“Bí mật Fatima thứ ba” bị chìm trong bí ẩn suốt tám mươi ba năm. Vào năm 2000, trong thánh lễ phong chân phước cho hai thị nhân trẻ tuổi được Mẹ Maria hiện ra (là hai em Francesco và Jacinta), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cuối cùng cũng đã công bố bí mật này. Năm 1917, ba trẻ đã thấy một thị kiến về một “giám mục mặc đồ trắng” bị tấn công và sát hại bởi tên và đạn.
Sáu mươi bốn năm sau, trong lúc đang đi ngang qua đám đông ở quảng trường thánh Phêrô, một “giám mục mặc đồ trắng” quả thật đã bị một tay sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ali Agca bắn… vào dịp lễ tưởng nhớ Đức Mẹ Fatima, ngày 13 tháng 5 năm 1981. Tạ ơn Chúa, trong khi vị giám mục trong thị kiến bị sát hại, ĐGH Gioan Phaolô II đã sống sót cách thần kỳ. Nhiều năm sau đó, ngài hồi tưởng lại rằng: “Agca rất biết cách bắn súng, và phát súng của anh ta chắc chắn là để hạ gục mục tiêu. Nhưng, tôi cảm thấy dường như có ai đó đã làm chệch hướng đường đạn”. ĐGH Gioan Phaolô II tin rằng, “ai đó” chính là Đức Mẹ Fatima. “Liệu tôi có thể quên được sự kiện diễn ra ở quảng trường thánh Phêrô, vào đúng ngày và giờ mà lần hiện ra đầu tiên của Mẹ Chúa Kitô… được tưởng nhớ… tại Fatima, Bồ Đào Nha hay chăng? Tất cả mọi sự xảy đến với tôi ngày hôm ấy, tôi cảm nhận được sự bảo bọc che chở diệu kì của một người mẹ, điều đó còn mạnh mẽ hơn cả đường đạn chết người kia”.38
Sự kiện ĐGH Gioan Phaolô II bị bắn vào ngày lễ tưởng nhớ Đức Mẹ Fatima thì ai ai cũng biết. Nhưng ít ai nhận ra là Đức Thánh Cha có kế hoạch thông báo về việc thành lập một học viện về Hôn nhân và Gia đình vào buổi chiều định mệnh ấy. Ngài muốn dùng học viện ấy như một công cụ chính yếu để phổ biến Thần học về thân xác cho toàn thế giới. Có phải có thế lực nào đó không muốn giáo huấn của ngài được loan truyền hay không? (Thật ra, cho tới ngày 13 tháng 5 năm 1981, ĐGH Gioan Phaolô II mới đi được khoảng một nửa chặng đường trong tổng số 129 bài nói chuyện về Thần học thân xác của ngài. Và nếu hôm đó ngài không qua khỏi, hẳn là toàn bộ giáo huấn đã không được trình bày). Và liệu rằng, qua việc cứu mạng Đức Thánh Cha, Đức Mẹ Fatima có muốn cho nhân loại thấy tầm quan trọng của việc phổ biến giáo huấn của ngài hay chăng?
Hơn một năm sau đó, ĐGH Gioan Phaolô II chính thức thành lập Học viện của ngài (trong đó tôi tự hào là một cử nhân). Vào ngày đó, ngày 7 tháng 10 năm 1982 – lễ Đức Mẹ Mân Côi, và không phải là một sự trùng hợp – ĐGH Gioan Phaolô II trao phó Học viện Giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình vào bàn tay săn sóc chở che của Đức Mẹ Fatima. Bằng cách đó, ngài đã tự mình nối dây liên kết giữa việc ngài thoát chết một cách lạ lùng, và tầm quan trọng của Thần học về thân xác. Một vài năm sau, ngài viết: “Chính bởi vì gia đình bị đe doạ, gia đình đang bị tấn công, cho nên Giáo hoàng cũng phải bị tấn công. Giáo hoàng phải chịu đau khổ, để cho thế giới có thể thấy có một tin mừng cao trọng hơn, là tin mừng về sự đau khổ, nhờ đó mà tương lai, là thiên niên kỷ thứ ba về gia đình này, được chuẩn bị kĩ càng”.39
Nếu thiên niên kỷ thứ ba là “thiên niên kỷ về gia đình”, thì quả thật chúng ta đã không có một khởi đầu tốt đẹp, và đó chỉ là nói giảm nói tránh. Vào đầu những năm 1980, sơ Lucia đã viết cho cha Carlo Caffarra (sau này ngài là Hồng y), lúc đó đang là chủ tịch của Học viện Giáo hoàng nói trên, rằng: “Thưa Cha, sẽ đến thời trận chiến cuối cùng giữa vương quốc của Chúa Kitô và vương quốc Satan là về hôn nhân và gia đình”. Tuy nhiên, sơ cũng trấn an rằng không có gì phải sợ vì “Đức Mẹ đã đạp đầu con rắn”.40 Vào tháng 5 năm 2017, chỉ vài tháng trước khi qua đời, Đức Hồng y Caffarra nói rằng: “Điều mà sơ Lucia viết cho tôi giờ đây đang thành hiện thực”.41
39 ĐGH Gioan Phaolô II, Huấn dụ trước Kinh Truyền tin, ngày 29 tháng năm năm 1994 (Cám ơn anh Jason Evert đã nêu ra điểm này cho tôi).
40 Xem chú thích số 3.
41 Như trên.
Leave a Reply