Đáp lại lời mời của cha JP, Jeremy sắp xếp gặp cha để được nghe cha linh hướng
Jeremy: Cảm ơn cha vì một lần nữa đã đến gặp con, cha JP.Con muốn cha biết là con đã đạt được nhiều thay đổi, nhưng cảm giác là con vẫn còn một chặng đường dài lắm.
Cha JP: Được gặp anh luôn là chuyện tốt, Jeremy. Phương pháp mới của anh trong việc tiếp cận cuộc sống diễn tiến ra sao rồi?
Hãy là chính mình
Jeremy: Thành thực mà nói, thưa cha JP, con đôi khi – à, nhiều hơn đôi khi nữa – cứ có suy nghĩ chùn bước về những gì mà con đang thực hiện. Thật sự là có một lỗ hổng rất to trong trái tim con và con thường tự hỏi liệu con có đang sống thật với chính mình, bằng cách rời bỏ lối sống đồng tính, hay không?
Trong con có một giọng nói cứ suốt ngày lải nhải: “Jeremy, mày là người đồng tính… mày luôn là người đồng tính… là người đồng tính thì có sao đâu… đừng sợ là chính mình”. Con có thể làm gì khi những suy nghĩ như thế nảy ra trong đầu, thưa cha?
Cha JP: Jeremy, anh hãy nhớ anh không phải là tĩnh vật, như một hòn đá, nhưng anh là một con người có thể phát triển bằng cách trao hiến bản thân cho tha nhân và thiết lập nhiều mối quan hệ sâu sắc hơn. Đây chính là nơi anh có thể tìm thấy bản dạng của mình.
Khi những suy nghĩ kia hiện ra trong đầu, anh hãy thừa nhận sự hiện diện của chúng: “suy nghĩ của tôi đang xoay quanh cái ý tưởng tôi là một kẻ đồng tính, không thể thay đổi – cứ như thể tôi là một hòn đá vậy! Nhưng tôi đang quyết định để trở nên một con người năng động, trong đó bản dạng của tôi được dựa trên nhiều mối tương quan sâu thẳm”.
Jeremy: Tại sao con lại có những tư tưởng điên khùng như vậy, cha JP? Con ước là con có thể tập trung vào những thứ khác và không để cho những tư tưởng đó lấn lướt được con. Con sợ là con sắp sửa tin vào những điều đó.
Cha JP: Anh thấy đấy, Jeremy, các kiểu tư tưởng như thế sẽ nảy sinh trong đầu chúng ta chính vào thời điểm lỗ hổng trong tim ta bị trống rỗng. Chúng ta cần phải lấp đầy cái lỗ đó bằng tình bằng hữu lành mạnh và tròn đầy.
Vậy anh hãy tự hỏi chính mình: tại sao tôi lại suy nghĩ theo lối này? Tôi đang tập trung vào chính tôi hay vào người khác? Tôi có đang làm mọi sự tôi nên làm trong việc dâng hiến bản thân cho tha nhân hay không? Liệu tôi có từng bị ruồng bỏ bằng cách nào đó – hay tôi có e sợ sự ruồng bỏ đó không – đến độ suy nghĩ của tôi hướng về điều gì đó an toàn hơn, dù rằng điều đó lại cô lập tôi với người khác hay chăng?
Jeremy: Giờ nghĩ lại thì con mới thấy cha nói đúng: những suy nghĩ đó có xu hướng hiện ra trong đầu con khi con đang cô đơn và cho rằng có được bạn bè thân thiết là điều gần như không thể – rằng đó thật là một trò cười.
Nhưng liệu con có đang thực tế hay không? Con có thể thật sự trở thành người bình thường hay không? Con biết con không thể trở thành người thông minh nhất trên đời, dù cho có cố cách mấy đi nữa. Liệu con thật sự có thể làm cho bản thân thành “trai thẳng” được hay không?
Cha JP: Anh đừng tập trung vào việc thay đổi hay làm cho mình thành “trai thẳng”, nhưng hãy nỗ lực trao ban bản thân cho tha nhân và phát triển những tài năng nào giúp tăng cường khả năng trao ban bản thân đó. Nhờ đó anh sẽ có được nhiều bạn tốt hơn. Bản dạng của anh sẽ tự đong đầy chính nó bằng những mối tương quan bền vững. Mọi chuyện sẽ xảy ra trong một cách thức rất là tự nhiên mà thôi.
Đúng, anh không thể biến mình thành người thông minh nhất trên đời, nhưng anh có thể trở nên thông minh hơn hiện tại bằng cách học hỏi, đọc sách và phát triển những tài năng mà anh có. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra như vậy với những tài năng khác, bao gồm khả năng phát triển tình bằng hữu. Tất cả chúng ta nên vận dụng tài năng Chúa ban để phục vụ tha nhân. Điều đó sẽ đong đầy cuộc sống chúng ta.
Bạn hữu
Jeremy: Trong quá khứ, con để ý là con hiếm khi còn giữ được quan hệ bạn bè sau một khoảng thời gian nào đó. Con luôn giữ khoảng cách với những anh chàng “trai thẳng”, ngay cả khi con rất muốn làm bạn với họ. Con nghĩ rằng sự tự ti của mình đã khiến con tự hỏi: tại sao họ lại thèm kết bạn với mình cơ chứ? Con có cảm giác rằng con chẳng có gì để cho họ cả, hoặc là con sợ rằng họ sẽ luôn xem con là một kẻ khác biệt. Kết quả là, con không hề hồi âm họ khi có cuộc gọi nhỡ, cũng chẳng làm bất kì điều gì để tham gia chơi bời cùng họ.
Cha JP: Vậy còn anh bạn Sam thì sao?
Jeremy: Sam chỉ thật sự thân thiết với con gần đây mà thôi. Mặc dù tụi con có làm hội thảo và tranh luận cùng nhau thời còn đi học, tụi con cũng không thật sự quá thân với nhau.
