Ngay sau khi ĐGH Phaolô VI về với Chúa tháng 8 năm 1978, Đức Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Krakow đã đến Rôma để tham dự mật nghị hồng y bầu chọn tân giáo hoàng. Ngài mang theo một bản thảo viết tay rất dài mà ngài đã dày công soạn thảo trong tinh thần cầu nguyện gần bốn năm qua. Bản thảo ấy đã gần được hoàn tất và ngài ước mong sẽ hoàn thành nó, nếu có thời gian, trong lúc tham dự mật nghị. Trang thứ nhất của bản thảo mang một cái tên lạ lùng: “teologia ciala” (tiếng Ba Lan) – có nghĩa là “thần học về thân xác”. Hàng trăm trang kế tiếp chứa đựng một sự suy tư Thánh Kinh, có lẽ là uyên thâm và đầy sức thuyết phục nhất được diễn tả rõ ràng, về ý nghĩa của công trình tạo thành và cứu rỗi của chúng ta, là nam và nữ – đó là tầm nhìn vô cùng sâu sắc và huyền bí của một vị thánh thời hiện đại, có sức mạnh thay đổi cả thế giới, nếu mà tầm nhìn của ngài có cơ hội để đối thoại với xã hội ngày nay.
Sau khi Giáo hội có tân giáo hoàng là ĐGH Gioan Phaolô I, Hồng y Wojtyla trở về Krakow và hoàn thành bản thảo của mình. Nhưng không lâu sau, ngài lại trở ra từ một mật nghị hồng y khác vào năm 1978, và trở thành vị tân lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, lấy hiệu là Gioan Phaolô II, điều này làm cả thế giới ngạc nhiên sửng sốt. Và tập sách “thần học về thân xác” của ngài, thay vì được xuất bản thành sách, lại được lên sóng như một chương trình “talk show” dài 12915 tập vào mỗi thứ tư hàng tuần, kéo dài từ tháng 9 năm 1979 tới tháng 11 năm 1984. Nó trở thành chủ đề giảng dạy lớn đầu tiên của Đức Tân Giáo hoàng.
Thần học về thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II được truyền cảm hứng bởi một điều gì đó mà ĐGH Phaolô VI đã viết trong Humane Vitae: ngài đã thấy rằng, để có thể hiểu được giáo huấn của Kitô giáo về tính dục và truyền sinh, chúng ta “không những phải có cái nhìn vượt trên những khía cạnh riêng biệt, mà còn phải lưu tâm đến toàn thể con người, đến ơn gọi tự nhiên cũng như siêu nhiên, trần tục cũng như muôn đời của họ”.16 Đây là điều ĐGH Gioan Phaolô II đã đặt ra để làm trong thần học về thân xác của ngài – đó là đem đến một tầm nhìn tổng thể và trọn vẹn của con người, qua đó cho phép chúng ta hiểu và sống giáo huấn của Giáo hội về ý nghĩa và mục đích của sự sống con người (humane vitae) một cách thật sự vui tươi và hạnh phúc.
Từ có ý nghĩa nhất ở đây là “tầm nhìn / vision”. ĐGH Gioan Phaolô II hiểu rằng, trong khi con người thời hiện đại bị ám ảnh bởi việc nhìn vào thân xác con người, nhưng “họ nhìn mà chẳng thấy” (Mt 13, 13). Thần học về thân xác của ngài là một lời mời gọi dành cho mỗi người, rằng “Hãy đến và trở thành kẻ có con mắt hiểu biết” (Ga 1, 39).17
Những lời dạy theo chủ nghĩa luật pháp không đầy đủ của thần học luân lý cùng với sự chê bai, coi thường những vấn đề liên quan tới tính dục của một số những giáo sĩ đã khiến cho hàng ngàn người ngoảnh mặt làm ngơ khi Giáo hội lên tiếng về vấn đề tính dục. Tuy nhiên, ĐGH Gioan Phaolô II tin rằng những gì ngài trình bày sẽ tạo nên một sự khác biệt. Ngài tin rằng ngài có thể khiến cho người ta thấy, thông điệp “Sự sống con người / Humanae Vitae” không chống lại con người, nhưng quan tâm đến họ cách quảng đại: thông điệp ấy không hề chê bác tình yêu tính dục và những thăng hoa ân ái, nhưng nó mời gọi cả nam lẫn nữ đi đến trải nghiệm sự thiêng liêng cao vời nhất. Tuy vậy, để có thể đạt tới điều đó, thì những nan đề xoay quanh luân lý tính dục cần được tái thiết. Thay vì hỏi rằng “Tới mức độ nào thì tôi sẽ vi phạm giới luật?”, thì chúng ta có thể hỏi “Yêu có nghĩa là gì?”, “Tại sao Thiên Chúa tạo nên tôi là nam hoặc nữ?”, “Tại sao từ ban đầu Người tạo nên tính dục?”.
Nói tóm lại, lời giải đáp được nghiên cứu kỹ lưỡng của ĐGH Gioan Phaolô II dành cho nan đề cuối cùng là như thế này: tính dục nơi con người là một dấu chỉ – thật vậy, một dấu chỉ mang tính bí tích – và điều đó là để tuyên bố, biểu lộ và cho phép con người tham dự vào “mầu nhiệm cao siêu” được ẩn giấu nơi Thiên Chúa từ muôn ngàn đời.
15 Thật ra ĐGH Gioan Phaolô II đã chia bản thảo của mình thành 135 bài. Tuy nhiên, những bài suy niệm của ĐGH về sách Diễm ca ca được coi là quá “tinh tế” đối với định dạng tiếp kiến chúng vào ngày thứ Tư, vì vậy, ngài đã gộp 10 bài suy niệm đó thành 4 bài, do đó chỉ phân phối được 129 bài, xem cuốn sách Heaven’s Song của tôi (West Chester: Ascension Press, 2008).
16 Humanae Vitae 7.
17 Gioan 1:39 thường được dịch là “Hãy đến mà xem”. Tôi có lần học Kinh Thánh (từ những người uyên bác hơn tôi rất nhiều về những đề tài tương tự), đã được nghe rằng cách diễn đạt chính xác hơn để diễn đạt lời của Chúa Giêsu là “Hãy đến và trở thành kẻ có con mắt hiểu biết”.
Leave a Reply