Trong ngày lễ cưới của tôi, khi tôi đứng trước bàn thờ, tôi nhìn thấy hình bóng của Crystalina qua khung cửa kính ở phía cửa sau nhà thờ. Cánh cửa mở ra, tiếng đàn violin và organ vang lên, và cô ấy bắt đầu tiến tới tôi, mắt nhìn đến tôi dưới tấm khăn voan che đầu. Và khi chuyện này đang diễn ra, trong tôi trào dâng ý nghĩ về bàn tay của Chúa Cha đặt sau lưng cô ấy, trao cô ấy cho tôi như một tặng phẩm của hồng ân.
Vì cô ấy không có cha, nên người cha nuôi – người đàn ông yêu thương cô ấy hết mực – dẫn cô ấy đi giữa hai hàng ghế đến với tôi. Ông ấy là người vạm vỡ, đã từng chơi bóng bầu dục ở Anh, nặng hơn 250 pound và cao hơn cô ấy ít nhất là một feet. Khi họ đến bên bàn thờ, ông ấy vén tấm khăn voan của cô ấy lên, cúi xuống hôn cô ấy vào má, và trao cô ấy cho tôi cùng với một cái bắt tay và một nụ cười hãnh diện. Tôi cảm nghiệm được có một điều gì đó diễn ra trong giây phút ấy. Trước đó, cô ấy thuộc về ông. Nhưng khi đã trao cô ấy cho tôi rồi, thì món quà đấy, trách nhiệm đấy được chuyển qua cho tôi đón nhận và gánh vác.
Khi người nam chuẩn bị cho hôn nhân, anh ta chờ đợi món quà là nàng dâu không chỉ từ cha cô ấy, nhưng còn từ Chúa Cha nữa. Đây không phải là một nghi lễ, nhưng là hiện thực. Qua việc gìn giữ thứ tình cảm vốn chỉ dành riêng và thuộc về hôn nhân cách chính đáng, chú rể đã tôn vinh cả người cha trần thế lẫn Người Cha trên trời của cô dâu.
Sau khi hai người đính hôn, thật là chuyện thường tình nếu họ cảm giác rằng họ đã thật sự thành vợ thành chồng. Nhưng cảm giác này thường sẽ phát triển thành một loại cám dỗ khiến cho cặp đôi dần dần tự cho mình có quyền được phép thân mật nơi thể xác trước khi ngày kết hôn diễn ra. Ngay cả các cặp đôi Kitô hữu nhiệt thành, những người đã cố hết sức gìn giữ cho đêm tân hôn cũng có thể nghĩ rằng: “Chúng ta đã mua nhẫn cưới và đã trả trước một khoản cho căn nhà rồi. Đây đâu phải là chúng ta mới quen nhau. Cho nên lúc này chúng ta có đi xa hơn thường lệ thì cũng ổn mà”.
Khi não trạng này bắt đầu lần mò vào trong đầu bạn, sẽ rất có ích khi nhớ rằng 10 phút trước khi người nam và người nữ kết hôn, cũng như vào cái ngày trước khi hai người gặp gỡ nhau, thì họ cũng chỉ là mới cưới mà thôi. Mặc dù cặp đôi đã đính hôn có thể có cảm giác khả năng kết hôn của họ đã là 99% rồi, nhưng hôn nhân thì có chút giống với việc thụ thai, trong đó một con người mới có thể được thành hình hoặc không thành hình. Nó có thể là tất cả hoặc không là gì cả. Tương tự, kiểu tình cảm thích hợp để biểu lộ trong hôn nhân (bao gồm cả việc kích thích tình dục lẫn nhau) không hề được dần dần chấp thuận, ngay cả khi ngày hôn lễ đang tới gần. Thay vào đó, hai người càng phải có những liệu pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ linh hồn của nhau khi họ đang chuẩn bị đón nhận bí tích này cũng như tặng phẩm của người đối diện.
Điều này, không nghi ngờ gì, sẽ đòi hỏi phải có sự hi sinh. Nhưng người đàn ông mà thật sự biết yêu thì sẽ không trốn chạy khỏi thập giá. Theo lời của Devin Schadt, sự thật về bản thể học sâu xa nhất của người nam là “người nam được lập trình cách tất yếu để hi sinh bản thân mình thay mặt cho cô dâu để đảm bảo rằng cô ấy được thánh hoá”50. Đây không phải là điều mà chúng ta buộc phải làm. Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta như thế. Người đàn ông nào biết yêu trong cung cách như vậy thì biết rằng không khoái lạc nào trên trần gian đáng được khao khát cho bằng sự ước ao được ở cùng với người phụ nữ mình yêu cho tới đời đời.
Để phát triển và gìn giữ tình yêu này, bạn hãy nhớ là trong góc nhìn Kitô giáo, chốn loan phòng không phải là nơi để ngủ. Nó là một bàn thờ. Tác giả thư Híp-ri viết rằng chớ để chốn loan phòng ra ô uế (Hr 13, 4). Nhưng bạn không thể làm ô uế điều gì đó nếu điều đó không hề thánh thiêng, và để cho một điều được gọi là thánh thì nó phải được đặt riêng ra một bên. Chốn loan phòng tự nó là thánh, bởi đó là nơi một giao ước được kí kết và đóng niêm phong. Vì thế, những cặp đôi không kết hôn thì không có quyền hành động trong chốn loan phòng. Chốn ấy chỉ được dành riêng cho mục đích thần linh mà thôi, và mục đích đó là để cho cô dâu và chú rể diễn tả nên lời hôn ước của họ trong và qua thân thể. Khi làm điều đó, họ làm cho tình yêu vô hình của Thiên Chúa được nên hữu hình.
Trong bài thơ “Tiền Bí tích”, Đức Karol Wojtyla (Giáo hoàng Gioan Phaolô II) giải thích rằng:
Và khi họ trở nên “một thân xác”
– Ôi sự hợp nhất diệu kỳ ấy –
thì phía chân trời hiện lên mầu nhiệm phụ tính và mẫu tính
– Họ được trở về với nguồn sống trong họ
– Họ trở về với Thuở Ban Đầu
– Adam đã ăn ở với vợ mình
Và bà thụ thai và sinh con.
Họ biết rằng họ đã bước qua ngưỡng cửa của trách nhiệm lớn lao nhất!
50 Devin Schadt, “The Meaning of Man: The Theological Location and Essence of the Masculine Nature in the Cosmos.”
Leave a Reply