Bánh pizza đã tới, làm gián đoạn cuộc hội thoại trong chốc lát. Mỗi người đều tập trung vào dĩa bánh của mình, và điều đó giúp họ lấy lại sức, cũng như “tiêu hoá” những gì đã diễn ra. Nhưng chẳng bao lâu sau, BillyLu lại tiếp tục lên tiếng.
BillyLu: Làm thế nào mà đồng tính luyến ái lại là một tội? Tội là thứ gì đó mà ta chọn để phạm lấy.
Jeremy: Phải đấy, con người sinh ra không có quyền lựa chọn giới tính của mình, họ có thể là thẳng, đồng tính nam nữ hoặc lưỡng tính. Đây là con người chúng tôi. Cho nên, đồng tính không thể là tội.
BillyLu: Tôi không ngạc nhiên khi Giáo Hội lên án đồng tính, bởi vì Giáo Hội bao năm qua đã lên án mọi hành vi tính dục, ngoại trừ việc sinh sản con cái trong hôn nhân. Giáo Hội lên án tình dục trước hôn nhân – nhưng điều đó không có cơ sở Kinh Thánh. Giáo Hội lên án việc thủ dâm, vuốt ve âu yếm, hôn nhau trong đam mê cảm xúc, và sống chung với nhau trước hôn nhân – tất cả những điều này cũng không có cơ sở Kinh Thánh. Giáo Hội thậm chí còn lên án việc kiểm soát sinh đẻ – ông chỉ cho tôi thấy chỗ nào trong Kinh Thánh ngăn cấm chuyện này đi, JP.
Jeremy: Điều mà Giáo Hội muốn nói ở đây, đó là tình dục là chuyện xấu xa. Tất cả mọi thứ làm cho con người được thăng hoa bằng cách đem đến cho họ khoái cảm thì đều đến từ Satan cả. Nhưng Thiên Chúa tạo nên tính dục, ắt hẳn tính dục phải là điều tốt. Bất cứ ai lên án hành vi tình dục của người khác thì cũng là lên án chính Thiên Chúa.
BillyLu: Tất cả những thứ tội lỗi mà Giáo Hội Công Giáo bày ra làm tôi phát ốm. Chúng đều là thứ rác rưởi. Rõ ràng Giáo Hội Công Giáo muốn áp đặt cái cảm quan tội lỗi ngu xuẩn về hành vi đồng tính luyến ái lên chúng ta, muốn chúng ta phải cảm thấy mình như rơm rác, muốn cho chúng ta phải bị nhục nhã. Đây chính là cách để Giáo Hội kiểm soát chúng ta và ép chúng ta làm theo những gì Giáo Hội muốn. Tôi cóc tin điều đó đâu. Chúa dựng nên tôi như thế này, và tôi sẽ giữ mình mãi như vậy.
Jeremy: Tôi hoàn toàn đồng ý với chị, BillyLu. Chúa đã làm nên tôi như vầy, vậy thì việc gì tôi phải thay đổi?
Cha JP cứ để mặc cho hai người tuôn ra hết những gì cần nói, và cha chờ đợi một cơ hội tốt để mở lời.
Cha JP: Trước khi tiếp tục, chúng ta cần phải làm rõ một số điều: người Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa tạo nên tính dục là một điều tốt đẹp, hay đúng hơn, Thiên Chúa làm cho nó trở thành linh thiêng. Chúng tôi không hề kết án hành vi tình dục ngoài hôn nhân bởi vì tình dục là điều xấu, nhưng đúng hơn, đó là do sự kết hợp thân xác có mục đích phản chiếu một điều vô cùng linh thiêng. Đó là tình yêu tận hiến và vô điều kiện giữa một người nam và một người nữ, cũng như tình yêu vĩnh cửu, vô biên và vô điều kiện mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, Chúa Con dành cho Chúa Cha, và được hiện thân nơi Chúa Thánh Thần.
