Phần lớn công chúng vẫn coi việc giết trẻ sơ sinh và an tử là sai trái về mặt đạo đức, nhưng họ đã quên mất ý tưởng sai trái đó đến từ đâu. Nhà sử học O. M. Bakke lập luận rằng chính Kitô giáo đã khiến những quan điểm đạo đức này trở nên gần như phổ quát ở phương Tây.
Trong cuốn sách Khi trẻ em trở thành người / When Children Became people, Bakke giải thích rằng ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, trẻ em chưa được coi là nhân vị. Xã hội cổ đại được tổ chức theo cách chúng ta có thể hình dung là những vòng tròn đồng tâm: Ở trung tâm là nam giới trưởng thành, tự do. Họ có giá trị cao nhất. Những người khác được đánh giá tùy thuộc vào mức độ họ giống với hình mẫu đó: phụ nữ, người nước ngoài, nô lệ và trẻ em. Văn học cổ điển mô tả trẻ em với giọng điệu khinh miệt, sử dụng những tính từ như yếu ớt, sợ hãi, và không có lý trí.
Việc hạ thấp phẩm giá trẻ em đã gây ra những hậu quả cụ thể. Không có gì ngạc nhiên khi nó dẫn tới cái nhìn lạnh lùng và vô tâm đối với trẻ em. Việc phá thai trong xã hội ấy rất phổ biến. Những đứa trẻ không được mong muốn bị bỏ rơi, bỏ mặc nơi hoang vắng cho đến chết đói hoặc bị thú rừng ăn thịt. Trẻ em bị đối xử thô bạo; việc đánh đập trẻ em bị coi là bình thường. Ở Rôma, người cha thậm chí còn có quyền hợp pháp để giết con mình vì bất kỳ lý do gì.
Cái nhìn tiêu cực về trẻ em cũng góp phần tạo nên cái nhìn thấp kém về phụ nữ. Thực tế là phụ nữ, những người bỏ nhiều thời gian nuôi dạy con cái hơn và có nhiều khả năng phát triển tình cảm gắn bó với trẻ em hơn, lại bị coi là yếu đuối, thô tục, hết sức tầm thường. Bakke tóm tắt: “Trẻ em và nô lệ là tài sản của người cha, chỉ là vật thể. Xét về nhiều mặt, người đàn ông có thể đối xử với vợ, con mình và các thành viên khác trong gia đình theo ý mình mà không sợ hậu quả pháp lý.”62
Điều đó bao gồm quyền hợp pháp lạm dụng tình dục nô lệ của họ – cả nam và nữ, người lớn và trẻ em. Các nhà chứa chuyên về cung cấp nô lệ tình dục, bao gồm cả trẻ em, là hoạt động kinh doanh hợp pháp và thịnh hành. Những đứa trẻ bị bỏ rơi thường được giải cứu sau đó bị ép làm nô lệ tình dục. Người La Mã sở hữu người nô lệ trẻ thậm chí còn mướn họ cho nhà chứa.63
Ngày nay chúng ta thường nghe nói rằng thế giới cổ đại “khoan dung” hơn về vấn đề tình dục, nhưng sự việc này không có gì liên quan đến sự khoan dung mà là một biểu hiện của địa vị xã hội. Hầu hết các hành vi tình dục đều được coi là được phép miễn là khi chúng liên quan đến một người có địa vị cao hơn đến với một người có địa vị thấp hơn. Trong thế giới cổ đại, triết gia Martha Nussbaum giải thích,
Giới tính của đối tượng. . . bản thân nó không là vấn đề về mặt đạo đức. Các cậu bé và phụ nữ thường bị coi là đối tượng ham muốn của [nam giới] như nhau. Điều quan trọng về mặt xã hội là xâm nhập người khác chứ không là bị xâm nhập. Tình dục được hiểu về cơ bản không phải là sự tương tác qua lại, mà là một người đơn phương tác động lên người kia; và người thụ động có địa vị xã hội thấp hơn.64
Giáo hội ra đời trong nền văn hóa đó. Chúa Giêsu đã gây sốc cho những người đương thời trong văn hóa đó khi Ngài không khinh thường trẻ em mà dạy rằng các em có giá trị: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này… Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.” (Mt. 18,10; 5). Chúa Giêsu thậm chí còn lấy trẻ em làm gương mẫu để người lớn noi theo: “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt. 18,3). “Cứ để trẻ em đến với Thầy… vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”” (Mt. 19,14). Chưa từng có ai coi trẻ em là gương mẫu cho người lớn noi theo trước đó. Các giáo phụ đã viết rất nhiều về những lời của Chúa Giêsu, thắc mắc về ý nghĩa của chúng trong một nền văn hóa mà việc coi trọng trẻ em là một điều hoàn toàn mới lạ.
Cuối cùng, khi những Kitô hữu giành được ảnh hưởng chính trị trong đế chế La Mã, họ đã thành công trong việc đưa ra luật cấm giết trẻ sơ sinh (vào năm 374 sau Công Nguyên). Họ cũng đưa ra luật bắt buộc chính phủ cấp viện trợ cho các gia đình nghèo không có điều kiện nuôi con, để họ không bỏ rơi hoặc bỏ mặc con mình nơi hoang dã. Tuy nhiên, luật pháp đã không chấm dứt vấn nạn bỏ mặc trẻ em triệt để. Vấn nạn này chỉ chấm dứt khi các giáo sĩ cuối cùng thuyết phục được các bậc cha mẹ đem con họ đến cửa nhà thờ. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của các trại trẻ mồ côi đầu tiên.
62. Bakke, When Children Became People, 38.
63. See Harper, From Shame to Sin, especially chapter 1, and Brown, Body and Society. Ruden nói rằng việc người chủ lạm dụng tình dục các nam nô lệ trẻ tuổi là điều phổ biến, ngay cả các cậu bé sinh ra tự do cũng dễ bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Những người cha phải theo dõi chặt chẽ con cái của mình để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi tình dục. Đối với người Hy Lạp và La Mã, đối tác chủ động được ca ngợi là nam tính cương cường (ngay cả khi họ tàn nhẫn và độc địa), trong khi đối tác thụ động (nạn nhân) bị coi thường là yếu đuối và ghê tởm. Ngược lại, trong Tân Ước, thánh Phaolô coi đối tác chủ động cũng nặng tôi như đối tác thụ động và thực tế lên án các mối quan hệ đồng tính luyến ái như một hình thức bất công (từ “bất chính” trong Rô-ma 1:18 thường được dịch là “bất công”). Bởi vì chế độ đồng tính luyến ái, đặc biệt thiếu niên ái đã được chấp nhận trong văn hóa La Mã, và những thủ phạm thậm chí còn ngưỡng mộ “khán giả La Mã của Phaolô . . . sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng công lý cũng được áp dụng ngay cả cho đồng tính luyến ái” (Paul among the People, 71).
64. Martha Nussbaum, Philosophical Interventions (Oxford, UK: Oxford University Press, 2012), 73.
Leave a Reply