Câu hỏi 1: Các nguyên tắc của hôn nhân Công giáo
Câu hỏi 2: Lo âu có phải là tội? Làm sao đề hết lo âu
Câu hỏi 1
Một anh hỏi, “Nhờ anh giải thích về các nguyên tắc của hôn nhân Công giáo: tự do, trọn vẹn, chung thủy, phát sinh sự sống. Những nguyên tắc này được áp dụng như thế nào với một chàng trai độc thân như tôi?
Free, Total, Faithful, Fruitful, FTFF, là loại từ viết tắt đã được Christopher West làm phổ biến trong phong trào học Thần học của Thân xác. Bạn có thể thấy Thông điệp Humanae Vitae của GH Phaolô VI có nói về những cột trụ khác nhau của tình yêu.
Chúng ta sẽ giải thích từng nguyên tắc. Những nguyên tắc này được nghĩ đến như thể là bốn phần của lời thề hứa hôn nhân mà hai người trao đổi với nhau trước bàn thờ. Điều đầu tiên là bạn sẽ được hỏi: Hai bạn có tự do đến đây không? Bạn trả lời, Có. Rồi vị chủ tế sẽ hỏi, hai bạn có chung thủy yêu nhau trọn đời không? Bạn có sẵn sàng đón nhận con cái không? Bạn trả lời Có.
Những nguyên tắc này: tự do, trọn vẹn, chung thủy, phát sinh sự sống như thể là bốn chân của một chiếc ghế. Để có chiếc ghế đó, nó cần phải đứng trên cả bốn chân. Nếu bạn quẳng đi một trong những cái chân đó, tính toàn vẹn của cấu trúc sẽ sụp đổ. Tình yêu trong hôn nhân cũng giống như vậy. Khi còn là độc thân, chúng ta cần bắt đầu thực hành những điều này và bắt đầu đưa chúng vào cuộc sống ngay lúc này.
Về tự do: bạn có tự do kết hôn không? Điều này không chỉ đơn giản là hiện tôi có đang kết hôn với ai khác không? Làm sao bạn đo lường sự tự do của mình? Hãy xem Thánh GH Gioan Phaolô II nói gì về tự do.
Theo một nghĩa nào đó trong triết lý của ngài, cơ bản của tự do là: sự tự do của một người được đo lường cách hữu hiệu nhất bằng khả năng yêu thương của người ấy. Sự tự do của bạn được đo lường tốt nhất bằng khả năng yêu thương của bạn, nghĩa là bất cứ điều gì làm suy yếu khả năng yêu thương của bạn, bạn tự do hay không, tùy theo khả năng đó.
Chướng ngại vật để yêu có phải là chỉ quan tâm đến mình? Tính ích kỷ? Có phải là việc nghiện, hoặc thói dâm dục, hoặc bất cứ thứ gì đang cản trở khả năng để tôi có thể tặng ban chính mình, mức độ bị cản trở đó, chỉ về mức độ tự do của tôi. Vì vậy hãy nhìn kỹ lại cuộc sống của bạn.
Chẳng hạn như bạn có sẵn sàng tự do bước vào hôn nhân chưa? Hoặc có một số ràng buộc mà bạn cần cắt đứt, một số tệ nạn cần phải vượt qua, hãy lớn lên trong sự tự do đó.
Có câu nói, “Tự do không phải là khả năng làm bất cứ điều gì bạn muốn, mà là khả năng làm những gì đúng.” Tôi thậm chí đã nghe một định nghĩa hay hơn. Tự do là khả năng làm điều bạn không muốn hầu để làm điều tốt lành.
Đôi khi chúng ta không muốn làm điều gì đó tốt lành, nhưng khi là nô lệ của những sự không tốt lành, khi chúng ta không thể nói không với chúng, chúng ta không có sự tự do. Vì thế, đôi khi chúng ta phải nói không với điều mà chúng ta bị cám dỗ để có tự do chân thực.