Cha JP: Tôi nghĩ rằng Sam quan tâm đến anh nhiều hơn anh tưởng đấy. Anh cần công nhận cậu ấy nhiều hơn nữa.
Jeremy: Cha nói đúng. Sam đã luôn là một người bạn tốt và hay hỗ trợ con. Con không xứng có một người bạn như thế.
Cha JP: Chúng ta có bao giờ xứng đáng có được tình bằng hữu với ai đâu. Đó luôn là một quà tặng. Anh hãy trân trọng món quà đó và hãy tìm cách trao tặng bản thân cho tha nhân và mở lòng mình ra mà làm bạn với họ.
Jeremy: Gần đây con có kết bạn với hai anh chàng “trai thẳng”. Họ đến gặp con, và con nhớ những gì cha nói về tầm quan trọng của các mối tương quan, cho nên con cũng cố gắng đáp lời họ. Và thật lạ lùng, họ không hề hắt hủi con. Sau một trận bóng với họ, họ đã rủ con chơi thêm một trận nữa vào tuần tới. Chúng con thậm chí đã gặp nhau tại một quán bar và con cảm thấy mình là “một thành viên trong số họ”.
Nhưng con vẫn còn đó cảm giác e sợ là điều này sẽ chóng tan biến, con sẽ bị tổn thương và sẽ phải cô đơn thêm một lần nữa.
Cha JP: Anh cứ tiếp tục phát huy như thế. Đừng phá hủy tình bằng hữu chỉ vì sợ rằng mình có thể bị tổn thương. Là con người, và để có thể phát triển, chúng ta cần phải dám chịu rủi ro bị thương tổn. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào chính mình và những nỗi đau hay sự cô đơn tiềm ẩn thì mối quan hệ sẽ chết mất.
Hãy tập trung vào những người bạn, chứ đừng tập trung vào chính mình. Hãy nghĩ về những gì họ thích. Nếu một người trong số họ thích một đội bóng nào đó, hãy tìm hiểu về đội bóng ấy. Nếu anh ta ngưỡng mộ một cầu thủ nào đó, hãy tìm hiểu thêm về cầu thủ ấy. Như thế anh sẽ có một cái gì để trao cho bạn mình, một cái gì đó để chia sẻ, và một phương thế để mang họ ra khỏi chính mình. Đây là cách thức giúp tình bằng hữu được triển nở, thông qua việc nghĩ cho tha nhân và trao ban bản thân cho họ.
Jeremy: Làm điều này với một người lớn tuổi hơn con rất nhiều thì có khả thi hay thậm chí có lành mạnh cho con không, thưa cha? Nghe có vẻ kì quặc, nhưng điều này cứ hấp dẫn con thế nào ấy.
Cha JP: Chắc chắn rồi, Jeremy, điều đó có thể rất lành mạnh. Có được một người thầy giỏi là một chuyện tốt, nhất là khi người đó mang trong mình dáng dấp của một người cha và truyền cho anh một chút gì đó của phụ tính. Nếu như anh được họ đối đãi như một người con trưởng thành, và nếu anh học được cách làm cha cho chính đứa con sau này của mình – nếu Chúa trao tặng cho anh hồng ân đó – thì điều đó sẽ thật sự rất tốt cho anh đấy. Nhưng ngay cả khi Người không làm thế, anh vẫn được mời gọi để thúc đẩy tình huynh đệ và tình phụ tử thiêng liêng bằng cách trao ban bản thân cho tha nhân khi họ cần đến ta trợ giúp – một người thầy thông thái sẽ dẫn anh đi theo hướng này.
Kể cho bạn nghe
Jeremy: Nhưng chắc là con không nên kể cho họ nghe về vấn đề đồng tính luyến ái nơi bản thân con, có đúng không cha?
Cha JP: Nếu anh có một người cha rất dịu hiền và đầy lòng thương mến, liệu anh có kể cho ông nghe về vấn đề đồng tính luyến ái của mình hay không?
Jeremy: Chắc chắn rồi. Nhưng đó là vì ông ấy là cha con và người cha thì nên yêu thương con mình như chúng là.
Cha JP: Vậy, nếu một ai đó hướng dẫn anh về phụ tính, anh sẽ phải cho người đó một cơ hội để thể hiện cho anh thấy người cha lắng nghe và đón nhận con cái mình như thế nào. Điều này có nghĩa là: hãy kể cho người đó nghe về những góc khuất trong cuộc chiến của anh và cho anh ta một cơ hội.
Jeremy: Vậy còn những người bạn “trai thẳng” của con thì sao, con có nên kể cho họ luôn không?
Cha JP: Trước tiên, tôi sẽ ngưng gọi bạn anh là “trai thẳng”. Bạn bè là bạn bè, một cách vô điều kiện.
Sau đó, khi anh hiểu bạn mình nhiều hơn, họ sẽ chia sẻ cho anh nhiều điều riêng tư về cuộc đời họ. Qua đó họ đang nói cho anh biết rằng những gì anh thổ lộ ra với họ chắc chắn sẽ được giữ kín an toàn. Bởi thế họ cho anh một sự đảm bảo rằng anh có thể tin tưởng mà chia sẻ cho họ những bí mật của mình, vì họ đã tin tưởng nơi anh mà chia sẻ những bí mật của họ vậy.
Nói cách khác, đừng bạ ai cũng kể cho người đó nghe về cuộc chiến của anh với sự đồng tính – như thể cuộc chiến đó mới là thứ định nghĩa con người anh vậy – nhưng cũng đừng ngần ngại chia sẻ cho những ai anh có thể tin tưởng.
Jeremy: Con không hề biết điều này, cha JP. Con sợ là nếu họ biết thì họ sẽ nhanh chóng tháo lui khỏi mối tương quan bạn bè giữa chúng con. Nó thật sự sẽ rất đau đấy.
Cha JP: Nếu họ thật sự làm thế, thì ngay từ đầu đã không có bất kì tương quan hay hy vọng vào cho một mối quan hệ sâu sắc rồi.
