Mặc cảm tội lỗi ảnh hưởng đến linh hồn giống như cách mà hệ thần kinh tác động đến thân thể. Khi một người chịu bỏng nhẹ, da sẽ đỏ và vết thương hơi đau một tí. Khi vết bỏng nâng lên độ cấp 2, cơn đau và tổn thương thể lý sẽ càng trầm trọng hơn, vết thương phồng rộp lên. Vết bỏng ở cấp độ 3 liên quan đến chấn thương nặng nhất, làn da lúc này sẽ cháy đen đến mức các dây thần kinh bị hủy hoại. Vì tác động của tổn thương này lên hệ thần kinh, nạn nhân không có khả năng cảm nhận cơn đau nơi vết phỏng nghiêm trọng nhất.
Có thể nói điều tương tự diễn ra với người nữ bị tổn thương bởi tội lỗi tình dục. Khi cô ấy trải qua vết thương đầu vì bị lợi dụng, cô ấy chùn lại trong nỗi đau và cần thời gian để được chữa lành. Cô nàng biết được sự nghiêm trọng của cảm giác đau đớn này. Tuy nhiên, khi tổn thương trở thành một hành vi được lặp đi lặp lại, cô sẽ mất khả năng nhận thấy sự mất mát.
Nếu không có các dây thần kinh, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào bạn tổn hại đến thân xác của mình. Bạn có thể ngồi trên cái bếp lửa và nói với mọi người rằng nó chẳng đau chút nào. Nhưng tổn thương thì đã khắc dấu lên cơ thể bạn. Nhiều hư hại sẽ xảy ra vì não bộ không được thông báo về nguy hiểm này. Như cách vết bỏng cấp 3 giết chết dây thần kinh, sự tê liệt cảm xúc xuất hiện khi lương tâm dần chết đi.
Khi một người nữ vùi dập tiếng nói lương tâm và cho rằng tình một đêm chỉ là một hành vi vô hại, điều này không có nghĩa là cô ấy không bị tổn thương. Cô gái này mất đi khả năng gắn kết, nhưng lại sợ đánh giá những thiệt hại. Không những cô nàng đánh mất sự ngượng ngùng lành mạnh, cô ấy cũng làm yếu đi khả năng thể hiện và cảm nhận tình yêu. Ví dụ cho điều này, một nữ sinh cho biết, “Nói rằng tôi phải quan tâm đến từng người tôi đã lên giường thì quả là một kỳ vọng phi thực tế.”26
Tình yêu là một nhiệm vụ có vẻ khó khăn với một người lún sâu trong dục vọng. Trong cuốn sách The Privilege of Being a Woman (Đặc Quyền Làm Phụ Nữ), Tiến sĩ Alice von Hildebrand giải thích:
Mỗi tội lỗi đều mang lấy hình phạt riêng của nó. Ngoài việc có thể bị nhiễm trùng nặng, những người dâm dục sẽ không bao giờ thưởng thức được vẻ đẹp tình dục giữa những người yêu thương và sống trong sự tôn trọng sâu sắc… Họ sẽ trải qua sự ham muốn nhục dục, nhưng hình phạt là họ sẽ không bao giờ thưởng thức được hương vị ngọt ngào của tình yêu đích thực.27
Khi ơn gọi yêu thương của một người nữ bị xuyên tạc bởi thói quen tình một đêm, cô ấy mất đi khả năng khao khát cũng như khả năng tin tưởng và trao ban bản thân. Nó trở thành một vòng lặp tai hại, bởi vì để đạt được sự thân mật, cô ấy phải bộc lộ cảm xúc của bản thân. Nhưng ý tưởng đó lại làm cô khiếp đảm. Hoảng sợ bởi sự hoài nghi, cô nàng nghĩ, “Nếu một người đàn ông tốt và đầy tình yêu thật sự biết tôi, anh ấy sẽ không còn muốn tôi nữa.” Vậy nên cô gái này mang lấy một chiếc mặt nạ, cho dù nó ngăn cô khỏi điều mình tìm kiếm: cô muốn được yêu mà không cần bộc lộ cảm xúc.
