Ngay sau khi Thiên Chúa tạo nên người nữ, sách Sáng thế tuyên bố: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Từ Híp-ri cổ cho hai chữ “chung thủy” là “dabaq” . Trong khi từ này thường được dịch là bám lấy, hay kết hợp cùng nhau, nó còn có nghĩa là theo sát. Hãy xem xét ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn ở đây: người đàn ông lìa cha mẹ mình và không chỉ đơn thuần bám lấy vợ… nhưng anh ta theo đuổi cô ấy sau khi đã cưới nàng.
Điều này có nghĩa là gợi ý ban đầu trong Sách Thánh về cách theo đuổi người phụ nữ không có nghĩa chỉ được dùng trong giai đoạn hẹn hò, nhằm chiếm lấy trái tim nàng mà thôi. Nhưng, sự theo đuổi ấy còn phải tiếp diễn cho tới khi cái chết chia lìa hai người. Đây là lí do chính vì sao nhiều người ngày nay không biết cách hẹn hò: bởi cha mẹ họ đã quên cách hẹn hò đó! Nếu gia đình thực sự là một mái trường tình yêu, thì vô số những người trẻ đã được tham dự lớp học yêu thương đấy mà không cần đến người hướng dẫn.
Cách tốt nhất để một người thanh niên học được cách hẹn hò là hãy để anh ta được chúc lành bởi một người cha thật sự yêu thương vợ ông ấy. Ví dụ, một người bạn của tôi đã kết hôn được gần 20 năm và chưa từng lỡ một buổi hẹn hò với cô dâu của anh ấy. Dù mưa hay nắng, họ luôn tìm cách tạm thời quên đi trách nhiệm với con cái, cũng như tránh xa sự tấp nập của đời sống gia đình để tái kết nối và thắp lên lại ngọn lửa tình yêu giữa hai người. Đối với họ, lễ cưới không phải là điểm cuối cùng trong mối quan hệ, nhưng thực chất nó giống như điểm khởi đầu hơn. Bạn hãy xem lời của vị linh mục nói trong hôn lễ của một người bạn khác của tôi này: “Hôm nay nên là ngày mà tình yêu giữa hai con trở nên kém say đắm nhất. Mỗi năm trôi qua, tình yêu ấy phải nên mãnh liệt hơn so với năm ngoái.” Nghe có vẻ rất lý tưởng và lãng mạn, nhưng nó có khả thi hay không?
Hoàn toàn có thể. Nhưng để điều đó diễn ra, các cặp đôi cần có sự nhẫn nại để tình yêu của họ được trưởng thành. Những phẩm chất mà đã thu hút họ đến với nhau lúc ban đầu có thể tiến triển theo thời gian. Ví dụ, tổng giám mục Fulton Sheen có viết:
“Sắc đẹp của người nữ và sức mạnh của người nam là hai điểm kích thích rõ ràng nhất để họ yêu nhau. Sắc đẹp và sức mạnh thể lý tăng cường sinh khí nơi mỗi người, nhưng cần phải chú ý là sắc đẹp nơi người nữ và sức mạnh nơi người nam là quà tặng Chúa ban cho họ để phục vụ mục đích là lôi cuốn lẫn nhau. Hai điều này xuất hiện trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời khi người nam và người nữ được thúc đẩy để kết hôn. Hai điều đó, tuy nhiên, lại không hề trường tồn. Chúng giống như lớp kem phủ trên cái bánh ngọt, hoặc là công tắc điện tử để khởi động xe. Nếu tình yêu chỉ được dựa trên thực tế rằng cô ấy là một người mẫu và anh ấy là một hậu vệ biên trong bóng đá, thì hôn nhân sẽ không bao giờ bền. Nhưng, giống như lớp kem dẫn người ăn tới chiếc bánh, thì cũng thế những nét lôi cuốn ấy sẽ mở đường đến một kho báu tuyệt diệu hơn. Có lần, khi chúng tôi khen một người vợ rằng cô ấy có một anh chồng rất đẹp trai, thì cô ấy đáp lại rằng: ‘con không còn để ý tới vẻ đẹp trai của anh ấy nữa; giờ đây con lại nhận thấy anh ấy có những phẩm chất tuyệt vời hơn.”51
Cặp vợ chồng này từ kinh nghiệm mà biết rằng một cuộc hôn nhân lành mạnh không được đong đếm bằng số lượng năm tháng chung sống bên nhau, nhưng bằng chất lượng của tình yêu.
Liệu rằng có một chất liệu bí mật nào đó để xây dựng một tình yêu như vậy hay không? Có lần tôi nghe hai cha quản xứ nói chuyện giờ lâu về chủ đề tại sao trong giáo xứ họ có một số cặp vợ chồng có hôn nhân viên mãn, một số khác thì lại không. Họ nhận ra là một số cặp vợ chồng khi kết hôn thì gặp nhiều trắc trở, nhưng lại có tình yêu bền vững. Trong khi đó một số khác có đầy đủ những gì họ cần thì đời hôn nhân của họ thường xảy ra cãi vã bất hoà, và cuối cùng là phải li hôn. Hai vị linh mục đó trò chuyện cả đêm và đi đến một kết luận về điều gì làm cho hôn nhân bền vững. Họ kết luận rằng: một cuộc hôn nhân bền vững là cả hai vợ chồng cùng đứng lên chiến đấu cho hôn nhân của mình khi giông tố nổi lên. Chỉ thế thôi.
51 Bill Adler, ed., The Wit & Wisdom of Bishop Fulton J. Sheen (New York: Image Books, 1969).
Leave a Reply