Ngoài ra, nếu anh giả vờ là một con người chưa từng phải đối đầu với sự hấp dẫn đồng giới, vậy ra anh đã sống trong sự lừa dối với bạn bè. Anh sẽ không bao giờ chia sẻ cho người bạn ấy con người thật của anh. Và do đó anh cũng sẽ không cho anh ta cơ hội để yêu mến và quan tâm đến anh như chính anh là; thay vào đó anh ta sẽ chỉ tương quan với một người đang diễn kịch mà thôi. Và khi họ phát hiện ra sự thật – và chắc chắn là sẽ thế – họ sẽ thấy bị phản bội, rằng anh đã lừa dối họ suốt bấy lâu nay.
Hãy nhớ, anh có Sam như một người bạn và cậu ấy biết những vất vả của anh. Anh hãy cho những người bạn kia một cơ hội, từng tí từng tí một, và mở rộng mạng lưới bằng hữu sâu sắc đó.
Jeremy: Chuyện này sẽ không dễ đâu, cha JP. Con không biết liệu con có thể làm được hay không nữa. Chuyện này sẽ dẫn đến một chút rủi ro và nguy cơ bị tổn thương tiềm ẩn đấy.
Cha JP: Hãy thử cách này, Jeremy. Kể cho Chúa nghe điều mà anh không muốn kể cho bạn anh. Anh có thể cầu nguyện bằng cách nói với Đức Kitô rằng: “lạy Chúa, Người biết thật là khó cho con khi phải kể cho bạn bè nghe về nỗi khổ của con. Vậy nếu con kể cho người ấy, lạy Chúa, thì đó chỉ là để làm vui lòng Người”.
Nếu anh có nỗi sợ, hãy đem nỗi sợ ấy đến với Chúa: “lạy Chúa, con sợ rằng bạn con sẽ loại trừ hay cười nhạo con. Nhưng Người sẽ luôn ở bên con. Nếu người bạn ấy thật sự làm thế, con xin được kết hiệp hy sinh này với hy tế của Người, khi Người bị bỏ rơi trên thập giá.”
Thông thường, cách này sẽ thúc đẩy chúng ta có thêm can đảm để làm những gì chúng ta cảm thấy khó hay bất khả thi. Anh cũng có thể đảm bảo với bạn anh về những nỗ lực anh đang phấn đấu để giữ mình khiết tịnh, rằng anh đang được trị liệu và linh hướng để hỗ trợ bản thân trong việc đạt đến những mục tiêu này.
Jeremy: Nhưng khi bạn con nghe nói là con đang được trị liệu, thì họ sẽ nghĩ rằng con có vấn đề về tâm thần, và họ sẽ không muốn có bất cứ liên hệ nào với con nữa đâu, thưa cha.
Cha JP: Đừng lo, Jeremy. Cứ nói với bạn anh rằng anh đang được trị liệu để giúp bản thân vượt qua sự thiếu thốn cảm xúc, là thứ khiến anh cứ bám lấy anh ta. Thực tế, hãy nói với anh ta rằng anh ấy cũng có thể giúp được cho anh: anh ta có thể chỉ ra khi nào anh đang có dấu hiếu bám riết lấy anh ta, giống như Sam đã làm vậy.
Nếu anh thành thực với bạn mình, anh sẽ thấy thật tốt khi người bạn đó tương giao với anh như một người bạn chân chính vậy.
Jeremy: Vâng, con biết điều đó sẽ rất tốt – không, nó sẽ rất tuyệt đấy. Nhưng liệu điều đó có đáng để chấp nhận rủi ro hay không?
Con biết là con nên thử, nhưng con không đảm bảo là con sẽ thực hiện điều đó đâu, thưa cha.
Chúa yêu con
Cha JP: Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu nơi anh.
Jeremy, mối tương quan giữa ta với Chúa là nền tảng cho mọi sự khác. Khi anh nhận ra Chúa yêu anh nhiều như thế nào, anh sẽ không còn sợ những gì mà người ta có thể gây ra cho anh – anh sẽ không sợ bị ruồng bỏ nữa.
Jeremy: Làm sao con có thể “nhận biết” tình yêu Chúa dành cho con, ý con là, con muốn cảm nhận tình yêu đó?
Cha JP: Đừng tìm kiếm những trải nghiệm cảm xúc chóng qua. Tri thức thì vượt lên trên cảm giác, hướng đến tận căn của hiện hữu nơi chúng ta.
Tôi khuyến khích anh hãy đọc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước để xem Chúa yêu dân Người như thế nào. Hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ và tưởng tượng ra Chúa yêu anh như Người đã yêu Adam và Eve, Cain và Abel, và tất cả các tổ phụ thời xưa khác. Hãy tưởng tượng bản thân đang trong hoàn cảnh của họ và cảm nếm tình yêu của Chúa như họ đã từng. Còn nữa, hãy đặt mình vào trong tình cảnh của Lazarus, của thánh Phero và thánh Gioan. Tự nơi đó anh sẽ cảm nghiệm được khát vọng yêu thương bừng cháy của Chúa dành cho anh (Ez 16, 1-22). Anh sẽ cảm nghiệm được Người chịu chết trên thập giá vì yêu anh. Anh sẽ thấy lòng thương xót của Cha trên trời dành cho anh lớn đến mức nào, đến nỗi Người đã hy sinh Con Một của Người để tìm kiếm anh, con chiên lạc, và mang anh trở về với Người (Lc 15, 1-7).
Tình yêu Thiên Chúa quả có sức mạnh chữa lành, không chỉ đối với tình trạng đồng tính luyến ái, mà còn với mọi tình trạng tội lỗi khác nữa.