Về việc Kinh Thánh có hay không kết án tình dục trước và ngoài hôn nhân, cũng như phim ảnh khiêu dâm, thủ dâm, vuốt ve hôn hít, và kiểm soát sinh sản, tôi đề nghị các bạn hãy đọc Mát-thêu 5, 27-32, Rôma 1, 24-32, 1 Cô-rin-tô 5, 1-2 và 6, 9-20, Ga-lát l 5, 19-21, Êphêsô 5, 3-10, Titô 2, 5-6. Nếu như không đặt trong phương diện đạo đức tính dục, thì chúng ta sẽ không thể nào hiểu được những đoạn trích này.
Sam: Nếu như Thiên Chúa tạo nên một số người với xu hướng tự nhiên là phải quan hệ tính dục với người đồng giới thì sao hả cha, liệu đó có là điều sai trái khi đi ngược lại với xu hướng đó hay không? Con thấy là điều đó sẽ gây hại rất nhiều, đặc biệt là khi họ kết hôn, có con cái, rồi lại phải li dị chỉ để tìm kiếm sự trọn vẹn của đời mình.
BillyLu: Mặc dù ban đầu đúng là không hề dễ dàng cho những đứa con của tôi, nhưng giờ đây chúng đã quen với hoàn cảnh của mẹ nó rồi. Nhưng nếu phải bắt đầu lại, thì tôi sẽ không cưới chồng tôi đâu.
Tính “khoa học” của đồng tính luyến ái
Cha JP: Anh thật sự nghĩ Chúa tạo nên anh như vậy à?
Jeremy: Tất nhiên rồi.
Cha JP: Tại sao?
Jeremy: Bởi vì chưa hề có một phút giây nào trong đời tôi lại quên mất mình là gay. Tôi luôn cảm thấy khác biệt, rằng tôi không phù hợp đứng chung hàng ngũ với bọn con trai. Ngoài ra, tất cả các nghiên cứu đều cho thấy là có một bộ gien đồng tính.
Cha JP: Nghiên cứu nào?
Sam: Cha không đọc báo sao? Đã có rất nhiều bài nghiên cứu đấy.
Jeremy: Ví dụ như, có một nghiên cứu nọ về các cặp song sinh nam đã cho thấy 100% những người đồng tính nam đều có một người anh em sinh đôi cũng đồng tính.
Cha JP: Jeremy, nghiên cứu đó đã diễn ra từ năm 1952, bởi một người tên Kallman, và đó là một nghiên cứu đầy tai tiếng, bởi cái cách ông ta tuyển lựa 37 cặp sinh đôi cho nghiên cứu ấy. Một bài nghiên cứu khác gần đây được thực hiện bởi Bailey, Dunne và Martin. Họ tuyển lựa đến 4901 cặp song sinh, lấy từ cơ quan đăng ký song sinh của Úc, để đảm bảo tính trung lập. Trong 4901 cặp đó, thì có 113 cặp có ít nhất một người bị xem là đồng tính về mặt tâm lý, 49 cặp song sinh một hợp tử và 64 cặp song sinh hai hợp tử. Trong 49 cặp song sinh một hợp tử chỉ có 6 cặp (12%) là cả hai anh em đều đồng tính; và trong 64 cặp song sinh hai hợp tử thì chỉ có 5 cặp (8%) là cả hai cùng là đồng tính.
Hiển nhiên là chúng ta không tìm thấy thể tương liên với con số hoàn hảo 100% mà Kallman đã báo cáo về các cặp song sinh do di truyền, và có rất ít sự khác biệt giữa song sinh do di truyền và song sinh không do di truyền. Cả hai đều chỉ có trên dưới 10% tỉ lệ cả hai anh em song sinh đều là đồng tính mà thôi.
Nguyên nhân có thể là do sự ảnh hưởng gien nào đó, nhưng ảnh hưởng đó là quá nhỏ khi so với những quy luật tất yếu về thể chất khác, ví dụ như giới tính sinh học, màu mắt, nước da, màu tóc, vân vân. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng những nhân tố chủ quan và môi trường đóng vai trò nhất định trong việc hình thành nên sự đồng tính của một con người.
BillyLu: Nhưng, thế còn những công trình khoa học phát hiện ra bộ gien đồng tính, vốn đang làm rầm rộ giới báo chí gần đây thì sao?
