Một số Kitô hữu nói rằng Chúa tạo ra những người bị thu hút bởi người có cùng giới tính với họ—“Chúa dựng nên tôi làm người đồng tính”. Đúng là cảm giác tình dục của chúng ta có thể rất tự nhiên. Riordan, khi viết về những cám dỗ đồng tính nữ của mình, nói: “Tôi đã chìm đắm trong những suy nghĩ đó nhiều đến mức chúng trở thành một phần của con người tôi. Ý nghĩ trở thành một người đồng tính nữ có cảm giác chân thực như chính cái tên của tôi vậy.”45
Tuy nhiên, không phải mọi thứ tồn tại trong thế giới hôm nay đều phản ánh cách Chúa tạo dựng thế giới thuở ban đầu. Sam Allberry, một mục sư Tin lành bị thu hút bởi người đồng tính và sống độc thân, đã nói rất hay: “Ham muốn những điều Chúa cấm phản ánh việc tội lỗi đã bóp méo tôi như thế nào, chứ không phải cách Chúa đã tạo nên tôi.”46
Tim Wilkins sống nhiều năm như một người đồng tính nhưng hiện đã kết hôn và có con. Ông nói, nếu Chúa tạo ra một số người đồng tính, thì “Chúa đã chơi một trò đùa tàn nhẫn với họ. Chúa đã thiết kế tâm trí và cảm xúc của họ để thu hút người đồng giới nhưng lại tạo ra sinh lý đối lập cách trực tiếp với sự thu hút đó.”47 Ta không thể là một con người trọn vẹn khi cảm xúc của ta xung đột với sinh lý của ta.
Điều lý tưởng là sự thống nhất bản thân – sự hài hòa giữa bản sắc tâm lý và tình dục của chúng ta. Tất nhiên, trên trần thế, chúng ta không nên mong đợi sự hoàn hảo, tương tự như chúng ta không thể tận hưởng sự hoàn hảo trong bất kỳ lĩnh vực nào khác của cuộc sống. Một số chương trình tư vấn hứa hẹn quá mức về kết quả, như thể bất kỳ ai cố gắng đủ đều có thể vượt qua sự thu hút đồng tính và trở thành người dị tính. Những chương trình này thường dẫn đến sự thất vọng và vỡ mộng đau đớn, và kết quả là chúng đã gây ra sự chỉ trích dữ dội của công chúng. Trị liệu có thể mang lại lợi ích về mặt tâm lý, chẳng hạn như chữa lành cảm xúc sau chấn thương thời thơ ấu. Nhưng không có chương trình nào được đảm bảo sẽ dẫn tới việc hoàn toàn thoát khỏi cám dỗ.48
Như Francis Schaeffer đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuốn sách như True Spirituality / Đời sống Thiêng liêng đích thực, quá trình thánh hóa dẫn đến “sự chữa lành quan trọng”, chứ không dẫn đến sự chữa lành hoàn toàn trên thế gian.49 Nếu chúng ta đòi hỏi sự toàn hảo, chúng ta rút cục chẳng có gì cả.
Thế giới quan của Kinh Thánh có đủ nguồn lực trí tuệ để giải thích tại sao chúng ta không thể coi khuynh hướng tự nhiên là bản sắc cá nhân. Kinh Thánh rất sâu sắc và thực tế về tác động tàn phá của tội tổ tông. Khi nói thế giới này đang trong tình trạng sa ngã có nghĩa là gì? Tất cả chúng ta đều biết rằng khi làm điều gì đó sai, chúng ta thường làm hỏng hoặc làm vỡ thứ gì đó – dù chỉ là một chiếc đĩa ăn cơm, một cánh tay, hay một mối quan hệ, hay đôi khi là cả cuộc đời. Khi tổ tông chúng ta làm điều gì đó sai, họ đã làm hỏng mọi thứ. Họ đã phá vỡ toàn bộ thế giới—bao gồm cả cấu trúc vật chất của cơ thể chúng ta.50 Sự sa ngã của tổ tông là câu trả lời của Kinh Thánh cho lý do tại sao có sự ác và đau khổ, tại sao những ham muốn và khuynh hướng của chúng ta thường lệch lạc khỏi lý tưởng.
