Điều gì đã thay đổi quan điểm về sự tồn tại có mục đích của thiên nhiên? Vì đâu mà phương Tây đã đánh mất quan điểm tích cực về thân xác của mình?
Trong thời hiện đại, bước ngoặt quan trọng nhất là thuyết tiến hóa của Charles Darwin, được xuất bản năm 1859. (Có những người khác đi trước ông, như chúng ta sẽ thấy, nhưng Darwin có ảnh hưởng lớn nhất ngày nay.) Darwin không thể phủ nhận rằng nhìn vào thiên nhiên chúng ta có thể thấy nó được thiết kế. Nhưng vì đã chấp nhận triết lý của chủ nghĩa duy vật, ông muốn biến thực tại bên ngoài đó thành ảo ảnh. Ông hy vọng ông sẽ chứng tỏ được rằng mặc dù các cấu trúc sống dường như có tính mục đích luận [mọi sự đều có mục đích nội tại], nhưng trên thực tế, chúng là kết quả của các lực mù quáng, không được định hướng. Mặc dù thiên nhiên có vẻ là sản phẩm của ý định (ý chí, kế hoạch, trí thông minh), nhưng thực tế chúng là sản phẩm của một quá trình vật chất không có mục đích. Hai yếu tố chính trong lý thuyết của ông – các biến thể ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên – đều được đề xuất để loại bỏ kế hoạch hoặc mục đích.
Như nhà sử học Jacques Barzun lưu ý, “Việc chối bỏ mục đích của thiên nhiên là tranh luận riêng biệt của Darwin.”9 Nhà động vật học Richard Dawkins đồng ý: “Chọn lọc tự nhiên, quá trình tự động mù quáng, vô thức mà Darwin đã phát hiện ra. . . không có mục đích gì cả.”10
Trên thang đo Richter của các nhà tư tưởng, lý thuyết của Darwin đã gây ra một trận động đất có cấp độ trên 9,0. Và sóng địa chấn của nó không chỉ giới hạn ở khoa học. Nó còn gây ra những dư chấn nặng nề trong tư tưởng đạo đức. Vì nếu thiên nhiên không phải là công trình của Chúa – nếu nó không còn mang những dấu hiệu về mục đích tốt đẹp của Chúa – thì nó không còn cung cấp nền tảng cho những chân lý đạo đức nữa. Nó chỉ là một cỗ máy, hoạt động bởi những lực lượng vật chất mù quáng. Triết gia Công giáo Charles Taylor giải thích: “Vũ trụ không còn được coi là hiện thân của trật tự có ý nghĩa để có thể xác định điều gì là tốt lành cho chúng ta.”11
Bước tiếp theo trong logic rất quan trọng: Nếu thiên nhiên không biểu lộ ý muốn của Chúa, thì nó là một lĩnh vực trung lập về mặt đạo đức, nơi con người có thể áp đặt ý muốn của mình. Không có gì trong tự nhiên buộc con người có nghĩa vụ phải tôn trọng về mặt đạo đức. Thiên nhiên trở thành lĩnh vực của những thực tại trung lập về giá trị, sẵn sàng phục vụ bất kỳ giá trị nào mà con người có thể lựa chọn.
Và bởi vì thân xác con người là một phần của tự nhiên nên nó cũng bị hạ xuống thành một cơ chế phi đạo đức, lệ thuộc vào ý chí của bản thân. Nếu thân thể không có mục đích nội tại do Chúa định đoạt sẵn, thì tất cả sẽ tùy thuộc vào mục đích của con người. Cơ thể bị giảm thiểu thành một khối vật chất—một tập hợp các nguyên tử và phân tử, về cơ bản không khác biệt với bất kỳ cấu hình ngẫu nhiên nào khác của vật chất. Nó là nguyên liệu thô được khai thác và kiểm soát để phục vụ mục đích của con người, như bất kỳ nguồn tài nguyên thiên nhiên nào khác.12
Chúng ta có xu hướng nghĩ chủ nghĩa duy vật là một triết lý coi trọng thế giới vật chất, bởi vì nó cho rằng vật chất là tất cả những gì tồn tại. Tuy nhiên, trớ trêu thay, trên thực tế, nó lại đánh giá thấp thế giới vật chất chỉ thuần túy là những hạt nguyên tử đang chuyển động, và không có mục đích hay ý nghĩa cao hơn.
9. Jacques Barzun, Darwin, Marx, Wagner (Chicago: University of Chicago Press, 1981), 11.
10. Richard Dawkins, The Blind Watchmaker (New York: Norton, 1980), 5.
11. Charles Taylor, Sources of the Self: The Making of Modern Identity (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1989), 148–49.
12. Triết gia David West tóm tắt sự thay đổi bằng những lời này: Khi thiên nhiên được coi là “sự biểu lộ ý muốn Chúa”, thì mục tiêu của tri thức là “hoàn thành thiết kế của Chúa” và sống hòa hợp với mục đích của Ngài. Nhưng nếu thiên nhiên không bộc lộ mục đích của Chúa thì mục tiêu của tri thức chỉ đơn thuần là nâng cao “khả năng dự đoán và kiểm soát thiên nhiên” để phục vụ nhu cầu và sở thích của chúng ta. Continental Philosophy: An Introduction, 2nd ed. (Cambridge, UK: Polity Press, 2010), 15. Roger Lundin của Đại học Wheaton cũng giải thích, “Với sự mất niềm tin vào thế giới thiêng liêng và sự quan trọng của đạo đức của sự sáng tạo và thân thể con người,” [thế giới thiên nhiên] trở thành “cơ chế vô đạo đức để dùng cho bất cứ mục đích riêng tư nào mà chúng ta có.” Văn hóa giải thích: Đức tin Kitô giáo và thế giới hậu hiện đại (Grand Rapids: Eerdmans, 1993), 102. Như Đức Gioan Phaolô II giải thích, thiên nhiên không còn được coi là tốt đẹp về bản chất, biểu lộ sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ tốt lành theo mặt công cụ được sử dụng để đạt được mục đích của con người (Veritatis Splendor, §46).
Leave a Reply