Jeremy: Con đang cố thúc đẩy mối tương quan của mình với Chúa, và đọc Kinh Thánh theo cách mà cha đề nghị là sẽ hữu ích cho con, cũng như con đang cố trải nghiệm tình yêu của Chúa bằng cách đặt mình vào trong hoàn cảnh của nhiều nhân vật chính khác nhau trong Kinh Thánh. Con thật sự muốn cảm nếm một mối tương quan sâu lắng và thân mật với Chúa Cha, với Con Một Người là Đức Giêsu Kitô và với cả Chúa Thánh Thần nữa
Cha JP: Jeremy, Tình bằng hữu với Thiên Chúa dẫn đến sự thánh thiện, vì Chúa là Đấng Thánh và Người mời gọi ta nên thánh (Lv 11, 44-45; 19, 2; 20, 7.26, 1Pr 1, 16). Công đồng Vatican II nhắc chúng ta nhớ rằng “mọi Kitô hữu, dù ở bậc sống nào, đều được mời gọi đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự hoàn hảo của đức ái, và sự thánh thiện này vô cùng hữu ích cho một lối sống nhân bản hơn, thậm chí là ngay trong xã hội tại trần gian”.
Jeremy: Cha nói rằng Thiên Chúa đang mời gọi con nên thánh ư? Sau ngần ấy thứ mà con đã làm ư? Thật điều đó trông có vẻ bất khả thi đối với những người đã từng có dính líu với lối sống đồng tính như con.
Cha JP: Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta hãy nên thánh. Lời mời gọi nên thánh này bao gồm cả những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái nữa.
Lời mời gọi ấy chắc chắn sẽ có quan hệ với sự chiến đấu và rèn luyện tự chủ, vì bước theo Chúa Giêsu luôn có nghĩa là bước theo con đường thập giá: “không từ bỏ chính mình và không chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng thì sẽ không có sự thánh thiện”.
Bí tích Thánh Thể và Giao Hoà là nguồn an ủi và đỡ nâng trọng yếu trên con đường này. Hai bí tích này mời gọi mỗi người bước vào trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, vì mầu nhiệm Phục Sinh là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu.
Jeremy: Cha biết không, con đã cố đi lễ và rước lễ thường xuyên. Con cũng cố dành thời gian mỗi ngày để thưa chuyện riêng với Chúa, như cha đã đề nghị. Con còn phải làm gì thêm nữa không?
Cha JP: Nếu chúng ta xây đắp nhận thức về sự hiện diện của Chúa trong cả ngày sống, thì ta có thể quy hướng mọi sự về cho Người, ngay cả những yếu đuối của ta. Nếu ta bị cám dỗ, ta biết Chúa ở kề bên ta và ta có thể nói cho Người biết về tình trạng của mình và xua đuổi cơn cám dỗ đi ngay lập tức.
Là người Công Giáo, ta sẽ muốn thúc đẩy mối quan hệ với những ai mà Chúa tương quan với họ, ví dụ như với Đức Mẹ, với các thiên thần và những anh chị em đã đi trước chúng ta, là những người đã được đóng ấn bằng dấu chỉ đức tin.
Con có nên trở thành một linh mục không?
Jeremy: Có một điều vừa nảy ra trong đầu con kể từ lần nói chuyện cuối cùng về chủ đề liệu Chúa con đang gọi con trong thiên chức linh mục. Đây có phải là điều con nên khám phá hay không?
Cha JP: Đây là ý riêng của anh, hay là đã có ai đó gợi ý cho anh như vậy?
Jeremy: Đó là ý riêng của con, thưa cha, dù rằng con biết điều này sẽ làm mẹ con rất hạnh phúc.
Cha JP: Bởi vì anh mới trở lại với đức tin, cho nên điều quan trọng là đừng gấp rút trong quá trình hoán cải. Thêm nữa, anh hãy thận trọng trong những gì anh làm chỉ để chiều lòng cha mẹ. Không có gì là lạ thường khi cha mẹ có đứa con đồng tính lại thúc đẩy con mình hướng về mối quan hệ khác giới, hoặc là kết hôn, hay là trở thành một con người với cam kết độc thân khiết tịnh cho Thiên Chúa, như là một giải pháp chóng vánh cho tình trạng không đàng hoàng này. Nhưng như thế chỉ có thể giải quyết được những bất ổn trên bề mặt mà thôi, và kết cục là lại khiến cho nhiều linh hồn gặp nguy hiểm vì nguy cơ li dị hay qua các vụ bê bối tai tiếng.
Khi anh có thể kiểm soát được bản thân – rèn được sự tự chủ là điều cần thiết trước khi có thể trao ban bản thân cho tha nhân – anh sẽ có một ý niệm rõ ràng hơn về việc Chúa gọi anh như thế nào. Điều này có nghĩa là anh cần một đời sống đức tin sâu xa để có thể đạt tới một cảm quan về tiêu chuẩn và sự trưởng thành về cảm xúc trong khía cạnh hấp dẫn tính dục cũng như sự tự chủ, trước khi xem xét về việc tận hiến trong ơn gọi độc thân khiết tịnh hay hôn nhân gia đình.
Giáo Lý Hội Thánh có dạy:
Đức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh (Hc 1,22) (GLHT 2339).
Jeremy: Nhưng nếu lỡ như đây thật là ý Chúa, chứ không phải ý của cha mẹ muốn nơi con, thì liệu con có thể được thụ phong linh mục không? Cha sẽ giúp con phân định đường hướng Chúa dành cho con chứ?
Cha JP: Tôi sẽ dẫn anh đi lạc đường nếu tôi bảo anh đó là chuyện dễ dàng, Jeremy ạ. Tôi không nói đó là điều bất khả thi – vì mọi sự đều có thể đối với Chúa – (Mc 10, 27) – nhưng anh cần phải trưởng thành rất nhiều trong đời sống thiêng liêng, bao gồm cả sự trưởng thành về cảm xúc nữa.
Jeremy: Sao lại thế, con đã 28 tuổi rồi mà? Bộ con không đủ trưởng thành để ra quyết định hay sao? Thôi nào… giờ thì con lại cảm thấy có điều kiện trong tình yêu rồi.