Cha JP: Chúng ta cần phải thận trọng với những thứ tự xưng là công trình khoa học, vốn nhan nhản trên báo hằng ngày. Phần lớn những công trình đó chỉ ở mức sơ bộ, và thường chỉ được thực hiện bởi một nhóm nhỏ mà thôi. Để một công trình nghiên cứu được xem là có tính khoa học, thì nó phải có khả năng tái bản.
Ví dụ, vào năm 1989, Stanley Pons và Martin Fleischmann thông báo là họ đã thành công làm ra Cold Fusion (ngôn ngữ lập trình), chỉ nhờ vào một thiết bị tabletop đơn giản (máy tính All-in-One/tất cả trong một). Cánh báo chí đã loan tin này như thể nó là một cột mốc khoa học, và là giải pháp cho nguồn năng lượng rẻ tiền, thân thiện với môi trường. Vấn đề duy nhất ở đây là các nhóm khoa học gia không thể nào tái bản được phát minh của họ, và do đó cộng đồng khoa học đã nghi ngờ, không tin vào kết luận của họ.
Rất nhiều nghiên cứu ẩn ý về sự khả hữu của một bộ gien đồng tính chưa từng được tái bản hoặc thậm chí là chúng còn được dựa trên những bằng chứng không đủ cơ sở. Ví dụ, vào năm 1993, tiến sĩ Dean Hamer và một số vị khác đã bắt đầu một đề tài nghiên cứu, và họ phát hiện ra rằng nhiều người đồng tính nam cùng có chung một dấu hiệu di truyền trên nhiễm sắc thể X. Nhưng 15 năm sau họ vẫn chưa thể tìm ra cái bộ gien đồng tính mà đã được báo từ trước. Trái lại, tạp chí Khoa Học đã báo cáo kết quả của cuộc nghiên cứu của Rice, Anderson, Risch và Ebers. Bốn người này đã quan sát 4 dấu hiệu nhiễm sắc thể phân biệt nằm trên cùng một khu vực di truyền của nhiễm sắc thể X, và họ nhận thấy không hề có sự liên hệ nào với xu hướng đồng tính trong 52 cặp anh em đồng tính mà họ nghiên cứu, và qua đó bài nghiên cứu của Hamer đã đánh mất giá trị uy tín.
Bị sinh ra là gay thì có phải là một tội không?
Sam: Nhưng tại sao lại có nhiều người cứ làm quá lên về liên kết di truyền đối với đồng tính vậy nhỉ?
Jeremy: Bởi vì nếu đồng tính là do di truyền, thì chúng tôi sẽ không phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Nếu trong chúng tôi có một số người sinh ra đã đồng tính, thì chúng tôi sẽ có quyền để nghiêng về chiều hướng đó.
Cha JP: Nhưng Jeremy này, liệu anh có dám nói điều tương tự như thế về chứng nghiện rượu không? Người ta đã thực hiện một số nghiên cứu về chứng nghiện rượu, cũng sử dụng các tình nguyện viên là các cặp song sinh. Và trong đó, họ đã thấy được mối tương quan giữa di truyền học về chủng tộc và tần suất của khuynh hướng và hành vi nghiện rượu.
Mặc dù đúng là yếu tố di truyền có liên can tới chứng nghiện rượu, nhưng chúng ta vẫn phải buộc người ta chịu trách nhiệm nếu họ lái xe khi đang say xỉn, hay thói quen uống rượu của họ ảnh hưởng tới đời sống gia đình.
BillyLu: Nhưng nếu bị sinh ra như thế thì đó có phải là tội không? Dù có là di truyền hay không di truyền, thì tôi biết Chúa đã tạo dựng nên tôi thế này.
Cha JP: Dù cho chị có sinh ra như thế nào chăng nữa, thì đó cũng chẳng bao giờ là tội. Chị, anh Jeremy, và từng người chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương, dù chúng ta có là gì đi nữa. Nhưng Ngài mời gọi ta hãy biết kiểm soát đời mình, biết đưa ra chọn lựa, và cố gắng trở nên những con người không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Chúa và cho tha nhân.
