sau cùng cô điều dưỡng mang một bé trai bé bỏng đến trao cho C. đang nóng ruột trong phòng đợi. Hai anh chị đặt tên con là To., ở nhà gọi là cu Min.
M. và bé Min ở bệnh viện thêm một tuần lễ nữa. Khi về nhà, em bé ăn uống rất khó khăn. Hai vợ chồng thử mọi cách để thúc con ăn.
Họ mang con đến bác sĩ khám, ông bảo “Em bé phải bú sữa mẹ thôi, nếu không em sẽ không bao giờ nuôi lớn lên bình thường được”. Bác sĩ gợi ý M. uống chất dinh dưỡng Malt-Nutrine. Thế nhưng, C. và M. không thể mua nổi với giá cả quá đắt như vậy. Bởi thế bác sĩ hỏi liệu anh chị có thể tự pha chế được thứ thức dinh dưỡng này không.
C. trả lời “tôi không biết, nhưng có thể sẽ học làm được mau thôi”.
Và anh đã học được cách pha chế. Chẳng bao lâu C. thấy anh có thể sản xuất được tám mươi chai chỉ với một đô-la, và M. uống mỗi ngày ba chai. Cuối cùng thì M. cũng có sữa căng đầy cho con bú. Bé Min bắt đầu lớn như thổi. Khủng hoảng sinh đẻ và thách thức sự sống còn của bé Min chỉ làm cho tình yêu của C. và M. sâu đậm thêm.
Năm tháng trôi qua mau, C. làm việc đằng đẵn chăm chỉ tại nhà máy cán thép và dần vươn lên từ một công nhân bình thường thành quản đốc. Bé Min đã lớn thành cậu sinh viên To., rồi gia nhập quân ngũ, đóng quân tại California, và lập gia đình.
Cuối cùng, C. cũng nghỉ hưu, ông và M. mau chóng dời đến Fresno, California để sống gần To. và gia đình nhỏ của cậu. Cuộc sống của C. và M. thư thả. Hai người ghi danh vào sinh hoạt giáo xứ ở đó và trông nom hai cháu gái bé bỏng rất dễ thương đang lớn từng ngày.
Dòng đời trôi. C. chăm sóc M. mắc bệnh ung thư ngực, giải phẫu mắt, và gãy hai xương chậu. Ông rốt cuộc phải tự lo mọi chuyện bếp núc, giặt giũ, phơi đồ, xếp quần áo. Ông tắm rửa cho vợ, bà bị sụp cột sống do bệnh loãng xương. Khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe.
Một buổi tối tháng Tám, lúc C. tắt truyền hình và hai vợ chồng sắp đi ngủ thì M. ngã quị kêu thét đau đớn. Ông hoảng loạn gọi 911 và chờ đợi. Tại bệnh viện, M. được cấp cứu mổ khối u loét bị vỡ.
Từ đó, ông không thể trực tiếp chăm sóc vợ như trước được nữa. Cả nhà quyết định đưa bà đến Nhà Hi Vọng (Hope Community Home), một viện điều dưỡng không xa nhà họ mấy. M. dần làm quen với các nhân viên điều dưỡng và những cư dân ở đó. Bà là một bệnh nhân dễ chịu, dịu dàng, vui vẻ hay cười, không bao giờ phàn nàn.
Căn phòng bà ở khá rộng, ông có thể đem cái ghế gỗ đung đưa từ nhà đến, đặt cạnh giường bà nằm. Đó chính là cái ghế hai người đã mang đi từ Pittsburgh. Chiếc ghế cọt kẹt êm ả đung đưa có C. ngồi bên cạnh cho bà bình yên thư thái.
M. mỗi ngày một yếu nhợt đi. C. tiếp tục giúp bà ăn ba lần mỗi ngày. Ông cứ nghĩ ngợi băn khoăn có nên dọn vào ở đây với bà không thay vì đến ở với To. và gia đình nó. Ba lần mỗi ngày C. lái xe đến ở với M. tại ngôi Nhà Hi Vọng này. Ông vẫn giúp bà mỗi bữa ăn. Khi ông phải nạp trả lại bằng lái xe vì đã quá già, vào ngày sinh nhật thứ chín mươi hai, C. phải đi về bằng xe bus công cộng để ở đó giúp M. mỗi bữa ăn và ngồi trên chiếc ghế gỗ đu đưa bên M.