Cha JP: Anh đã trải qua rất nhiều đau thương. Những kinh nghiệm mãnh liệt về cảm xúc ấy, nhất là về tính dục, đã ăn sâu vào trong tâm thức anh. Giờ đây anh đang nỗ lực thanh tẩy bản thân mình khỏi những thứ đó.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có viết:
Lối sống khiết tịnh vượt thắng những khát vọng nhân loại vô trật tự, như là thói ham dục, và đem lại kết quả là giúp con người biểu hiện khát vọng tính dục trong sự hài hoà với thánh ý Chúa. “Khiết tịnh có nghĩa là sự hoà hợp của tính dục trong con người và do đó dẫn đến sự thống nhất nội tại của con người trong thể xác lẫn tinh thần.
Vì thế, trưởng thành là thiết lập trật tự cho những khát vọng của con người chúng ta theo lối mà chúng ta trọn vẹn hoà hợp tính dục và các cảm xúc của mình để phản ánh mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, tùy theo bậc sống của mình trong đời. Đối với những ai kết hôn, nó có nghĩa là thiết lập trật tự cho những khát vọng và tính dục để biểu lộ sự trung tín, hiệp nhất, tình yêu vô điều kiện dành cho người phối ngẫu, và sự cởi mở đón nhận sự sống mới. Còn những ai không kết hôn, nó có nghĩa là thiết lập trật tự cho khát vọng hướng về sự biểu lộ tình yêu thanh khiết và trinh trắng.
Jeremy: Nhưng cha đã nói là ai ai cũng bị cám dỗ, kể cả linh mục cũng vậy. Nên con nghĩ là chủng sinh cũng sẽ bị cám dỗ. Vậy thì tại sao cơn cám dỗ của con lại có sự khác biệt?
Cha JP: Để tôi dùng một ví dụ có thật mà tôi đã chia sẻ với Sam và Margie.
Một người nam trẻ tuổi kia đã sống một đời quan hệ tình dục khác giới bừa bãi, anh ta đã ngủ với rất nhiều người phụ nữ khác nhau. Anh ta lợi dụng họ để thoả mãn mục đích ích kỉ của mình và sau đó thì bỏ rơi họ. Hầu hết những người phụ nữ kể trên cũng lợi dụng anh ta như thế.
Một ngày kia anh ta gặp một phụ nữ rất đẹp – nội tâm cô ấy còn đẹp hơn. Là một Kitô hữu ngoan đạo, cô từ chối không quan hệ với anh hay bất cứ người nam nào khác cho tới khi kết hôn. Bị hấp dẫn bởi người phụ nữ có tài sắc này, anh ta đồng ý chờ đợi và thậm chí còn trở thành một Kitô hữu. Sau đó cả hai đã kết hôn. Nhiều năm sau anh thú nhận rằng: “tôi chưa hề toàn tâm toàn ý với vợ mình! Mỗi lần chúng tôi gần gũi với nhau, hình bóng những người bạn gái cũ lại nảy lên trong đầu tôi. Mặc dù tôi không chiều theo những ý nghĩ xấu, nhưng hình bóng các mối quan hệ trong quá khứ cứ ám ảnh tôi, chúng ngăn không cho tôi được nên một với vợ mình cách trọn vẹn, vốn là điều tôi hằng khao khát”.
Tốt hơn hết là không nên mang theo những “hành trang” như thế vào trong đời sống hôn nhân và gia đình. Cũng thế, Giáo Hội nhận ra rằng tốt hơn là không nên mang “hành trang” tương tự vào trong đời sống chủng sinh hay sứ vụ linh mục. Đó là ý nghĩa của sự trưởng thành về cảm xúc và “sự hoà hợp của tính dục bên trong con người”.
Jeremy: Nhưng chẳng lẽ đây thật sự là điều Chúa Giêsu lại làm sao? Con không tin là Người lại loại trừ người ta ra khỏi sứ vụ chỉ vì họ mang theo một chút “hành trang” cảm xúc.
Cha JP: Chúa Kitô đã cho chúng ta một vài ví dụ tuyệt vời về sự hoán cải triệt để. Anh có nhớ người đàn ông bị đạo binh quỷ nhập không (Lc 8, 26-39)? Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho anh, anh ta xin Người cho phép anh được cùng đi với Người như một tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu lại cho anh một sứ vụ mới, đó là trở về với gia đình và rao giảng Tin Mừng cho thân nhân cũng như cho 10 thành trì từ nơi anh đến. Phép lạ về sự hoán cải của anh ta sẽ mạnh mẽ minh chứng cho sức mạnh của Tin Mừng, có sức nặng hơn cả khi anh ta dấn thân trong sứ vụ làm linh mục nhiều.
Cũng thế, Tin Mừng cho ta một ví dụ về người phụ nữ Samari tội lỗi đã trở thành kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô (Ga 4, 4-42). Cuộc hoán cải của cô đã khiến cho cả làng tin theo Chúa, nhưng cô ấy đâu cần phải trở thành nữ tu hay linh mục để làm được như thế.
Vậy con có nên kết hôn không?
Jeremy: Nếu trở thành một linh mục không phải là một ý tưởng tốt dành cho com, vậy con có nên kết hôn không?
Cha JP: Hôn nhân cũng là một ơn gọi đến từ Chúa. Nó cũng đòi hỏi một mức độ trưởng thành về cảm xúc để làm cho hôn nhân được viên mãn.
Mỗi một ơn gọi đều đòi hỏi sự trưởng thành về mặt tình cảm để trao ban tặng phẩm là toàn bộ hữu thể của mình cho Giáo Hội, hoặc cho một người đại diện cho Giáo Hội, và hôn nhân cũng thế (Ep 5, 21-33). Một người chồng và người cha cần phải có khả năng cư xử đúng mực với những người đàn ông và đàn bà khác như một người đàn ông thực thụ, đặc biệt là với vợ con của anh ta – bởi họ sẽ bắt chước và sống theo gương mẫu của người ấy. Một linh mục cũng cần phải có khả năng cư xử chừng mực trong cảm xúc với giáo dân nam nữ như một người đàn ông thực thụ – hay đúng hơn là như chính Chúa Kitô. Vì thế mọi sự tận hiến trong ơn gọi đều đòi hỏi một mức độ trưởng thành về cảm xúc, đó là khả năng cư xử phải phép mực thước với đàn ông và đàn bà, cũng như khả năng dâng hiến bản thân mình như là tặng phẩm cho tha nhân.