Ngoài ra, mỗi người chúng ta đều có những sự yếu đuối, và chúng sẽ tìm cách hướng chúng ta tới tội lỗi. Với một số người, đó có thể là thói nghiện rượu, một số khác là tính khí nóng nảy, một số khác thì là đam mê thú vui xác thịt. Tuy thế, tất cả đều được Chúa mời gọi hãy biết gánh lấy trách nhiệm đời mình, và sống trong sự tôn trọng tha nhân. Chính điều đó sẽ xây dựng xã hội, chứ không phá hủy.
Margie: Cha này, tại sao tất cả những người gay và lesbian đều nói họ không chọn khuynh hướng này, và họ đều sinh ra như thế? Phải chăng Thiên Chúa muốn họ được sinh ra với khuynh hướng đó?
Cha JP: Không phải thế, bởi một số người đã thừa nhận họ đã chọn sống như vậy. Vào năm 1987, Chapman và Brannock đã khảo sát những người lesbian, và nhận thấy rằng 63% số người lesbian đó thừa nhận họ chọn lối sống như thế, 11% không dám chắc, và 28% nghĩ là họ không hề lựa chọn điều đó. Vậy nên, ít nhất là ta biết có một số người chọn cuộc sống làm người đồng tính. Một số nghiên cứu khác cho thấy khuynh hướng đồng tính ở trẻ vị thành niên hầu hết sẽ biến mất ở tuổi 25.
Vậy nên dù cho ta chọn hay không chọn, cố chấp hay cố buông bỏ lối sống đó, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương ta đến nỗi Ngài đã làm cho ta được hiện hữu, và thông ban cho ta một số tài năng và khuynh hướng tốt lành ngay từ lúc mới sinh ra. Một số khuynh hướng khác ta có được là nhờ vào cách bậc cha mẹ dạy dỗ, cũng như nhờ vào những kinh nghiệm độc đáo mà ta có trong đời, bao gồm cả những trải nghiệm đau thương. Dù vậy, những khuynh hướng đó sẽ phai dần theo năm tháng. Và tất cả những điều này góp phần làm nên tính cách của ta.
Jeremy: Tôi có nghe về những ông bố bà mẹ “giới tính thẳng” muốn tìm ra gien đồng tính để họ có thể sàng lọc bộ gien, giống như cái cách họ sàng lọc để ngăn chặn Hội chứng Down vậy. Và sau đó họ sẽ phá đi cái bào thai đồng tính đó trước khi nó được sinh ra.
Margie: Thật khủng khiếp!
BillyLu: Khủng khiếp thôi ư? Đó chắc chắn là tội ác và là một điều vô cùng xấu xa. Đó là thứ mà chị có thể thấy ở chương trình ưu sinh của Đức Quốc Xã. Điều này cho thấy các bậc cha mẹ giới tính thẳng rất sợ cái viễn cảnh con cái họ trở thành gay hay lesbian, thậm chí họ còn sợ điều đó hơn cả khả năng con họ bị một chứng bệnh nào đó hay dị tật bẩm sinh.
Cha JP: Thông thường, những ai cố tìm ra nền tảng sinh học của sự đồng tính luyến ái, thì họ chỉ làm thế bởi họ xem đồng tính là một thứ gì đó dị thường.
Sam: Nhưng, đối với những ai điều đó xảy đến với họ mà không do ý họ, thì tại sao người Kitô hữu lại không chịu để họ được yên?
Cha JP: Kitô giáo luôn giúp đỡ con người có được tự do để đưa ra chọn lựa có trách nhiệm, cũng như giúp họ bước vào trong một mối tương quan với Chúa Kitô. Chúng tôi không hề ép buộc ai phải đưa ra chọn lựa có trách nhiệm, hay buộc họ phải tin vào Đức Giêsu cả, nhưng chúng tôi hướng dẫn và khuyến khích họ làm thế. Đặc biệt, chúng tôi dạy họ biết rằng lựa chọn của họ sẽ ảnh hưởng lên mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với hạnh phúc đời đời như thế nào.