Tình yêu hôn nhân hạn chế quyền tự do của chúng ta theo một nghĩa nào đó phải không? Bạn không được tự do ở lại hay bỏ đi như bạn ước muốn, không tự do để gặp gỡ người khác. Nhưng điều đó phải là như vậy vì GH Gioan Phaolô II nói, “Tự do tồn tại vì tình yêu. Nó tồn tại để được cho đi.” Bạn hãy nhìn vào cuộc sống của mình, bạn có sự tự do để cho đi bản thân?
Trọn vẹn: tôi có sẵn sàng trao thân cho người này và đón nhận họ cách trọn vẹn không? Khi thịnh vượng, khi gian nan, khi bệnh hoạn, lúc mạnh khỏe, cả trọn cuộc sống? Hay tôi là kiểu người thay đổi liên tục từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, tùy theo những gì tôi nhận được từ nó.
Nếu tôi đang có cảm giác yêu và mọi thứ đều tuyệt vời thì tôi chú ý đến bạn. Khi tôi không còn say mê bạn nữa, thì nói, “Anh yêu em, anh chỉ là không say mê em nữa. Tạm biệt.” Nếu vậy thì người ấy đã không bao giờ yêu tôi ngay từ lúc ban đầu. Người ấy chỉ thích cảm giác đang trong yêu đương với tôi. Vì thế, câu hỏi là bạn có sẵn sàng để trao ban và đón nhận người này cách trọn vẹn không?
Tương tự như vậy, chung thủy. Hãy phát triển sự chung thủy trước khi bạn gặp người phối ngẫu của bạn. Bởi vì vào ngày cưới, bạn sẽ hứa, anh sẽ tôn trọng em hết mọi ngày trong đời sống của anh. Được. Vậy thì hôm nay là một ngày trong cuộc đời bạn.
Bạn có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng người bạn đời tương lai của mình trước khi gặp họ, qua việc bạn tương tác với những người khác giới ngay bây giờ? Đó là cách để được được trưởng thành nhờ huấn luyện về lòng trung tín đó. Vì nếu chúng ta không thể nói không với những thôi thúc tình dục của mình lúc này, thì những lời tuyên hứa của chúng ta thực sự chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì thế, học để trở nên trung tín hơn.
Và cuối cùng là phát sinh sự sống. Bạn có đón nhận việc có con cái trong hôn nhân của mình không?
Trong thời gian hẹn hò, hãy chắc rằng người kia có cùng ý tưởng với bạn về con cái. Bạn không cần phải đồng ý trước khi kết hôn chính xác mấy đứa con bạn sẽ có.
Nhưng nếu bạn đang nghĩ về một chiếc xe tải nhỏ của những đứa trẻ được học ở nhà, cãi cọ nhau rầm rộ trong xe; đi vào nhà thờ lễ tiếng La-tinh với 12 đứa trẻ theo đuôi. Và người kia thì nghĩ 1 đứa con là đủ rồi. Bạn cần thảo luận trước về điều này.
Bạn có sẵn sàng đón nhận con cái trong hôn nhân của mình không? Bạn có biết rằng con cái là món quà tối thượng của hôn nhân không? Hãy phân định và nghiền ngẫm những điều này khi còn là độc thân trước khi kết hôn và bạn sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn cho các trách nhiệm và ân sủng bao gồm trong bí tích Hôn nhân.
Câu hỏi tiếp theo. Kinh Thánh nói, “Đừng lo lắng gì cả”, nhưng khi nào thì lo lắng trở thành tội lỗi? Và nếu một người đang gánh chịu ảnh hưởng của chấn thương, thì yếu tố đó có làm cho việc lo lắng là tội đối với Giáo hội không?
Một người đang gặp khó khăn với bồn chồn, lo âu, sao lại bận tâm với việc họ có đang phạm tội khi lo lắng hay không. Tôi nghĩ nếu có một từ mà Chúa Kitô sẽ nói trong trái tim bạn vì bạn không biết sự lo âu của bạn có phải là tội không, là từ “Bình an”.
