Quan điểm của chúng ta về tình dục có tác động đến sự hiểu biết của chúng ta về hôn nhân, gia đình, trẻ em và xã hội. Ví dụ, Jennifer Fulwiler là người cải đạo sang Công giáo, nhưng nhiều năm sau khi cải đạo, cô vẫn ủng hộ phá thai. Tại sao? Câu trả lời của cô mang đến một cái nhìn sâu sắc vô giá về cách suy nghĩ của nhiều người bạn thế tục của chúng ta.
Fulwiler giải thích rằng thái độ của cô được hình thành bởi quan điểm thế tục về tình dục. Cô nói, tài liệu được sử dụng trong các khóa học giáo dục giới tính hầu như chỉ hướng đến các câu hỏi về kỹ thuật – “cách thực hiện” tình dục và các biện pháp tránh thai. Hiếm có tài liệu nào đề cập những từ như tình yêu, hôn nhân, gia đình, hay con cái. “Thông điệp mà tôi nghe được rõ ràng là mục đích của tình dục là để vui thoả và gắn kết, rằng tiềm năng tạo ra sự sống của nó chỉ là thứ yếu, đến nỗi gần như bị lãng quên hoàn toàn.”86
Sau vài năm tại trường công lập giáo dục giới tính, Fulwiler giải thích: “Tôi nghĩ việc mang thai ngoài ý muốn giống như bị sét đánh khi đang đi trên phố: điều gì đó hoàn toàn không thể đoán trước, không đáng có.” Cô coi việc phá thai là một cách nhân đạo để bảo vệ phụ nữ khỏi một thảm họa tự nhiên. “Tôi không muốn phụ nữ phải chịu đựng những lần mang thai ngoài ý muốn, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ…. Trẻ em đã trở thành kẻ thù vì chúng xuất hiện bất ngờ và hủy hoại mọi thứ.”
Trẻ em trở thành kẻ thù. Cũng giống như trong chiến tranh, xã hội có xu hướng phi nhân tính hóa kẻ thù để biện minh cho việc giết họ.
Ngay cả những tài liệu do Kitô hữu viết cũng có xu hướng coi nhẹ mối liên hệ giữa tình dục và trẻ em. Sau khi cải đạo, Fulwiler và chồng đã xem một loạt video về hôn nhân do một nhóm Kitô hữu thực hiện. “Trong phân đoạn có tên Tình dục tốt’, họ không hề nhắc đến trẻ em hay em bé một lần nào. Trong tất cả các cuộc nói chuyện về sự gắn kết, xoa lưng, sự thân mật và giữ gìn vóc dáng, điểm gần nhất mà họ tiến đến việc kết nối tình dục với việc tạo ra sự sống là nói ngắn gọn rằng các cặp đôi nên thảo luận về chủ đề tránh thai. Tình dục và khái niệm phát sinh sự sống bị tách lìa nhau.”87
Trong một nền văn hóa cho rằng chúng ta có quyền được hưởng thụ khoái cảm tình dục, trong khi lại phủ nhận chức năng sinh học của nó, nhiều người sẽ coi trẻ em như kẻ thù – xâm phạm vào nơi chúng không được chào đón hoặc không mong muốn. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề phá thai một cách hiệu quả trừ khi chúng ta đề cập đến quan điểm thế tục về tình dục. Fulwiler nhận xét, “Một xã hội chỉ có thể tôn trọng sự sống con người chỉ khi nó tôn trọng hành vi phát sinh sự sống con người.”88
G. K. Chesterton đã từng viết: “Tình dục là bản năng tạo ra một thể chế…. Thể chế đó chính là gia đình; một quốc gia nhỏ hoặc một cộng đồng chung”, bao gồm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, trách nhiệm xã hội, nuôi dạy con cái, giáo dục, giải trí, thực hành tôn giáo chung, và từ thiện với người ngoài…. Chesterton nói thêm rằng bạn có thể hình dung gia đình như một ngôi nhà: “Tình dục là cánh cổng của ngôi nhà đó. Nhưng ngôi nhà lớn hơn cánh cổng rất nhiều. Thực sự có một số người thích quanh quẩn ở cổng và không bao giờ tiến xa hơn nữa.”89 Nhưng hầu hết chúng ta đều cho rằng việc chỉ quanh quẩn ở cổng là rất thiển cận.
Kitô giáo có tầm nhìn xa: Nó đưa ra một góc nhìn toàn diện, đa chiều về tình dục như cánh cổng dẫn đến nhiều tầng ý nghĩa khác của cuộc sống.
86. Jennifer Fulwiler, “How I Became Pro-Life,” January 28, 2008, http://jenniferfulwiler.com/2008/01/how-i-became-pro-life/.
87. Ibid.
88. Jennifer Fulwiler, Something Other Than God (San Francisco: Ignatius, 2014), 210.
89. G. K. Chesterton, G. K.’s Weekly, January 29, 1928.
Leave a Reply