Một người nghiện rượu thì không thật sự tự do để ngừng uống, và do đó anh ta cũng không thật sự tự do để yêu thương gia đình. Là Kitô hữu, chúng tôi không thể “để cho họ yên”, bởi vì chọn lựa của họ ảnh hưởng lên người khác, ví dụ như người phối ngẫu, con cái và những người xung quanh. Việc trốn tránh thực tại cuộc sống bằng cách chuốc cho mình say lúy túy sẽ tách bản thân họ ra khỏi Thiên Chúa và những người thân yêu. Cho nên, việc thử thách tiềm năng của họ, bằng cách kiểm soát việc uống rượu và làm mới các mối quan hệ – thường là nhờ vào việc cầu xin tha thứ – sẽ đem đến cho họ sự tự do để sống cho tha nhân.
Cũng thế, người nghiện phim khiêu dâm thì không có tự do để yêu mến người khác. Đam mê nhục dục ích kỷ khiến cho họ không thể trao ban chính mình cách trọn vẹn. Thông thường, người nghiện phim khiêu dâm sẽ rất xấu hổ và cố che giấu tình trạng đó khỏi những người họ yêu thương, và bởi thế họ không thể nào có được sự thân mật thể xác đúng nghĩa với bạn đời của mình.
Và khi nói đến những người gay và lesbian, thì về cơ bản họ còn quan hệ lang chạ, bừa bãi hơn nữa – gần như là họ cũng nghiện tình dục – và do đó họ càng không có tự do để yêu thương, để tận hiến, và để đi vào một mối tương quan bền chặt.
BillyLu: Coi nào, JP, sao ông lại nói người đồng tính chúng tôi chẳng khác gì những kẻ thích quan hệ tình dục bừa bãi? Đúng, có một số người đồng tính là thế, nhưng những ai quan hệ khác giới cũng không thiếu kẻ thích lang chạ đâu.
Điều khoa học cho thấy
Cha JP: Một lần nữa, mặc dù kinh nghiệm của một cá nhân có thể không cho thấy sự khác biệt, nhưng các nghiên cứu nói cho ta biết là có. Một nghiên cứu về tiền giai đoạn HIV/AIDS được thực hiện vào năm 1978 đã cho thấy 75% những người đồng tính nam da trắng có trên 100 bạn tình cùng giới. Trong số 75% ấy, thì 28% có hơn 1000 bạn tình, 22% nói rằng họ có từ 250-1000 bạn tình, và 15% nói họ có từ 100-250 bạn tình. Có lẽ, giai đoạn HIV mới bùng nổ khiến người ta sợ và nhờ đó mà tỉ lệ quan hệ tình dục bừa bãi đã giảm đi. Nhưng giờ đây, khi người ta tìm ra phương pháp điều trị HIV mới, các chuyên gia nhận định rằng tình trạng quan hệ lang chạ đang gia tăng trở lại.
BillyLu: Nhưng bài nghiên cứu đó đã quá cũ, và chỉ áp dụng cho người gay mà thôi. Nó đâu nói gì tới người lesbian đâu.
Cha JP: Mặc dù các mối quan hệ đồng tính nữ có xu hướng bền chặt hơn đồng tính nam, nhưng một nghiên cứu ở Úc, được xuất bản vào năm 2000, lại cho thấy 93% những cặp đồng tính nữ cũng quan hệ tình dục với đàn ông, và con số những người lesbian có hơn 50 bạn tình trong đời cao gấp 4,5 lần so với những người nữ “thẳng”.
Sam: Nếu đó là sự thật, thì những người gay và lesbian sẽ tiếp xúc với nhiều chứng bệnh lây qua đường tình dục hơn, có nhiều vấn đề sức khoẻ hơn, và tuổi thọ cũng bị giảm đi nhiều hơn.