Jeremy: Được rồi, thưa cha, con đồng ý với cha là Chúa Giêsu có cho chúng ta một số ví dụ về những ai có lai lịch phức tạp thì không được phép nhận lãnh vai trò lãnh đạo trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Con cũng đồng ý là sự trưởng thành về cảm xúc là điều cần thiết cho ơn gọi hôn nhân và linh mục. Tuy nhiên, con có biết một số người đồng tính nam đã kết hôn với phụ nữ và cuộc hôn nhân của họ lại rất yên ổn. Cho nên con cũng nghĩ là vẫn có một số linh mục đồng tính tốt lành.
Cha JP: Đúng là đã có những vị mục tử tốt lành đã phải chiến đấu để giữ đức độc thân khiết tịnh khi phải đối mặt với sự hấp dẫn đồng giới nơi bản thân họ. Phải, đúng là có những linh mục như thế. Tôi cũng có biết một số vị đã phát triển được bản dạng nam giới lành mạnh bằng cách xây đắp một mạng lưới quan hệ lành mạnh, với Thiên Chúa và với tha nhân.
Tuy nhiên, cuộc chiến của họ không hề dễ dàng. Nó giống như là một người nam hay nữ bị lạm dụng khi còn nhỏ, và họ bước vào đời hôn nhân với vết thương chưa được chữa lành. Họ vẫn có thể sống lành mạnh trong hôn nhân, nhưng tốt hơn là cá nhân người đó, cùng với bạn đời và con cái, phải giải quyết vấn đề đó trước khi kết hôn. Nếu chúng ta yêu mến Giáo Hội và những ai chúng ta xem là gia đình, chúng ta sẽ không muốn họ phải đối diện với nhiều phức tạp chồng chất, chỉ vì khuynh hướng cảm xúc của bản thân chúng ta.
Hơn nữa, nếu một linh mục tự coi mình là người đồng tính, điều đó có nghĩa là bản dạng của ngài đã bị cắm rễ trong khuynh hướng đồng tính và trong hình thái của cơn cám dỗ của ngài rồi. Điều này đi ngược lại với bản dạng thánh thiện của ngài là hiện thân của Chúa Kitô. Do đó, những linh mục nào như thế – nếu không được cứu chữa khỏi sự xung đột ấy – sẽ cảm thấy bị lôi kéo về hai hướng cảm xúc khác nhau. Điều đó thường sẽ dẫn đến một lối sống hai mặt.
Không một ai đáng phải chịu đựng điều đó, cho nên trước khi anh muốn làm một việc gì, hãy tìm cách giải quyết mâu thuẫn cảm xúc nơi mình trước đã, xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ lành mạnh, kiểm soát được cảm xúc – nắm giữ được tặng phẩm là hữu thể mình – để anh có thể được tự do trao ban tặng phẩm ấy một cách trọn vẹn.
Jeremy: ôi, thưa cha, đó thật sự là điều con mong muốn: được trao ban bản thân trọn vẹn và được giải phóng khỏi những xung đột cảm xúc có thể ngăn trở con trao ban chính mình.
Cha JP: Điều anh nên tự hỏi bản thân là liệu khao khát được giải phóng trọn vẹn khỏi những xung đột cảm xúc ấy là động lực thúc đẩy cho việc anh muốn trở thành linh mục hay là anh muốn kết hôn.
Cả ơn gọi hôn nhân lẫn thánh hiến đều là ơn gọi nên thánh. Linh hướng sẽ giúp anh và Giáo Hội sẽ phân định cho anh biết Chúa gọi anh sử dụng tài năng của mình mà phục vụ Giáo Hội theo hướng nào. Và khi anh trưởng thành về cảm xúc, linh hướng sẽ giúp anh phân loại những động lực nhân bản nào có thể định hướng quá trình đưa ra quyết định của anh, để qua đó anh có thể tự do lựa chọn điều Chúa đang đòi hỏi nơi anh.
Người chứng nhân đồng tính
Jeremy: Vậy chẳng lẽ không có gì để con có thể làm trong Giáo Hội cho tới khi con phân định được ơn gọi cho riêng mình, hoặc là linh mục, hoặc là hôn nhân ư? Có lẽ con nên rời đi vì con chẳng đủ tốt cho cả hai phương diện. Toàn bộ quá trình hoán cải này dường như chỉ là trò hề.
Cha JP: Không, không, Jeremy à, đó không phải là trò hề. Chúa Giêsu yêu anh biết dường nào: anh xứng đáng với từng giọt máu Người đổ ra trên thập giá.
Tôi có thể thấy là anh có những khát vọng chính đáng. Tôi chỉ xin anh hãy kiên nhẫn. Anh đang có tiến triển nhưng chúng ta phải đi theo nhịp độ của Chúa, chứ không phải của ta.
Có thể anh có rất nhiều tài năng để giúp ích cho Giáo Hội và xã hội, ngay cả trong khi khuynh hướng đồng tính nơi anh vẫn còn đó. Giáo Hội muốn và khích lệ anh tham gia vào đời sống Giáo Hội một cách tích cực và trọn vẹn.
Tôi có thể thấy là anh rất nhạy cảm về sự tổn thương cảm xúc hơn đại đa số con người. Điều này cho anh một khả năng được tăng tiến trong việc phản ứng và hồi đáp với những nhu cầu về cảm xúc và thể lý của tha nhân. Có lẽ Thiên Chúa đang mời gọi anh sử dụng khả năng này cùng với tính sáng tạo của mình để giúp đỡ những ai yếu đuối và bị gạt ra bên lề xã hội.