Đánh mất khả năng trao ban tình yêu là một việc, nhưng đánh mất khả năng nhận tình yêu là một vấn đề hoàn toàn khác. Để tìm được tình yêu, phụ nữ phải chấp nhận là họ đáng được yêu. Đây là một thử thách cho những cô gái nghi ngờ điều này. Ví dụ, một người bạn của chúng tôi bắt đầu hẹn hò với một cô gái xinh đẹp tại Đại học San Diego. Khi anh ta rơi vào lưới tình, cô gái này đột ngột kết thúc mối quan hệ và nói, “Chad, em không biết phải nói với anh như thế nào, nhưng em không hẹn hò với đàn ông tốt. Em không thể. Em chỉ tình một đêm mà thôi. Em xin lỗi.” Và như thế, cô ấy rời đi. Cô gái biết mình đã gặp gỡ một người đàn ông thật sự tốt, và cô ấy hoảng sợ. Anh bạn tôi đã sụp đổ vì anh ấy muốn mang đến cho cô những điều xứng đáng. Nhưng cô nàng đã rèn luyện để trao cho đàn ông thứ mà họ ít có khả năng từ chối nhất: thân xác của cô.
Ngay cả những phụ nữ xinh đẹp còn thường nghĩ là họ không có vẻ đẹp chân thực. Rất nhiều người che giấu vẻ đẹp của bản thân đằng sau vẻ đẹp của thân xác. Các cô gái này hướng sự chú ý của đàn ông vào thể xác để che đậy bản thân họ. Điều này nghe có vẻ lạ lùng, một cô nàng cởi bỏ lớp quần áo để có thể che đậy chính mình. Một người nữ đã nói, “Nếu bạn đói khát sự thân mật nhưng sợ bị từ chối, điều cực kỳ, cực kỳ dễ dàng là để cho đàn ông đụng chạm vào cơ thể hơn là cho anh ta chạm được vào trái tim của bạn.”28
Phụ nữ không đi đến sự lãnh đạm về cảm xúc này chỉ sau một đêm. Nó là một quá trình mà điểm bắt đầu là nỗi sợ, thường là sợ cô đơn. Khi người nữ vướng vào nỗi sợ này, cô ấy thường hạ thấp đạo đức với hy vọng tìm được tình yêu. Nhưng sự nản lòng sẽ xuất hiện sớm, bởi cố gắng của cô rồi cũng sẽ đi đến thất bại. Sau thời gian chán nản, cô ấy sẽ bắt đầu thỏa hiệp với thói quen lợi dụng đàn ông và cho phép họ lợi dụng cô. Khi đó, một cảm giác tuyệt vọng ngấm vào tính cách của cô nàng. Cô ấy không những thỏa hiệp với thứ không phải là tình yêu, mà còn bào chữa cho hành động của mình. Cô đưa ra những lý do tại sao mình đã quên mất việc tìm kiếm tình yêu. Cuối cùng, cô ấy đạt tới sự từ bỏ hoàn toàn. Khi cô gái đạt đến mức này, cô nàng đã quen với việc đeo một chiếc mặt nạ của thứ hạnh phúc vô lo đến nỗi cô có thể bắt đầu nghĩ mình đã được giải phóng. Nhưng, là nô lệ thì đúng hơn.
Một giáo sĩ Do Thái nói, “Thuở ban đầu, tội lỗi chỉ như một vị khách thỉnh thoảng đến thăm, sau đó là một vị khách quen thuộc, và cuối cùng trở thành người chủ nhà.”29 Ông ấy thêm rằng, tội lỗi không phải là một sa ngã nhất thời của ý chí, nhưng nó thật sự làm cho ý chí của chúng ta yếu dần rồi trở nên hư hại. Bấy lâu nay, chúng ta nói với bản thân rằng chúng ta tự do để không chọn lựa những điều này, nhưng sự tự do dần hao mòn khi ta phục tùng những thói xấu của chính mình.
Trở về chương 7 của Trang Mục lục
26 Lena Chen, as quoted in Randall Patterson, “Students of Virginity,” New York Times, March 30, 2008.
27 Von Hildebrand, The Privilege of Being a Woman, 95.
28 Eden, The Thrill of the Chaste, 83.
29 Midrash Rabbah on Genesis 22:6, in The Soncino Midrash Rabbah (New York: Judaica Press, 1983).
Leave a Reply