Cha JP: Đúng vậy, Sam. Đó chính xác là điều mà các dữ liệu khoa học cho thấy. Một bài nghiên cứu ở Canada chỉ ra rằng những người gay có tuổi thọ ngắn hơn tổng thể dân số nam giới từ 8 tới 20 năm. Và, theo Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh, những người thường xuyên quan hệ tình dục đồng tính có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 1000 lần so với những người không quan hệ đồng tính. Hãy so sánh điểm này với người hút thuốc, tuổi thọ của họ ngắn hơn tổng thể dân số là 13,5 năm.
BillyLu: Đáng đời. Tôi ghét những ai hút thuốc.
Margie: Em cũng không ưa gì họ. Nhưng chẳng phải là chúng ta không nên trù cho họ mau chết sớm hay sao, chị BillyLu?
BillyLu: Ừ thì đúng là không nên… Nhưng người hút thuốc tự chọn điều đó, và nó gây hại cho cả họ lẫn người khác. Tôi không trù ẻo họ chết sớm, nhưng họ biết hậu quả của điều họ đang dấn thân vào, cho nên đáng lẽ ra họ không nên ngạc nhiên về tuổi thọ bị rút ngắn làm gì, vì họ tự đào mồ chôn mình. Giờ thì tôi chắc là ông cũng nghĩ y như thế về những người đồng tính chúng tôi, phải không JP?
Cha JP: Không phải thế, và chị cũng không nên nghĩ vậy. Chúng ta cần phải yêu thương và quan tâm tới người hút thuốc, và nếu chúng ta muốn thế, thì chúng ta sẽ tạo động lực để họ tập bỏ thuốc. Nhưng chúng ta không thể nào ép buộc họ, trái lại phải tôn trọng tự do của họ. Chúng ta không thể biến tình yêu của chúng ta dành cho họ trở nên một thứ tình yêu có điều kiện, tuỳ thuộc vào liệu họ có làm theo ý chúng ta hay không. Thậm chí, ngay cả khi điều đó giúp họ sống lâu hơn, thì ta cũng không được ép họ làm nếu họ không muốn.
Tôi quan tâm tới chị và mong ước chị được sống lâu. Quan trọng hơn, tôi hi vọng chị được sự sống đời đời. Đó là lí do vì sao tôi nói với chị những điều này, để chị chọn lựa những điều tốt đẹp cho cuộc sống mình, bằng một sự tự do đích thực trong tình yêu.
Margie: Nhưng nếu tất cả những điều mà cha nói – về sức khoẻ và tuổi thọ của người đồng tính – là sự thật, thì tại sao những thông tin này không xuất hiện trên báo chí?
Cha JP: Có lẽ bởi vì toà soạn nghĩ rằng người ta không muốn nghe; cũng có thể họ sợ bị những nhà hoạt động đồng tính tấn công vì thúc đẩy…
Sam: Hoặc, lí do đơn giản chỉ là vì giới truyền thông có thiên kiến của nhóm theo chủ nghĩa luân lý tự do?
BillyLu: Mấy người thôi đi…thái độ kiểu đó thực sự làm tôi bực mình…truyền thông chỉ đơn giản là đưa tin những gì thực tế. Không như mấy người, chắc chắn là họ chẳng có hứng thú gì trong việc trách móc người đồng tính về các vấn đề xã hội cả.
Không đời nào ông có thể hiểu được chúng tôi phải đau khổ ra sao đâu… Tôi thật sự mệt mỏi và chán ngán với những tư tưởng bảo thủ, thù ghét khốn kiếp như thế này.
Cha JP nhìn BillyLu trong giây lát, thinh lặng không nói gì. Ngài suy đi nghĩ lại cách để nói cho cô ấy biết rằng ngài thật sự quan tâm và cảm thông cho cô, dù biết rằng ngôn từ sẽ không thể nào diễn tả được điều đó.
Jeremy: Ông có thật sự để tâm tới những đau khổ của chúng tôi không, JP? Liệu ông có biết cảm giác ra sao khi bị sỉ nhục, bị chỉ mặt gọi tên, bị phân biệt đối xử, chỉ vì chúng tôi có chút khác biệt, và có tình cảm với người cùng giới hay không?
