Kinh Thánh nói gì về cuộc cách mạng đạo đức thế tục? Hãy chú tâm vào hai tầng thân xác/nhân vị của thuyết nhị nguyên. Trong các chương sau, chúng ta sẽ đi sâu vào các vấn đề riêng lẻ.
Trước hết, chúng ta phải bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người bị mắc kẹt trong quan điểm làm mất nhân tính và hủy hoại thân xác. Một nhà thần học Công giáo viết: Thế giới quan hai tầng “trên hết là một cuộc tấn công vào thân xác”.25 Do đó, chúng ta phải đáp lại bằng cách bảo vệ thân xác theo như Kinh Thánh. Chúng ta phải tìm cách hàn gắn sự chia lìa giữa thân xác và nhân vị.
Ta hãy bắt đầu đầu từ triết lý của Kinh thánh về thiên nhiên. Kinh Thánh công bố giá trị sâu sắc và phẩm giá của thế giới vật chất—bao gồm cả thân xác con người—là công trình của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Đó là lý do đạo đức Kinh Thánh nhấn mạnh đến việc con người có thân xác. Tôn trọng con người không thể tách rời khỏi tôn trọng thân thể.
Suy cho cùng, Thiên Chúa đã có thể chọn để dựng nên chúng ta giống các thiên thần—linh hồn không có thể xác. Ngài có thể đã tạo ra một thế giới thiêng liêng để chúng ta bay lượn trong đó. Nhưng Ngài tạo ra chúng ta với thân xác thuộc về vật thể và vũ trụ vật chất để sinh sống. Tại sao? Rõ ràng Chúa coi trọng chiều kích vật chất và Ngài muốn chúng ta cũng coi trọng nó nữa.
Kinh thánh coi thân xác và tâm hồn như hai mặt của một đồng tiền. Đời sống bên trong của tâm hồn được thể hiện qua đời sống bên ngoài của thân xác. Điều này được làm nổi bật qua đặc tính song hành của thơ văn trong Do Thái giáo:
“Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông.” (Thánh vịnh 63,1)
“Linh hồn chúng con chôn vùi trong cát bụi, tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen.” (Thánh vịnh 44,25)
“Đừng để mắt rời xa lời thầy,nhưng hãy luôn gìn giữ ở tận đáy lòng con. Vì lời thầy là sức sống cho ai tìm thấy làm cho toàn thân được mạnh khoẻ an lành.” (Châm ngôn 4,21-22)
“Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.” (Thánh vịnh 32,3)
Theo một nghĩa nào đó, thân xác thậm chí có quyền ưu tiên trên linh hồn chúng ta. Suy cho cùng, thân xác là con đường duy nhất chúng ta có để thể hiện đời sống nội tâm của mình hoặc nhìn thấy đời sống nội tâm của người khác. Thân xác là phương tiện làm cho cái vô hình trở nên hữu hình. Nhà thần học Luther Gilbert Meilander viết: “Chúng ta không thể tiếp cận với thần khí thuần túy, trừ khi thần khí được nhập thể nơi thân xác. Do đó, thân xác là nơi hiện diện của cá nhân.”26
Quan điểm toàn diện này của Kinh Thánh được xác nhận bởi kinh nghiệm hằng ngày của con người. Khi ăn, ta không nói: “Miệng tôi đang ăn”. Ta nói, “Tôi đang ăn.” Khi tay ta bị thương, ta nói: “Tôi đau”. Sự phân chia con người thành hai tầng đi ngược lại với trải nghiệm hàng ngày không thể tránh khỏi của chúng ta.
Triết gia Donn Welton tóm tắt rằng, trong Kinh Thánh, thân xác “không thể bị quy giản thành một vật thể vật chất hay một thực thể sinh vật lý, vì thân xác vừa mang chiều kích đạo đức và thiêng liêng, vừa mang chiều kích vật chất”. Nghĩa là, Kinh Thánh không đặt thân xác ở tầng thấp hơn, nơi nó bị biến thành một cỗ máy sinh hóa. Thay vào đó, thân xác là bản chất của nhân vị. Và do đó cuối cùng nó sẽ được cứu chuộc cùng với người đó – một quá trình bắt đầu ngay cả trong cuộc sống này. Welton viết, “Nói cho cùng, Tân Ước không ủng hộ việc từ bỏ thân xác, mà ủng hộ sự cứu chuộc và biến thân xác thành nơi người ta nhìn thấy hai chiều kích đạo đức và thiêng liêng.”27
Đạo đức Kinh Thánh có tính chất nhập thể. Chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa để phản ánh đặc tính của Thiên Chúa, cả trong tâm trí lẫn hành động thể xác của chúng ta. Không có sự chia rẽ, tách biệt thân xác khỏi bản thân chúng ta. Chúng ta là những sinh vật có thân xác.
25. “Chủ nghĩa duy lý khoa học do Descartes dẫn đầu, trước hết là một cuộc tấn công vào thân xác. Nguyên tắc đầu tiên của nó là thân xác con người cùng với mọi vật chất sẽ được coi là đối tượng của quyền lực.” Michael Waldstein, “Introduction,” in John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body (Boston: Pauline Books & Media, 1997, 2006), 95.
Như Ramsey Colloquium đã nói, các quan điểm đạo đức thế tục cho rằng “giả định rằng thân xác chỉ là một công cụ để thỏa mãn ham muốn và việc thỏa mãn ham muốn là bản chất của bản thân. Dựa trên Kinh Thánh và triết học, chúng tôi bác bỏ thuyết nhị nguyên triệt để này giữa bản thân và thân xác. Thân xác của chúng ta có phẩm giá riêng, mang những sự thật riêng và là những người tham gia vào vai trò nhân vị của chúng ta một cách cơ bản.” The Ramsey Colloquium, “The Homosexual Movement,” First Things, March 1994.
26. Gilbert Meilander, Bioethics: A Primer for Christians, 3rd ed. (Grand Rapids: Eerdmans, 1996, 2005, 2013), 6.
27. Donn Welton, “Biblical Bodies,” Body & Flesh: A Philosophical Reader, ed. Donn Welton (Oxford, UK: Blackwell, 1998), 255.
Leave a Reply