Nhưng chờ đã, chẳng phải thánh Phaolô cũng nói về “con người/thân xác tội lỗi” (Rô-ma 6:6) sao? Và điều đó không có nghĩa là thân xác là nguồn gốc của sự dữ sao? Không. Văn cảnh cho thấy rõ ràng rằng thánh Phaolô đang nói rằng thân thể có thể trở thành công cụ của tội lỗi—nhưng nó cũng có thể trở thành công cụ của sự công chính: “Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính.” (câu 16). Vấn đề không phải là thân xác mà là tội lỗi. Thân xác chỉ là nơi diễn ra cuộc chiến giữa thiện và ác.
Trận chiến này giải thích tại sao đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với thân xác mình. Thánh Phaolô bày tỏ cảm giác mâu thuẫn với bản thân khi viết: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (7:15). Hãy lưu ý rằng Phaolô trải nghiệm tội lỗi như điều không mong muốn, không do ngài đón vào, như một thế lực xa lạ trong thân thể mình: “Không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (c. 17).
Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm tương tự về sự trói buộc và nghiện ngập – bị ép buộc phải làm những việc mà chúng ta không muốn làm. Tuy nhiên, , thánh Phaolô cũng đồng thời hứa rằng chúng ta có thể được giải phóng: “Tạ ơn Thiên Chúa! Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em.” (6:17). Chúng ta có thể phá vỡ quyền lực trói buộc của tội lỗi: “Vậy nên, đừng để tội lỗi ngự trị trong thân xác phải chết của anh em mà phải chiều theo những dục vọng xấu xa của nó” (c. 12).
Câu trả lời thích hợp duy nhất trước ơn giải phóng đó là “tôn vinh Chúa bằng thân xác mình” (1 Cô-rin-tô 6:20), hay nói một cách đầy đủ hơn là “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rô-ma 12:1). Thật thú vị khi nghĩ rằng Chúa thực sự muốn liên hệ với chúng ta qua thân xác, yêu thương hình dạng và kích thước đặc trưng của từng người, những kỳ quặc của thân thể, ngoại hình của chúng ta. Thiên Chúa muốn yêu thương và tương tác với chúng ta không chỉ về mặt tinh thần mà còn trong toàn bộ con người chúng ta.
Kinh Thánh thậm chí còn sử dụng một ẩn dụ thân xác nổi bật khi nói về cộng đồng Kitô hữu: Giáo hội là nhiệm thể của Chúa Kitô. Và thân thể được duy trì bằng việc ăn uống, một hành vi tiêu thụ của thân xác: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cô-rinh-tô 10:16–17). Như Welton nhận xét, “Không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó gây sốc cho những người mang tư tưởng Hy Lạp; họ khó có thể tin rằng những gì Chúa Giêsu ban tặng không phải là tâm trí hay linh hồn mà là ‘thịt và máu’ hay thể xác của Ngài, nơi hình bánh và rượu.”43 Trong thế giới quan của Kinh Thánh, thân xác không chỉ có phẩm giá riêng mà còn cung cấp những hình ảnh và phép loại suy, ẩn dụ và biểu tượng cho việc chúng ta tham gia vào thế giới tâm linh.
43. Welton, “Biblical Bodies,” 250. Câu trích là “It, no doubt, came as a shock to those working within the framework of Greek thought that what Jesus offered was not his mind or soul but his ‘flesh’ or body, symbolized in the element of the bread”. Đã được dịch để phản ánh thần học của Thánh Thể cách đầy đủ hơn.
Leave a Reply