Phụ nữ phải làm gì khi đối mặt với sự hối tiếc? Họ phải làm gì để đối phó với nỗi thất vọng khi bắt đầu đổ lỗi – hoặc thậm chí coi thường bản thân – về những sai lầm mà mình đã gây ra? Điều đó không hề đủ khi chỉ nói với cô ấy rằng “Ai cũng lầm lỗi. Đừng có quá khắt khe với bản thân nữa. Hãy trỗi dậy và cố gắng trở nên tốt hơn trong tương lai.” Trong trường hợp của Megan, cô ấy không chỉ đơn giản là buồn bã về quá khứ. Có lẽ cô đã bị tàn phá nhiều hơn bởi những gì từng được xem là có ý nghĩa trong tương lai. Cô chỉ muốn ở bên một chàng trai duy nhất. Và cô không bao giờ muốn nói với chồng tương lai của mình rằng cô đã không chờ đợi anh ta.
Có lẽ bước đầu tiên mà một người phụ nữ như vậy nên làm là mang tất cả những đau khổ của mình dành cho người duy nhất có thể xoa dịu nỗi lo và trả lời cho câu hỏi của cô: chính là Chúa. Mẹ Teresa đã cập đến tình yêu vô điều kiện của Chúa, Mẹ Teresa đã từng viết:
“Ngài luôn yêu bạn ngay cả khi bạn cảm thấy mình chẳng đáng được yêu. Khi không ai muốn chấp nhận bạn, ngay cả khi cả chính bạn đôi lần cũng không chấp nhận mình, Chúa Giêsu là Người luôn đón nhận bạn. Bạn đáng quý đối với Ngài. Hãy chỉ tin. Hãy đem đến dưới chân Ngài mọi sự đang làm bạn sầu khổ; chỉ hãy mở rộng trái tim để được Chúa Giêsu yêu bạn với con người hiện tại của bạn. Ngài sẽ làm mọi sự còn lại.”
Khi bạn không chấp nhận bản thân, bạn nên biết rằng có ai đó vẫn chấp nhận bạn. Tuy nhiên, chúng ta có thường cảm thấy như thể Chúa là Đấng thất vọng nhất về chúng ta? Các nhà thần học nói với chúng ta rằng: đức tính cao cả nhất của Chúa chính là lòng thương xót. Nhưng chúng ta có tin điều này không? Nếu bạn đang đấu tranh để chấp nhận sự thật rằng Chúa yêu bạn và yêu cả những khiếm khuyết của bạn, vậy thì hãy xem tình yêu mà tôi (Jason) dành cho con gái mình. Người ta đã nói rằng: đối với các bậc cha mẹ, có một đứa con giống như việc để trái tim đi tung tăng bên ngoài cơ thể vậy. Cách nói này quá chuẩn! Khi tôi viết điều này, con gái tôi đang ngủ say trong nôi. Tuy nhiên, đó không phải là một tuần yên bình như vậy. Trong bảy ngày qua, cô con gái đã làm cho Crystalina và tôi tỉnh ngủ rất nhiều lần, bằng cách ném bữa tối đi, làm đổ nước trái cây, làm bẩn tã, làm chảy nước dãi vào người tôi, kéo tóc tôi, lau nước mũi lên mặt tôi và tinh nghịch đánh tôi liên tục – trong khi mỉm cười.
Vậy mà sáng mai lúc 5:45, cô con gái sẽ bò vào giường của chúng tôi với mái tóc rối bù xù, vòng tay qua đầu và đánh thức tôi dậy bằng một cái ôm, điều này làm cho mọi thứ đều bị lãng quên. Tình yêu của cô con gái nhỏ làm tôi tan chảy. Đừng để bị lừa khi nghĩ rằng Chúa không bị tình yêu của bạn mê hoặc. Như sách Diễm ca nói bằng văn xuôi, phản ánh tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta rằng, “Em đã cướp mất lòng anh.”2 Tôi đã từng đọc một câu trích dẫn về những người cha nói rằng họ có, “Ý chí sắt đá, thần kinh thép và một trái tim làm bằng bánh pudding.” Trái tim của Chúa bị chinh phục dễ dàng hơn trái tim của con người. Bạn không cần làm gì để Ngài yêu bạn nhiều hơn, và bạn cũng không cần làm gì để cho Ngài yêu bạn ít đi.
Khi bạn chấp nhận tình yêu thương của Chúa, bạn sẽ tăng khả năng để có thể yêu thương người khác. Trong Phúc âm Thánh Lu-ca, có câu chuyện kể về một cô gái điếm ăn năn, đã quỳ dưới chân Chúa Giêsu và lấy nước mắt rửa chân Ngài. Khi một người Pharisêu chứng kiến được hành động này, ông ta nghĩ rằng lẽ ra Chúa Giêsu nên biết rõ hơn về việc để cho một người phụ nữ như vậy chạm vào Ngài. Chúa Giêsu không chỉ bênh vực cô, mà còn nói thêm:
“Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 3
Mặc dù bạn có thể đã đọc đoạn này trước đây, nhưng bạn có bao giờ đắn đo về việc cô gái điếm sẽ cảm thấy thế nào về chính bản thân sau cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Hằng sống chưa? Bạn có nghĩ cô ấy đã thoát khỏi ý nghĩ, “Tôi thật ngớ ngẩn vì đã từng là gái mại dâm. Bây giờ ai sẽ yêu tôi đây?” Bởi vì cô ấy cho phép được yêu thương bởi Chúa, nên quá khứ khi không có Chúa không đáng kể khi so sánh với tương lai mà Chúa đã mở ra trước mắt cô. Hãy tưởng tượng khi cô ấy đi ngủ vào đêm hôm đó, nằm thao thức và hồi tưởng lại về khoảnh khắc gặp Chúa. Ngài nhìn vào mắt cô với sự từ bi và tôn trọng thuần khiết. Có lẽ chưa có người đàn ông nào nhìn cô theo cách như vậy. Cô biết rằng cuộc sống của cô không kết thúc chỉ vì những sai lầm. Đúng hơn hết, vì lòng thương xót của Chúa, mọi thứ chỉ là mới bắt đầu.
