Bài này được chuyển ngữ từ Systems of Grace by Melinda Selmys
Tôi đã viết lần trước rằng đức trong sạch là một ân sủng, không là một điều kiện hay một yêu cầu. Đây là điểm về Giới Luật thường bị hiểu lầm nhưng Giới Luật lại được nói rất nhiều trong Kinh Thánh. Thánh Vịnh 119 cho chúng ta thấy bức chân dung mà Giới Luật đáng lẽ phải được nhìn thấy trong trái tim con người: “Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây để con được sống và tuân giữ lời Ngài. Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao. Ở trên đời, con là thân lữ khách, mệnh lệnh Ngài, xin đừng nỡ giấu con. Hồn con những khát khao mòn mỏi, hằng chờ mong quyết định của Ngài.” Từ đó, lời thánh vịnh tiếp tục khi tác giả thánh vịnh phấn khởi nói ông yêu điều răn của Chúa chừng nào, giới luật Chúa đã đem đến hy vọng cho ông, an ủi ông biết bao trong nỗi sầu khổ, giới luật giữ ông sống. Điều này vang vọng trong sách Đệ Nhị Luật nơi Thiên Chúa đặt ra những lời chúc lành sẽ đến với những người tuân giữ giới luật (x Đnl 28:1-14). Những ai làm theo thánh ý của Chúa được hứa rằng sẽ tìm ấy niềm vui, thịnh vượng, tăng trưởng và sự sống dồi dào.
Thánh Phaolô phát triển điểm này trong bài giảng về Luật trong lá thư cùa ngài với các tín hữu ở Galát, nhưng ngài chuyển hướng lời dạy của ngài theo hướng mới: “Những ai dựa vào những việc Luật dạy phải làm thì đều chuốc lấy lời nguyền rủa, vì Kinh Thánh viết: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ không bền chí thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật. Giới Luật sẽ không công chính hóa bất cứ ai trước mặt Thiên Chúa bởi vì chúng ta đã được bảo: người công chính tìm được sự sống nhờ đức tin. Giới luật không được đặt trên nền tảng đức tin vì có lời chép: Người thực hành những điều Lề Luật dạy, thì nhờ đó sẽ được sống. Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! (Gl 3:10-13).
Giải nghĩa điểm thánh Phaolô muốn nói ở đây có thể giúp chúng ta hiểu điểm Giáo Lý dạy khi diễn tả đức khiết tịnh như là một “ân sủng”, một món quà. Điểm mà thánh Phaolô đề cập tới là có một xu hướng giữa các tín hữu, dù là các tín hữu Do-thái giáo thời của Phaolô, hay là các tín hữu Công Giáo thời chúng ta, dễ nghĩ rằng nhờ việc sống theo Giới Luật thì cách nào đó chúng ta tự làm cho mình xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ. Phaolô căn bản nói rằng điều này vô nghĩa, là lời nhảm nhí. Không ai có thể được cứu rỗi nhờ Giới Luật vì không ai có thể giữ những điều luật: “Kinh Thánh cho biếtkhông có trường hợp ngoại lệ khi nói rằng tội lỗi làm chủ khắp mọi nơi” (Galát 3:22 NJB).
Ý tưởng chúng ta có thể đảm bảo cho mình một nơi trên thiên đàng nhờ việc tuân giữ các điều răn và tránh tội trọng không chỉ là điều ngớ ngẩn mà còn là điều nguy hiểm. Nó đưa đến việc tin tưởng cách sai lầm là con người có khả năng, bằng những nỗ lực riêng của họ, chiếm được ân sủng cứu độ không ai đáng được hưởng và không thể chiếm được.