Người xa cách Thiên Chúa không quan tâm đến việc họ xa khỏi Chúa. Việc bạn lo lắng về tội kéo bạn xa khỏi Chúa, cho thấy Chúa Thánh Thần đang thực sự hoạt động trong đời sống bạn để bạn muốn được gần gũi với Chúa. Hãy yên tâm là Chúa đan làm việc của Ngài trong bạn.
Về câu hỏi khi nào sự lo lắng đó trở thành tội. Tôi khuyến khích bạn hãy bỏ câu hỏi đó đi. Vì câu hỏi của bạn là nếu bạn đang gánh chịu ảnh hưởng của chấn thương, thì yếu tố đó có làm cho việc lo lắng đó trở thành tội đối với Giáo hội không.
Bạn biết để một tội là tội trọng thì nó phải là một lỗi phạm về một điều trọng nào đó, bạn cần có đủ suy nghĩ và sự ưng thuận đầy đủ.
Những thứ như chấn thương, nghiện ngập có thể làm giảm bớt độ nặng của tội trạng của một người khi họ phạm tội.
Về lo lắng, bạn đã không tự do để chọn nó, kiểu, tôi sẽ chọn để lo âu. Có những yếu tố khác đi vào và Chúa biết những yếu tố đó ngay cả khi bạn không ý thức. Đặc biệt là nếu bạn đang phải đối phó với chấn thương trong quá khứ.
Vậy làm sao để vượt qua những cảm xúc này khi chúng nổi lên? Tôi muốn đưa ra đoạn Kinh Thánh và tôi muốn bạn hãy dùng nó trong cầu nguyện và tôi muốn bạn nghiền ngẫm về nó. Đoạn đó lấy từ thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu ở Phi-líp-phê, chương 4. Hãy lấy đoạn này và khi những cảm giác lo lắng về tương lai nổi lên kiểu, “Tôi không biết liệu mình có bao giờ tìm được người phù hợp với mình hay không và tôi sợ già rồi vẫn không tìm được người.” Khi bạn đang phải lo lắng với những điều đó, dùng đoạn Kinh Thánh này trong lúc cầu nguyện, đọc lớn tiếng đoạn đó, thuộc lòng nó.
Thánh Phaolô nói, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” Rõ ràng là nói dễ, làm thì khó. Nhưng trong những khoảnh khắc sầu não đó, những lúc lo âu, Thánh Phaolô thực sự nói bạn hãy vui luôn. Ngài nói, “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi.” Đây là một điều thú vị.
Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta đừng lo lắng và sau đó ngài nói, sự hiền hòa rộng rãi của anh em mọi người cần biết đến nó. Chúng ta làm điều này bằng cách nào? Qua những hành vi phục vụ. Bạn sẽ thấy là nếu chúng ta không làm những việc bác ái, không thực thi những việc giúp đỡ người khác về mặt tinh thần hay thể xác, chúng ta rất dễ trở nên chán nản, bởi vì chúng ta tập trung quá nhiều vào bản thân chứ không là người khác.
Vì thế bạn thấy những gì Thánh Phaolô đang làm: ngài hướng lên đến Chúa, vui mừng trong Chúa, cho mọi người thấy sự hiền hòa rộng rãi của mình, nghĩa là những việc hành vi phục vụ, liên kết với công việc trao ban. Bạn phải có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn những cám dỗ lo lắng này và hành động phục vụ là một cách tuyệt vời để làm điều đó.
Thánh Phaolô trấn an chúng ta nói,
Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Sau hết, thưa anh chị em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.
Vì thế, điều Thánh Phaolô đang dạy chúng ta là chỉ cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ lo lắng sang một bên là chưa đủ. Chúng ta phải lấp đầy khoảng trống bằng một điều gì đó tích cực, bất cứ điều gì tốt đẹp, bất cứ điều gì thánh thiện.