Jeremy: Tại sao con lại không có được ơn gọi như cha?
Cha JP: Thực tế anh có ơn gọi giống như tôi mà, Jeremy, vì cả hai ta đều được mời gọi nên thánh.
Sẽ thật là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có làm linh mục mới nên thánh được. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta hãy nên thánh. Người muốn người nam và người nữ trong mọi bậc sống, giữa lòng thế giới, làm chứng nhân cho tình yêu dành cho nhân loại của Người.
Phải, tôi có ơn gọi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong tư cách là một linh mục, nhưng thế gian này cần sự làm chứng đó trong nhiều hình thái khác nhau. Anh hãy nghĩ về Sam và Margie xem, về cái cách hoi làm chứng về tình yêu Thiên Chúa cho anh thấy. Nếu họ không yêu nhau, nhưng giả dụ Sam là một thầy rabbi Do Thái, hoặc Margie là một nữ tu Công Giáo, thì liệu chúng ta có được bước vào trong cuộc hội thoại tuyệt vời ngay lúc này hay không?
Jeremy: Có lẽ là không.
Cha JP: Hãy tưởng tượng cuộc đời anh sẽ khác như thế nào nếu anh có những người bạn thật sự là chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.
Chúng ta cũng cần những bác sĩ và y tá, những người có sự nhạy bén về cảm xúc để thật sự đáp ứng được nhu cầu của những ai đau yếu, để phục vụ họ như Chúa Kitô đã làm. Chúng ta cần chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa trong lãnh vực kinh doanh, để đưa ra quyết định nhằm thăng tiến an sinh cho nhân viên, chứ không chỉ cải thiện ở mức tối thiểu mà thôi.
Thế giới cần những chính trị gia biết làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng sự nhạy bén trước nhu cầu của xã hội, đặc biệt là cho những ai không thể tự giúp hay tự bảo vệ lấy chính mình.
Chúng ta cần những con người làm trong công tác xã hội, người biết chăm sóc bệnh nhân, tình nguyện viên, những ai có thể làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong việc săn sóc người già, người đau yếu, người khuyết tật.
Jeremy: Thật ra con đã bắt đầu làm điều này, thưa cha. Sam có rủ con tham gia cùng cậu ấy và Margie trong công việc tình nguyện giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Cảm giác thật sự tuyệt lắm.
Cha JP: Tốt quá, Jeremy. Những đứa trẻ ấy cần đến lời chứng của anh về tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho từng người trong số chúng. Tôi nghĩ là anh có sự nhạy bén tuyệt vời để làm tốt công việc này đấy.
Jeremy: Nhưng con cũng muốn dùng khả năng sáng tạo của mình để phục vụ Giáo Hội nữa.
Cha JP: Anh đã và đang làm thế rồi còn gì. Bằng nỗ lực bản thân để sống theo tiếng gọi yêu thương, tiếng gọi hãy nên thánh của Thiên Chúa, anh đã phục vụ Chúa và Giáo Hội rồi. Mẹ Giáo Hội rất trân quý tài năng đặc biệt của anh và luôn muốn khuyến khích anh sử dụng tài năng ấy vì lợi ích cho tất cả mọi người.
Anh và tôi sẽ cùng cố gắng phân định ra Chúa gọi anh theo hướng nào và sử dụng tài năng đó để phục vụ Người. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc chúng ta rằng: “Mỗi ơn gọi đều có một ý nghĩa cá vị và mang tính ngôn sứ vô cùng sâu sắc”, chứ không chỉ trong ơn gọi linh mục hay kết hôn thôi đâu.
Hiện giờ, tôi muốn anh hãy hướng sự khiết tịnh về sự thanh tẩy. Tôi muốn anh hãy tập trung vào chuyện này trong quãng thời gian trước mắt. Đây sẽ là một lời chứng hùng hồn cho những ai vẫn còn đang sống không trong sạch: rằng đức khiết tịnh là điều có thể đạt được, rằng hạnh phúc vẫn có thể được tìm thấy trong đời sống khiết tịnh.
Jeremy: con vẫn chưa thể hiểu là sống khiết tịnh sẽ ảnh hưởng cuộc đời tha nhân như thế nào. Cha có thể cho con một ví dụ về cơ chế hoạt động của quá trình hướng đức khiết tịnh đến với sự thanh tẩy được không?
Cha JP: Kinh Thánh có cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời đấy. Một người phụ nữ tội lỗi tìm đến Chúa Giêsu khi Người đang dùng bữa tại nhà của một người Phariseu giàu có. Tỏ lòng thống hối, cô ta rửa chân Chúa bằng nước mắt và lau khô bằng mái tóc mình, sau đó xức dầu thơm đắt tiền lên chân Chúa. Hành vi đó khiến ông Simon, người Phariseu giàu có kia cảm thấy chướng mắt, nhưng nó lại cho tất cả chúng ta một lời chứng về điều mà Thiên Chúa hằng tìm kiếm nơi chúng ta – Tình yêu:
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi !” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông !” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7, 39-48).
Vậy nên, cách anh sống đời mình từ giờ đây sẽ dạy cho những con người kiêu hãnh như ông Simon về điều thực sự làm đẹp lòng Chúa – không phải là một đời sống hoàn hảo, nhưng là tình yêu.
Vai trò trong Giáo Hội
Jeremy: Nhưng liệu con vẫn có thể làm chứng nhân và đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động và vai trò lãnh đạo của Giáo Hội được hay không?
Cha JP: Tất nhiên là có thể, Jeremy. Anh có thể làm được rất nhiều điều đấy.
Ví du, sau khi anh đã hoàn tất một khoá huấn luyện nào đó, anh có thể dạy giáo lý cho trẻ em, thậm chí là thanh thiếu niên hay cả người lớn. Có thể anh thích hát trong ca đoàn giáo xứ hoặc là sử dụng tài năng của mình trong nhiều cách để phục vụ giáo xứ mình.
