Mặc dù bị lạm dụng thì không phải là một tội, nhưng khi người ta không có hành động nào để bảo vệ sự trong sáng của chúng ta, chúng ta đôi khi sẽ học theo cách làm của họ. Nếu họ hành xử khinh suất đối với ta, thì cũng rất dễ dàng để chúng ta tự khinh suất với chính mình. Tôi đã cho rằng “một khi đức khiết tịnh đã bị đánh mất, thì nó đã mất. Vậy thì còn phải thực hành đức khiết tịnh làm chi?”
Sau khi tốn quá nhiều thời gian lang thang trong đêm đen, bị chôn vùi dưới sức nặng của những năm tháng tủi hổ và nhục nhã, tôi khao khát có được sự tha thứ nhưng chưa từng cảm thấy bản thân xứng đáng để đón nhận nó. Tôi cho là chỉ khi nào tôi thay đổi đời sống và bắt đầu sống như một Kitô hữu đích thực, thì chỉ có thế và duy chỉ có thế Chúa mới bắt đầu thương tôi. Nhưng cùng lúc đó, tội tôi quá nặng và quá nhiều. Trong tâm trí tôi, Người chỉ yêu tôi khi tôi hoàn hảo, nhưng đã quá trễ rồi.
Đôi khi tôi đi xưng tội để làm vui lòng mẹ tôi, nhưng tôi không xem trọng điều ấy. Tôi coi việc xưng tội chẳng khác gì một nghi thức tự làm bẽ mặt mình mà tôi có thể chọn đi hoặc không đi. Tôi thậm chí còn bịa thêm tội, nhưng lại giữ những tội trọng mà không xưng, và bước ra khỏi tòa giải tội như thể tôi không hề phạm thánh. Nhiều năm sau, tôi bắt đầu hiểu rằng việc xưng tội không phải là một chướng ngại Chúa đặt ra giữa ta và Người. Thay vào đó, Người cho ta thấy Người muốn ở gần bên ta, trong sự tổn thương của ta, tới mức nào.
Vì thế, hãy tìm một linh mục thánh thiện, và thường xuyên xưng tội với ngài. Đúng thật là xấu hổ khi bạn cứ xưng cùng một số tội tháng này qua tháng nọ. Nhưng điều này lại giúp phát triển đức khiêm nhường, và cũng giúp vị linh mục có khả năng cung cấp những sự hướng dẫn thiêng liêng tốt hơn. Cũng như khi ta đi gặp bác sĩ mà giấu bệnh, thì căn bệnh không thể chữa lành.
Mặc dù tôi đã từng sợ việc đi xưng tội, nhưng dần dà nó trở thành nguồn vui sướng cho tôi. Trong bí tích Hòa giải, tôi phát hiện ra ân sủng chữa lành độc đáo mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Bí tích này không chỉ xóa đi tội lỗi của tôi, nhưng nó còn mang lại cho tôi ân sủng để tránh phạm những tội ấy trong tương lai, cũng như củng cố niềm tin cho tôi rằng Chúa ở bên tôi trong cơn nguy biến.
Có một quá khứ dơ bẩn là chuyện thường. Đôi khi quá trình chữa lành cũng rất “dơ bẩn”. Hãy nhìn vào sách Tin Mừng mà xem. Chúa Giêsu đôi khi sử dụng bùn và nước miếng để chữa lành kẻ điếc, câm và mù!7 Có lẽ Người muốn nói với chúng ta rằng Người không ngại những gì dơ bẩn. Chỉ có ma quỷ mới thường xuyên cố gắng thuyết phục ta rằng ta không xứng đáng, nhưng một tác giả đã viết rằng chúng ta nên “cười vào mặt cái sự ngu xuẩn của nó. Satan, hiện thân của tội lỗi, lại đi tố cáo sự bất xứng của chúng ta!.. Khi ma quỷ gợi lên hình ảnh về quá khứ của bạn, thì cũng hãy nhắc cho nó nhớ về tương lai của nó.”8
7 Xem Mác-cô 7:33, 8:23; Gioan 9:6.
8 Fr. Joseph M. Esper, Saintly Solutions to Life’s Common Problems (Manchester, NH: Sophia Institute Press, 2001), 182.
Leave a Reply