Tuy nhiên, Thiên Chúa hứa sẽ hoạt động thông qua cả sự tan vỡ của một thế giới sa ngã. “Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: ‘Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh’” (Gioan 9,1–3).
Câu hỏi quan trọng nhất không phải là Điều này đến từ đâu? mà đúng hơn là Chúa có thể làm gì qua đó?
Thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8:28). Tất cả mọi thứ—ngay cả những điều gây đau đớn, có hại hoặc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cách chúng ta phản ứng với những điều đó có khả năng làm sâu sắc và trưởng thành tính cách của chúng ta, để chúng ta có thể phục vụ người khác tốt hơn.
Nếu bạn nghi ngờ điều đó, hãy đọc thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô để được nhắc nhở ngay cả tội loạn luân, khi ăn năn, cũng có khả năng khiến chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Trong lá thư thứ nhất gởi Cô-rin-tô, thánh Phaolô đã viết: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!” (1 Cô-rin-tô 5:1). Nhưng trong lá thư tiếp theo của mình, thánh Phaolô đã có thể viết: “Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa đã đem lại cho anh em những gì: bao nồng nhiệt, và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi, bao ân hận, bao sợ hãi, bao ước mong, bao nhiệt tình, bao hình phạt; bằng mọi cách, anh em đã chứng tỏ mình vô can trong vụ này.” (2 Cô-rin-tô 7:11). Bất kể tình huống là như thế nào, con đường tiến về phía trước là câu hỏi: Chúa đang đưa đến điều tốt lành nào trong tình huống này?
Nhiều người bị thu hút bởi người đồng giới đã cầu nguyện nhiều năm, cầu xin Chúa lấy đi điều đó khỏi họ. Bản thân thánh Phaolô đã phải chịu đựng sự đau khổ dai dẳng mà ngài gọi là “cái dằm đâm vào thân xác tôi” (2 Cô-rin-tô 12:7). Chúa không lấy đi cái dằm ấy dù đã cầu xin Chúa nhiều lần. Câu trả lời của Chúa là “cái dằm” đã làm nên điểm yếu khiến Phaolô phải cậy dựa vào Chúa cách sâu sắc hơn. Hình ảnh cái dằm gai đó có lẽ được lấy từ sách Sáng thế, khi hậu quả của sự sa ngã được tượng trưng bằng hình ảnh “gai góc”. Mỗi người chúng ta đều phải chịu đựng đau khổ khi sống trong một thế giới sa ngã, dù là trong đời sống tình dục, gia đình, công việc hay sức khỏe. Nhưng bằng cách quay về với Thiên Chúa trong đau khổ, “cái gai” của chúng ta có thể trở thành phương tiện thánh hóa.
45. Amy Riordan, “When the Enemy Attacks Your Sexual Identity (It Starts with Just a Thought),” Walking in Freedom (blog), http://walkinginfreedom.net/are-you-being-lied-to-about-your-sexual-identity/.
46. Sam Allberry, Is God Anti-Gay? rev. and expanded ed. (UK: The Good Book Company, 2015),32. Sam Allberry, along with Sean Doherty and Ed Shaw, who are quoted in this chapter, are associated with Living Out, a British ministry to those who experience same-sex attraction.
47. Tim Wilkins, “Cruel Joke or Medical Anomaly?” Cross Ministry, http://www.crossministry.org/index.php?option=com_content&view=article&id=261:cruel-joke-or-medical-anomaly&catid=65:articles-by-tim&Itemid=278.
48. Gây tranh cãi nhất là liệu pháp phục hồi hoặc liệu pháp chuyển đổi. Liệu pháp phục hồi trẻ vị thành niên đã bị cấm ở năm tiểu bang và Washington, DC. Ở những tiểu bang đó, việc một nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần được cấp phép giúp trẻ vị thành niên thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới của mình là bất hợp pháp, ngay cả khi khách hàng yêu cầu. Thêm hai mươi tiểu bang nữa đã ban hành luật tương tự. Tuy nhiên, bất chấp sự chỉ trích dữ dội của công chúng, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp không gây hại. See Yarhouse, Homosexuality,90–95.
49. Francis Schaeffer, True Spirituality,in The Complete Works of Francis Schaeffer (Wheaton, IL: Crossway, 1988).
50. See Greg Koukl, The Story of Reality (Grand Rapids: Zondervan, 2017).
Leave a Reply