Trong các sách Phúc âm, đây không phải là một sự kiện cá biệt. Đó là một khuôn mẫu. Trong một buổi tĩnh tâm dành cho các phụ nữ đại học, Karol Wojtyła nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô với người phụ nữ Samari. Bạn có thể nhớ lại sự kiện trong Phúc âm Gioan, khi Chúa Giêsu gặp một người phụ nữ đã có năm đời chồng và đang sống với một người đàn ông khác. Wojtyła nhận xét:
Hẳn là có điều gì đó trong cuộc trò chuyện này, thứ mà không làm cho cô ấy bẽ mặt hay xấu hổ, không làm cô ấy đau lòng, mà còn giúp cô ấy nhẹ nhõm hơn…. Trong mỗi đoạn Tin Mừng liên quan đến các cuộc gặp gỡ với phụ nữ, họ đều nhận thấy sự độc lập của bản thân mình khi ở bên cạnh Đức Kitô…. Không có nô lệ nào ở bên cạnh Đức Kitô. Người phạm tội có thể trở thành một cô dâu đã hứa, một người em gái.4
Khi một người phụ nữ khám phá ra bản thân mình trong Chúa, cô ấy đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tương lai – cũng như quá khứ. Nếu không có điều này, cô ấy có thể rơi vào thói quen tự định nghĩa bản thân bằng những thất bại. Theo lời của một người phụ nữ đã gửi email cho chúng tôi, “Làm thế nào để thay đổi khi bạn không thể thay đổi quá khứ – thứ đã tạo nên con người hiện tại?” Vết thương của cô quá sâu và chúng đã định dạng con người cô. Trong những trường hợp như vậy, một người phụ nữ phải từ chối sự cám dỗ để gán nhãn cho chính bản thân mình. Thay vì chỉ xác định tội lỗi, cô ấy phải hành động vượt lên trên nó.
Văn hóa hiện đại thường nói với chúng ta rằng cảm giác tội lỗi là không lành mạnh, đặc biệt là khi nó liên quan đến các vấn đề tình dục. Một số người thậm chí còn nói rằng vấn đề thực sự của tội lỗi là nằm ở những người nói tội lỗi tồn tại. Họ lý luận nó như sau: Nguyên nhân thực sự của cảm giác tội lỗi và xấu hổ của phụ nữ là nằm ở ý tưởng kỳ thị giới tính, rằng họ phải trong trắng. Nếu chúng ta giải phóng phụ nữ khỏi những lý tưởng không thực tế và nặng nề về sự trong trắng, thì sẽ không có ai cảm thấy hối hận.
Điều này giống như nói rằng vấn đề của ung thư vú là chụp X-quang tuyến vú: Nếu chúng ta thoát khỏi những người thúc đẩy việc chẩn đoán ung thư vú, phụ nữ sẽ được giải phóng khỏi sự lo lắng và sợ hãi do ung thư gây ra. Rõ ràng, bất cứ ai yêu phụ nữ sẽ coi những lời khuyên như vậy là lố bịch.
Cảm giác tội lỗi không có hại. Điều không lành mạnh là sự không biết xấu hổ. Cảm giác tội lỗi là một món quà từ Chúa. Đó là một chiếc đồng hồ báo thức, gọi chúng ta dậy khi chúng ta không sống như cách chúng ta phải sống. Sự không thỏa mãn và trống rỗng theo sau mỗi tội lỗi là lời kêu gọi từ Chúa để trở về với Ngài, Đấng một mình có thể thỏa mãn những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ, hãy tạ ơn Chúa, lương tâm của bạn vẫn còn sống, và hãy đến với Ngài để được tẩy rửa. Nếu bạn cảm thấy buồn vì quá khứ của mình, hãy cho phép mình khóc nếu bạn cảm thấy cần thiết. Một người phụ nữ phải trải qua giai đoạn đau khổ tột cùng khi nhận ra sự mất mát to lớn. Đó là một phần cần thiết của quá trình chữa lành. Dù đau đớn bao nhiêu, những giọt nước mắt sám hối sẽ chữa lành lại.
Kinh Thánh nói rằng khi Chúa Thánh Thần kết án về tội lỗi của chúng ta, thì Ngài cũng là Đấng an ủi. Ma quỷ là kẻ tố cáo, trong khi Chúa Thánh Thần là Đấng biện hộ, Đấng bào chữa. Thuật ngữ “người bào chữa” xuất phát từ tiếng La tinh advocatus (biện hộ), thường được sử dụng trong ngữ cảnh pháp lý để chỉ một người nào đó được gọi đến để bảo vệ bạn trước tòa. Ngay cả khi bạn là người buộc tội chính mình, Chúa vẫn đứng về phía bạn.
Không có sự gì bạn đã gây ra mà không thể được tha thứ. Lý do chúng ta đi sâu vào vấn đề này là vì bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho bản thân hơn khi bạn biết rằng Chúa sẵn lòng tha thứ cho bạn.
Trở về chương 16 của Trang Mục lục
2 Diễm ca 4:9.
3 Luca 7:44–48.
4 Karol Wojtyła, The Way to Christ (San Francisco: Harper & Row Publishers, 1984), 34, 35.
5 Ai ca. 3:22–23.
Leave a Reply