Trong bí tích Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Đức Kitô liên kết với ‘thân thể’ này như hôn phu với hôn thê”. Như thế, bằng nét huy hoàng thần linh, Thánh Thể đã soi sáng mối liên hệ giữa nam và nữ, giữa cái gì “thuộc nữ” với cái gì “thuộc nam”.28 Chính trong bí tích Thánh Thể mà ý nghĩa của sự sống, tình yêu, tính dục, giới tính và hôn nhân được mặc khải cách trọn vẹn. Bằng cách nào?
Chúng ta sẽ bắt gặp một cơn cám dỗ rất mạnh để tách lìa thân thể ra khỏi mầu nhiệm và vì thế làm cho đức tin mất đi vẻ sống động. Sau đó chúng ta sẽ thường xuyên quên lãng tầm quan trọng khôn cùng của điều này: đó là có một người đàn ông trên thập giá, và có một người đàn bà đứng dưới chân cây gỗ ấy. Không có chuyện hai người đổi vị trí cho nhau. Vậy, trong phép loại suy phu phụ, Thiên Chúa luôn là Chàng rể, và nhân loại luôn là Hiền thê. Vì sao ư? Vì con người đã lãnh nhận tình yêu Thiên Chúa trước: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4, 10).
Thân thể người nữ chủ yếu là kể về câu chuyện nhận lãnh tình yêu thần linh. Trong khi đó, câu chuyện nơi người nam lại là dâng hiến, là tuôn tràn tình yêu đó.
Khi chúng ta càng nhấn mạnh vào câu chuyện tình yêu thần linh này, thì chúng ta sẽ càng nhận ra tại sao chỉ có người nam mới được thụ phong linh mục: đó là vì chỉ chàng rể mới có thể trao tặng hạt giống ban sự sống, và chỉ có nàng dâu mới có thể đón nhận hạt giống ấy, và hoài thai trong mình một sự sống mới. Đây là lí do tại sao người nam được đào tạo trong chủng viện, và sau khi được thụ phong linh mục, thì ngài được gọi là “cha”. Người nữ không thể được thụ phong linh mục vì cô ấy không được Thiên Chúa trao cho thiên chức làm cha, nhưng Người trao cho cô đặc ân làm mẹ. Đây chính là lí do vì sao phải có sự phân biệt phái tính – để đáp lại tiếng gọi đến với Bàn Tiệc Thánh, và sự phát sinh sự sống mới. Nếu một phụ nữ cố ý để được trao ban Mình Thánh Chúa, thì mối tương quan sẽ trở nên giữa nàng dâu với nàng dâu. Nếu vậy, sẽ chẳng có sự Hiệp thông Thánh / Holy Communion, chẳng có Bàn Tiệc Thánh, cũng như chẳng có sự phát sinh sự sống.
Tất nhiên, một thế giới mà cứ nài ép cho hai phụ nữ kết hôn cho bằng được, thì nó cũng sẽ đòi cho phụ nữ được thụ phong linh mục, nhưng hai ý tưởng này đều đến từ một lối tư duy thất bại: thất bại trong việc nhận ra ý nghĩa thiết yếu của sự phân biệt giới tính. Bạn hãy nhớ rằng giới tính là cách thức mà một người truyền sinh, mà sự truyền sinh thì dựa vào cơ quan sinh dục. Khi người nam truyền sinh (theo cách mà chỉ họ mới có thể làm), họ trở thành cha. Và khi người nữ truyền sinh (cũng theo cách chỉ mình họ mới có thể làm), họ trở thành mẹ. Và cả hai phía đều cần đến nhau để có thể truyền sinh thực sự. Điều này là hiển nhiên… trừ khi… trừ khi chúng ta che lấp đi ý nghĩa của giới tính bằng một não trạng ngừa thai nhân tạo. Nếu bạn cướp đi khả năng sinh sản của bộ phận sinh dục, thì sự phân biệt giới tính hoàn toàn mất đi mục đích tự nhiên của nó. Tiếp đến, bởi ân sủng xây dựng dựa trên bản tính, và khi chúng ta không còn đoan chắc về thực tại tự nhiên, thì chúng ta cũng sẽ mù mờ về thực tại siêu nhiên: “Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?” (Ga 3, 12).
Khi chúng ta càng đi sâu vào “mầu nhiệm cao cả” trong thư Êphêsô chương 5, chúng ta sẽ càng thấy tại sao và bằng cách nào mà sự khác biệt giới tính cũng quan trọng không kém gì việc rước lễ, tức là sự kết hợp thánh thiện với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cũng như sự kết hiệp thánh thiện của hôn nhân. Thực tế mà nói, chúng ta không thể hiểu điều này nếu không có điều kia, như ĐGH Gioan Phaolô II đã dạy. Có lẽ chương kế tiếp sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu ý ngài là gì. Tôi chưa bao giờ được gặp cha vợ tôi, ông đã qua đời khi vợ tôi còn nhỏ, nhưng tôi rất ngưỡng mộ ông vì trực giác mà ông sở hữu khi mới kết hôn. Trong Thánh Lễ sau ngày cưới của ông, ông đã rơi lệ trong lúc quay trở lại chỗ ngồi sau khi đã rước Mình Thánh Chúa. Và khi vợ ông – mẹ vợ tôi – hỏi ông nguyên cớ, thì ông đáp rằng: “Đây là lần đầu tiên trong đời anh hiểu được ý nghĩa của câu nói: ‘Này là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em’”.
Hãy hiểu rõ điều này: khi chúng ta làm sáng tỏ những điều mù mờ, và khiến cho những gì bị bóp méo trở về hình hài cũ của nó, thì ý nghĩa và mục đích sâu thẳm nhất về tính dục nơi con người là để chúng ta hướng về Thánh Thể, chính là “bàn tiệc cưới của Con Chiên” (Kh 19, 9). Và đây chính là lí do tại sao câu hỏi về tính dục, giới tính và hôn nhân đặt chúng ta vào ngay trung tâm của “một tình cảnh, trong đó sức mạnh của sự thiện chiến đấu với quyền lực của sự dữ” (TOB 115, 2; Bản tiếng Việt không có vì ĐTC viết nhưng không giảng công khai).
28 ĐTC Gioan Phaolô II, Mulieris Dignitatem 26.
Leave a Reply