Mark và Sherry kết hôn chưa đầy một năm. Họ đang ngồi trong văn phòng tôi và giải thích rằng tôi là hy vọng cuối cùng của họ trước khi ly hôn.
Họ chán ngấy những cuộc tranh cãi và những tổn thương mà họ gây ra cho nhau. Cho dù có cố gắng thế nào, họ dường như không thể vượt qua những khó khăn của mình.
Dù bạn đã kết hôn được 1 năm hay 40 năm, mối tương quan giữa hai bạn vẫn có thể chứa đầy những thách thức.
Chúng ta có những ý tưởng và kỳ vọng về hôn nhân sẽ như thế nào, nhưng đôi khi, mọi thứ không lúc nào cũng diễn ra như kế hoạch.
Đôi khi, nỗi đau, nỗi sợ hãi và sự bất an lấn át ý chí của chúng ta, khiến chúng ta chọn điều mà mình không muốn. Đôi khi, chúng ta thấy mình bị mắc kẹt trong một tình huống dường như không có lối thoát.
Khi đang ở trong một mối quan hệ tan vỡ, điều quan trọng cần nhớ là có hai cuộc chiến đang diễn ra. Chúng ta không chỉ đang chiến đấu với sự tổn thương từ bên trong cuộc hôn nhân của chúng ta, mà còn có kẻ thù bên ngoài, đang tìm mọi cách để phá hủy không gian an toàn mà Chúa đã xây dựng. Kẻ thù đó là một kẻ hủy diệt vĩ đại, và nó sẽ sử dụng mọi thứ và bất cứ điều gì để phá vỡ nền tảng của mối quan hệ và làm tan nát trái tim bạn.
Tôi biết nhiều người trong số các bạn đang cảm thấy nỗi đau đó ngay trong ngày hôm nay. Là một người tư vấn chuyên nghiệp, tôi nhìn thấy nhiều cặp vợ chồng với những mức độ đổ vỡ khác nhau. Không chỉ vậy, vì đã kết hôn, tôi biết đời sống hôn nhân đôi khi có thể rất là thách thức. Xung quanh chúng ta, có những người đang tổn thương cố gắng hết sức để nhặt những mảnh vỡ kỳ vọng đã bị đập tan, họ cảm thấy hoàn toàn đơn độc.
Dù rằng mỗi cặp vợ chồng có những nhu cầu riêng biệt khác nhau, nhưng ba điều tôi luôn trình bày khi gặp gỡ một cặp vợ chồng trong quá trình tư vấn:
1. Bước đầu tiên để chữa lành là nhìn vào bên trong. Bất kể người này người kia đã làm gì trên con đường tan vỡ, bước đầu tiên để hàn gắn là luôn hướng nội. Xu hướng đổ lỗi cho nhau và bảo vệ bản thân có thể là một yếu tố cản trở rất lớn đối với việc chữa lành vì đó là một thái độ coi thường trách nhiệm hơn là chịu trách nhiệm. Những cặp đôi thực hiện nghiêm túc bước này tạo điều kiện cho sự thay đổi thực sự và lâu dài.
Nếu bạn liên tục nhìn đến những khiếm khuyết của đối phương và không bao giờ dành thời gian để thừa nhận vai trò của bạn trong mối quan hệ – thì rất có thể sự thay đổi mà bạn đang tìm kiếm sẽ không bao giờ đến hoàn toàn.
2. Quá khứ của bạn liên quan nhiều đến hiện tại hơn bạn nghĩ. Đây là sự thật sâu sắc nhất mà tôi đã chứng kiến trong suốt sự nghiệp của mình. Nhiều vết thương và nỗi đau trong hiện tại của chúng ta là những thứ không bắt đầu trong cuộc hôn nhân mà chỉ đơn giản là những hình mẫu lặp đi lặp lại. Những điều bạn thấy mình phải vật lộn mạnh mẽ nhất trong cuộc hôn nhân rất có thể là những điều bạn đã phải vật lộn ở thời điểm nào đó khác trong cuộc sống – cảm giác bị bỏ rơi, bất an hoặc các vấn đề kiểm soát. Tức giận, ghen tị, hoặc khả năng để nói không.