Điều ông đang làm là sử dụng dữ liệu khoa học để thao túng chúng tôi, làm cho chúng tôi cảm thấy bị mặc cảm tội lỗi về những vấn đề của bản thân mình. Vì thế tôi rất căm thù Giáo Hội Công Giáo vì họ luôn áp đặt chúng tôi vào tình trạng mặc cảm tội lỗi này.
Cha JP: Đây không phải là về mặc cảm tội lỗi, nhưng là sự quan tâm chân thành dành cho các bạn. Còn thao túng ư, đó là điều tôi không bao giờ muốn làm trên đời này.
Tôi quan tâm tới các bạn, và Giáo Hội cũng thế. Có rất nhiều cơ sở Công Giáo cung cấp trị liệu y tế miễn phí hoặc với giá rẻ cho những ai bị AIDS. Thường thì chỉ có Giáo Hội là tìm đến giúp đỡ họ khi họ đang ở những ngày cuối đời, khi họ bị gia đình và bạn bè bỏ rơi, hoặc khi tình trạng sức khoẻ họ đang ở mức tồi tệ nhất. Giáo Hội có những tấm gương nhân đức anh hùng – tôi thường nghĩ tới các nữ tu của Mẹ Têrêsa ở San Francisco và New York – họ chăm sóc bệnh nhân AIDS vì họ tin vào Chúa Giêsu Kitô và vì họ quan tâm tới những người bệnh ấy.
Họ không đến để lăng nhục hay trách móc bệnh nhân, nhưng là để giúp đỡ cho từng người trong cơn đau yếu, và giúp họ ra đi xứng với phẩm giá con người, phẩm giá được làm con cái Thiên Chúa…và với niềm hy vọng là những người bệnh ấy nhận ra họ được Thiên Chúa yêu thương.
BillyLu: Cơ mà “phẩm giá” nghĩa là sao? Người Công Giáo các ông cứ mở miệng ra là phẩm giá, làm tôi cảm thấy từ đó thật rỗng tuếch.
Cha JP: BillyLu, phẩm giá có nghĩa là chị là một nhân vị đặc biệt. Nó không lệ thuộc vào việc chị có hữu ích, xinh đẹp hay tài trí hay không, nhưng phẩm giá có nghĩa là chị mang trong mình một giá trị lớn lao, đơn giản chỉ vì chị là chị.
Một bông hồng có giá trị vì nó tươi đẹp và có khả năng chuyển giao thông điệp tình yêu, bằng cách trở thành một món quà hay một lời nhắc nhở về một món quà trước đó. Nhưng tự thân nó chẳng có giá trị gì.
Một con bò được coi là có giá trị vì nó cho sữa hay cho thịt; người ta gọi nó là một con vật hữu dụng.
Nhưng một đứa trẻ sơ sinh thì được cha mẹ nâng niu trân quý vì chính mình nó, ngay cả khi nó không thể giúp việc nhà, nhưng thậm chí lại làm cho cha mẹ nó tốn tiền mua đồ ăn và chăm sóc sức khoẻ cho nó, và nó lại còn đòi được cha mẹ dành thời gian kề cận rất nhiều. Tuy nhiên, đứa trẻ ấy lại có phẩm giá cao vời nhờ vào mối tương quan giữa nó và cha mẹ nó.
Tri thức là tự do
Sam: Cha JP, vậy chúng con nên tin vào thứ khoa học nào đây? Khoa học mà cha đang nói, hay là khoa học mà những người đồng tính trích dẫn? Hai thứ này thật sự mâu thuẫn với nhau lắm.
Cha JP: Sam, chúng ta cần phải để cho các khoa học gia thực hiện công việc của họ. Rồi thời gian sẽ chứng minh ai sở hữu khoa học chân chính, một thứ khoa học đáng cậy tin nhờ vào những cá nhân có tư tưởng cởi mở. Chúng ta đừng nên sợ khoa học chân chính. Nhưng, lúc nào cũng sẽ có người muốn thao túng khoa học để thúc đẩy động cơ của riêng họ.
Margie: Làm thế nào mà người ta có thể thao túng khoa học? Con tưởng khoa học luôn chính xác và khách quan mà.