C. giúp M. súc miệng rửa hàm răng giả, chêm gối chăn quanh người bà khi ngồi xe lăn, dịu dàng sấy tóc cho bà. Mỗi dịp lễ Giáng sinh, ông mua cho bà hai bộ đồ mới toanh mặc ở nhà. Ông dâng hoa nhà thờ họ mừng kính Chúa Mẹ cầu nguyện cho bà.
M. bắt đầu có những dấu hiệu bị lẫn. Bà không biết chắc chắn bản thân mình là ai, mình đang ở đâu. M. càng lẫn nhiều ông càng hoảng. Sau cùng, sau năm năm C. đến hằng ngày giúp bà mỗi bữa ăn, bác sĩ của ông khuyên ông phải bớt lại. Vì thế ông chỉ còn đến thăm bà hai lần mỗi ngày thôi.
Ngày 23 tháng Giêng dương lịch, gia đình gặp bác sĩ. Có tin không lành. M. bị viêm phổi, không ăn được nữa. Cơ thể bà bắt đầu teo tóp dần. Thần Chết đến gần.
Từ đó, C. luôn ở bên cạnh M. nói luôn miệng “M. ơi đừng chết nhé. Anh van em đừng bỏ anh”.
Rồi biết rằng cái M. cần nhất lúc này là lời đoan hứa của ông, C. rốt cuộc thốt lên “Được rồi, em yêu. C. đây. Anh yêu em”.
Ngày 27 tháng Giêng, Chúa nhật. To. đi nhà thờ và nhận Mình Thánh Chúa. Mọi người giáo dân trong nhà thờ đều biết tại sao ông C. vắng mặt. Sau Thánh lễ, To. và cha xứ đến thăm C. mang Mình Thánh Chúa cho ông. Họ cùng đọc Thánh Vịnh 23.
Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, / tôi chẳng thiếu thốn chi. / Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. / Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. / Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Mọi người chìm lắng trong Bình an phó thác.
Họ rời đi. Một mình C. ở lại. Nghiêng mình trên giường ông dịu dàng khẽ nói “Chào M.”.
Bàn tay nhỏ nhắn của nàng trong lòng bàn tay ông như ngày tân hôn, M. trút hơi thở cuối cùng. Để yêu thương tôn trọng nhau mọi ngày đến cuối cuộc đời.
Vài ngày sau bà nằm yên nghỉ mãi mãi với chiếc hộp nhỏ đặt bên cạnh. Trong đó là chiếc áo cưới hồng nhạt ghi dấu thời gian sáu mươi năm trước M. mặc trong ngày cưới, khi nàng nói lời hứa yêu thương tôn trọng C. cùng sẻ chia cuộc đời này với ông.
Tôi không có đặc ân được gặp gỡ C. và M.. Khi được nghe câu chuyện thật đẹp này tôi buộc thốt lên lời ngợi khen chúc tụng. Họ rõ ràng mong muốn cùng giúp nhau lên trời. Họ khao khát muốn người bạn đời của mình được nên tốt đẹp hơn. Họ nhằm chờ nhau ở bến bờ vĩnh hằng kia.
Họ có một mục đích bí nhiệm. Họ biết mục tiêu của mình hướng đến trong cuộc đời. Châm ngôn dạy rằng “Bạn hãy khởi đầu bằng cách nghĩ đến đích điểm cuối cùng”. Nói cách khác, hãy biết bạn đang đi về đâu. C. và M. đã sống đúng như vậy. Đôi bạn ấy biết mục đích của họ (là lên trời), và đã cùng nhau đeo đuổi nó trong cuộc hôn nhân trong hơn sáu mươi năm ròng.
Thánh Gioan Thánh Giá chia sẻ lời khôn ngoan này: Mục đích của Thiên Chúa là biến đổi linh hồn bạn nên vĩ đại. Đó là mục đích.
Hầu hết chúng ta đều sống, đúng hoặc không đúng, với những gì ta mong đợi. Khi hai người kết hôn, nếu như họ ôm ấp thiết tha cái hoài bão làm cho bạn đời của mình luôn tốt đẹp hơn, giúp anh ấy cô ấy vươn lên trời, cuộc hôn nhân ấy sẽ đơm hoa kết trái, triển nở. Tốt hơn nữa, nếu như họ hiểu rằng Thiên Chúa đang hành động biến linh hồn họ nên vĩ đại, họ có một mục đích chung, có một đích đến cùng nhắm tới. Họ biết họ đi về đâu: lên trời, về với Chúa. Đó là hoài bão cao nhất của mọi người.
Hãy biết bạn đang đi về đâu. Đó là bí quyết sống có mục đích.
Leave a Reply