Những vết thương của hiện tại có thể có gốc rễ từ quá khứ của chúng ta – nhưng chúng ta vẫn phải chạm trán với nó trong bối cảnh hôn nhân. Và tin mừng là Chúa có thể SỬ DỤNG hôn nhân của chúng ta để mang lại sự chữa lành bằng cách thực hiện những điều này trong cuộc sống và trong trái tim của chúng ta. Những thách thức lớn nhất có thể được biến đổi thành sức mạnh lớn nhất của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận chúng, rồi dâng chúng cho Ngài. Ngài biết điều gì làm tổn thương trái tim chúng ta – nhưng hơn thế nữa – Ngài biết điều gì sẽ chữa lành chúng ta.
3. Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Hết lần này đến lần khác trong Kinh Thánh, chúng ta được kêu gọi để tha thứ. Cách duy nhất để giải thoát khỏi những tổn thương trong cuộc sống của chúng ta là không cho phép chúng kìm giữ chúng ta. Nhưng điểm mấu chốt là sự tha thứ không là cho lợi ích của người khác, sự tha thứ là cho lợi ích của BẠN vì nó giải phóng bạn khỏi sự trói buộc của tổn thương và nỗi đau của chính bạn. Sự tha thứ cho phép chúng ta buông bỏ và tiến vào việc chữa lành – phó thác cho Chúa những vết thương lớn nhất trong đời. Chúng ta được kêu gọi để rộng rãi với nhau, và không mãi bám chặt vào những thứ giận dữ và cay đắng. Đó là sự tha thứ đích thực – bởi vì nó phản ánh trái tim của Chúa Giêsu, và đó là điều chúng ta cần áp dụng trong hôn nhân của mình mỗi ngày.
Nhưng tha thứ không đồng nghĩa với quên.
Có lúc và có nơi để quên, nhưng có lúc và có nơi để nhớ – bởi vì ghi nhớ sẽ cho phép chúng ta làm những việc khác nhau. Đối với người phụ nữ mà lòng tin của họ đã bị đổ vỡ hết lần này đến lần khác bởi một người chồng liên tục phản bội mình. Đối với người đàn ông đang ở cuối sợi dây thừng vì cơn giận dữ đang bùng phát gây nguy hiểm từ vợ anh ta. Đối với những khuôn mẫu và thói quen có vấn đề đang bắt đầu ăn sâu vào mối quan hệ của chúng ta: tha thứ không có nghĩa là lãng quên.
Chúng ta có thể tha thứ, nhưng rồi sự khôn ngoan kêu gọi chúng ta hãy làm khác đi. Sự chữa lành thực sự đòi hỏi một cái gì đó phải thay đổi- và sự thay đổi đó sẽ luôn đưa chúng ta đến việc nhìn lại chính bản thân mình. Điều quan trọng là bạn phải thừa nhận vai trò và phản ứng của mình trong các loại tương tác này và sau đó thực hiện các bước cần thiết để thay đổi vì suy cho cùng – chúng ta sẽ dạy mọi người cách họ có thể và không thể đối xử với chúng ta.
Chuyện gì xảy ra với Sherry và Mark? Ồ, đó là một câu chuyện tràn đầy hy vọng. Từng chút một, mỗi người bắt đầu chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của chính mình – thay vì đổ lỗi cho sự đổ vỡ của người kia. Và họ bắt đầu hàn gắn cuộc hôn nhân của mình từ trong ra ngoài. Đó là một việc rắc rối, khó khăn và chắc chắn nó không xảy ra trong một sớm một chiều. Bởi vì việc chữa lành thực sự không phải là một hành động làm một lần là xong, nó là một quá trình.
Có rất nhiều yếu tố góp phần vào việc hàn gắn và thay đổi trong hôn nhân và các mối quan hệ của chúng ta – xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để bắt đầu thay đổi những điều chúng ta có thể và học tin tưởng vào Ngài cho những điều chúng ta không thể kiểm soát.
Chuyển ngữ từ Can a Broken Marriage Be Healed?
Leave a Reply