Bạn sẽ lấp đầy khoảng trống đó bằng sự gì?
Hãy thuộc lòng những câu này. Khi những cảm giác lo lắng đó xuất hiện trong tâm trí, bạn cần biết những lo lắng đến với tâm trí bạn thường xuyên như thế nào không là điều quan trọng. Có thể bạn thức dậy và bạn cảm thấy cô đơn. Được thôi, hãy cầu nguyện với Chúa thay vì coi cảm giác mà bạn gặp phải là vấn đề, và cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng về điều đó, hãy nâng nó lên với Chúa. Nói với Chúa: Con cảm thấy vô cùng cô đơn.
Bạn có thể cầu nguyện một số bài hát trong Cựu Ước, đọc Thánh vịnh. Chẳng hạn như, “chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm”, “Bạn bè con xa lánh con”; “Tại sao Chúa làm cho bạn bè coi con như đồ ghê tởm.’
Hãy lắng nghe tác giả Thánh vịnh. Họ đang đổ lỗi cho Chúa, họ nói Chúa làm bạn bè con coi con như đồ ghê tởm. Tại sao Chúa lại làm như vậy? Và đó là lời cầu nguyện chân thành.
Tôi muốn bạn bước vào những cảm giác lo lắng, cô đơn đó và nâng chúng lên và gặp gỡ Chúa trong chúng. Thay vì chỉ coi chúng là kẻ thù mà bạn phải liên tục đuổi xa. Hãy để nỗi đau đó trong bạn trỗi dậy. Khao khát đó có thể là về tình yêu vợ chồng, là việc trở thành người mẹ, trở thành người cha và bạn có thể gặp gỡ Chúa Kitô trong đó. Rồi sử dụng những vũ khí mà Chúa ban cho chúng ta, vũ khí của việc vui mừng trong Chúa.
Ngôn sứ Nê-hê-mi-a trong chương 8 nói, “Ngày hôm nay, anh em đừng buồn sầu vì vui mừng trong Chúa phải là sức mạnh của anh em.”
Vì vậy hãy biết rằng điều này không chỉ đòi hỏi bạn thay đổi tâm trạng, phần cảm xúc, nhưng còn là một hành động của ý chí. Rằng tôi chọn để vui mừng trong Chúa mặc dù trái tim tôi đang bối rối, dù rằng tôi căng thẳng, tôi lo lắng.
Tôi lo lắng về tương lai tôi sẽ chọn vui mừng trong Chúa. Điều đó có làm biến đi những lo âu của tôi không? Không bạn à. Cảm giác cô đơn và khó khăn vẫn ở đó. Nhưng bạn sẽ ngày càng gần gũi với Chúa hơn bởi vì nếu Chúa gọi bạn đến với cuộc sống hôn nhân và đón nhận con cái ở một thời điểm nào đó, thì bạn sẽ phải trao cho con cái bạn món quà đức tin.
Nhưng làm sao bạn có thể cho đi thứ mà bạn không có, và làm sao bạn có thể sở hữu món quà đức tin trừ khi trừ khi Chúa lôi bạn qua sa mạc đau khổ, không chỗ nương tựa, nơi bạn chỉ có thể dán mắt vào Ngài để được nâng đỡ. Thật không may, đôi khi Chúa ban tặng món quà đức tin bằng cách đặt chúng ta vào một lò luyện đau khổ, đôi khi giống như một cái máy ép rượu, bạn liên tục bị đập dập, bị nghiền. Nhưng kết quả của những trái nho đang bị nghiền nát đó là thứ rượu đức tin sẽ tuôn tràn dồi dào cho những người trong gia đình bạn ngay bây giờ, và với ơn Chúa, cho gia đình tương lai của bạn.
Vì thế, dù những khoảnh khắc sầu khổ thật là khó khăn, “Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.
Leave a Reply