Điều tôi gợi ý cho anh là hãy bắt đầu sống hoà mình trước đã. Đừng tìm đến vai trò lãnh đạo vội, nhưng tìm cách giúp đỡ và xây dựng một số tình bằng hữu tốt đẹp trong Giáo Hội. Từng chút một và anh sẽ nhận ra trong lĩnh vực nào anh có thể hoạt động hiệu quả nhất.
Jeremy: Con có nên để người ta biết về quá khứ của mình với những cuộc vật lộn với tình trạng đồng tính hay không?
Cha JP: Trong hầu hết mọi hoàn cảnh thì điều đó sẽ không giúp ích gì đâu. Nếu anh dạy học cho học sinh cấp hai, anh có thể xác minh và ngăn chặn những tình huống mà một đứa trẻ có thể chọc phá bạn nó trong một cách có thể gây tổn thương cho đứa bé kia. Hãy ngăn chặn chuyện đó lại ngay. Anh còn có thể giải thích cho đứa bé nạn nhân hay đứa gây rối rằng anh cũng đã bị tổn thương vì những lời châm chọc như thế lúc bằng tuổi chúng. Tuy nhiên, kể cho chúng nghe hết mọi chi tiết về tình huống của bản thân chỉ tổ làm chúng bị bối rối hay làm cho tình hình thêm tệ hại hơn.
Anh hãy nghĩ theo hướng này: nếu anh là một người cha, liệu anh có dám kể cho con cái mình nghe về những chiến tích quan hệ tình dục của mình trong quá khứ không?
Jeremy: Có thể là con sẽ kể đấy, thưa cha. Tại sao không chứ? Con cái chẳng lẽ lại không nên biết cha mẹ nó đã phải trải qua những gì ư?
Cha JP: Không phải lúc nào cũng thế, Jeremy. Để một đứa trẻ cấp hai biết về điều này nơi cha mẹ, thầy cô hay bất cứ ai khác, sẽ làm cho nó cảm thấy khó khăn để nhìn ra được uy quyền của Thiên Chúa đằng sau những tình huống ấy.
Cũng thế, sẽ thật là sai trái khi người cha kể cho con cái mình biết là ông đã ăn nằm với hàng tá phụ nữ trước khi cưới mẹ của chúng, bởi vì chúng sẽ nghĩ nếu cha làm được thì mình cũng làm được. Hoặc là, chúng có thể nghĩ rằng: “chà, mình không giỏi như bố mình, vậy tại sao mình phải nghe lời khuyên của bố mà đợi cho tới lúc kết hôn cơ chứ?”.
Tương tự, người mẹ cũng không nên kể cho con cái mình biết là cô đã từng bị cưỡng bức hay bị lạm dụng khi còn bé, bởi vì điều đó sẽ cấy đủ thứ hình ảnh vào tâm trí đứa bé và có thể tạo ra sợ hãi, thù ghét (đối với kẻ cưỡng bức), hay thậm chí là những giấc mơ tình dục hoang đường. Con trẻ thì không nên phải đối mặt với những điều đó.
Jeremy: Làm thế nào để con biết khi nào là thích hợp hay không thích hợp để kể cho một nhóm hay cho một cá nhân? Ví dụ, nếu con đang dạy cho một cậu học sinh trung học đang có biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đồng tính, chia sẻ cho cậu ấy câu chuyện của con thì có bị coi là sai trái không? Con nghĩ rằng chia sẻ câu chuyện của mình có khả năng sẽ giúp cho cậu ta tránh được rất nhiều lỗi phạm mà con đã từng mắc phải đấy.
Cha JP: Anh nói đúng, Jeremy, điều đó có thể rất hữu ích. Tuy nhiên, tôi đề nghị anh trước hết hãy nói chuyện với cha xứ và phụ huynh của đứa trẻ có cùng độ tuổi với cá nhân cậu ta. Hãy nói cho họ nghe những chi tiết trong tình cảnh của người trẻ đó và những gì mà anh nghĩ là có thể hữu ích.
Bởi vì cha xứ sẽ biết được bối cảnh các bậc phụ huynh và những người khác trong cộng đoàn giáo xứ có thể diễn giải ý hướng tốt đẹp của anh như thế nào, họ có thể giúp anh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, cũng như giúp cho những nỗ lực của anh được thực hiện hiệu quả hơn.
Jeremy: đối với các sinh viên đại học thì sao ạ? Nếu con nói chuyện với họ cách cởi mở để giúp họ thì có thật sự là thích hợp không?
Cha JP: một lần nữa, sẽ rất hữu ích nếu anh trao đổi trước với cha tuyên giáo hay với người đại diện. Anh sẽ cần họ hỗ trợ anh trong bất cứ những gì anh muốn thực hiện.
Một lần nữa, tôi đề nghị anh trước hết hãy năng cộng tác, tìm kiếm cách thức để trợ giúp những ai đang nắm giữ vị trí lãnh đạo. Dần dà, cùng với sự phát triển và tích lũy kinh nghiệm lẫn tính hữu dụng trong tài năng của anh, Thiên Chúa có thể sẽ đặt anh vào vị thế người lãnh đạo đấy.
Và, cùng với nhiều buổi linh hứng như thế này nữa, chúng ta có thể phân định thiên hướng nội tâm của anh cách chi tiết hơn và anh sẽ trưởng thành trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Điều đó sẽ giúp chúng ta khám phá ra kế hoạch tuyệt vời mà Thiên Chúa dành sẵn cho anh.
Jeremy: Cảm ơn cha vì đã luôn kiên nhân giải đáp những thắc mắc của con. Để trở thành một Kitô hữu tốt, một người Công giáo tốt, thật không dễ dàng đối với con chút nào. Con biết con hay thiếu kiên nhẫn… và có một chút gì đó nổi loạn.
Cha JP: Đừng lo, Jeremy, ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy khó khăn cả. Tạ ơn Chúa vì Người luôn kiên nhẫn với chúng ta – chúng ta không hề xứng đáng với điều đó.
Leave a Reply