Cha JP: Người ta có thể thao túng khoa học nếu họ nghiên cứu với một não trạng đầy thành kiến, có nghĩa là họ muốn lần nghiên cứu này phải cho ra một kết quả đúng theo ý của họ. Điều đó có thể gây ảnh hưởng xấu lên phương thức chúng ta chọn đề tài để nghiên cứu. Nó cũng gây ảnh hưởng lên cách các nhà khoa học đặt vấn đề, tức là họ sẽ đặt ra những câu hỏi hoàn toàn có lợi cho kết quả mà họ mong muốn. Khoa học gia cũng có thể mang thành kiến trong việc đọc tài liệu để cân nhắc dữ kiện. Đó là lí do vì sao người ta hay dùng phương pháp mù đôi (double-blind study) trong y học, để giảm thiểu hiệu ứng thuốc trấn an, cũng như ảnh hưởng của con người hoặc thiên kiến của những ai thực hiện việc nghiên cứu.
Tư duy thiên kiến và thao túng khoa học còn có thể hiện diện trong việc diễn dịch và báo cáo kết quả nghiên cứu. Bằng cách nhấn mạnh kết quả có lợi cho mình, và giảm nhẹ hay phớt lờ kết quả không có lợi, thì người ta đã có thể thao túng cách người khác diễn giải bài nghiên cứu đó.
Đó chính là lí do vì sao một nhà khoa học giỏi sẽ luôn giữ được thế trung dung đối với mọi kết quả. Nhà khoa học đó sẽ chỉ tìm kiếm chân lý, ngay cả khi chân lý không ủng hộ giả thuyết hay kì vọng của anh ta.
Margie: Cha có thể cho một ví dụ về việc người ta thao túng khoa học được không?
Cha JP: Gần đây, một nhà khoa học Hàn Quốc đã thông cáo với báo chí rằng ông ta đã nhân bản vô tính một con người. Ông cho xuất bản công trình của mình trên một tạp chí rất uy tín và đã gặt hái nhiều tiếng tăm, cho tới khi người ta phát hiện ra ông là kẻ lừa đảo vì đã thao túng kết quả nghiên cứu.
Dữ liệu của ông trông rất chi là khoa học. Hầu hết các khoa học gia, cũng như đa số công chúng, đều tin vào độ chân thực của nó.
Sam: Vậy, làm cách nào ta có thể phân biệt được nghiên cứu nào về đồng tính là thiên kiến, và nghiên cứu nào thì không?
Cha JP: Nếu một bài nghiên cứu không có khả năng tái bản hay được người ta lập lại, thì tính khoa học của nó thật đáng nghi ngờ. Điều thú vị là những ai tìm cách sử dụng khoa học để ủng hộ cho đồng tính luyến ái lại không phải là Kitô hữu. Chúng ta nhận thấy các nhà hoạt động cho người đồng tính đang cố dùng khoa học để tung ra bằng chứng rằng sự hấp dẫn đồng giới có tính sinh học và di truyền. Người Kitô hữu thì không bao giờ nói rằng ảnh hưởng về di truyền sẽ tạo nên sự khác biệt về mặt luân lý của hành vi tính dục. Nếu di truyền khiến cho một số người cảm thấy hứng khởi hơn người khác, hoặc nếu di truyền làm cho sự thôi thúc về mặt tính dục của một số người trở nên nhạy cảm hơn so với phần còn lại, vậy thì tính vô luân của tình dục ngoài hôn nhân cũng sẽ đúng cho họ, mặc dù điều đó có thể khiến họ khó sống hơn.
Tuy vậy, chúng ta phải trân trọng khoa học chân chính. Tri thức cùng với khoa học mang lại sự tự do lớn lao hơn; bạn càng biết nhiều thì bạn càng có khả năng chịu trách nhiệm cho tất cả hệ quả đến từ hành động của mình. Người Kitô hữu yêu thích một nền khoa học chân chính, khách quan và không thiên kiến. Nền khoa học ấy sẽ giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn tốt đẹp hơn.
Leave a Reply