Nhà văn khoa học viễn tưởng Philip K. Dick rất được kính trọng vì nhiều truyện ngắn đã được chuyển thành phim, bao gồm “Tội phạm nhân bản /Blade Runner”, “Bản báo cáo cuối cùng/Minority Report” và “Truy tìm ký ức /Total Recall”. Nhưng một câu chuyện đã khiến ông phải hứng chịu sự chỉ trích và tranh cãi gay gắt của công chúng.
Nó có tựa đề là “Những Người Chưa Phải Nhân Vị (The Pre-Persons).”1
Dick sáng tác câu chuyện không lâu sau phán quyết Roe v. Wade của Tòa án Tối cao, và mục đích của ông là làm nổi bật sự khó khăn trong việc xác định nhân vị. Như chúng ta đã thấy trong chương 2, một khi khái niệm nhân vị bị tách ra khỏi sinh học, thì không có cách khách quan nào để vạch ra ranh giới—không có điểm nào mà chúng ta có thể nói một cách hợp lý, “Trước thời điểm này, nó chỉ là con người (chưa có quyền sống), nhưng sau lúc này, nó đã được biến đổi một cách kỳ diệu thành một nhân vị (có quyền sống).”
Trong tiểu thuyết hóa của Dick, độ tuổi mà một đứa trẻ có thể bị phá thai hợp pháp tại Mỹ đã không ngừng được nâng lên. Đầu tiên, việc phá thai chỉ được hợp pháp trong những tháng đầu của thai kỳ. Rồi là những tháng sau đó. Rồi những người vận động hành lang phá thai lập luận rằng ngay cả trẻ sơ sinh cũng chỉ là những bào thai bị trục xuất ra ngoài.
“Cuối cùng thì ranh giới được vạch ở đâu?” một nhân vật trong truyện suy nghĩ. “Khi đứa bé cười nụ cười đầu tiên? Khi nó nói chữ đầu tiên hoặc lần đầu tiên nó chạm vào một món đồ chơi mà nó thích?”
Các nhà lập pháp liên tục di chuyển ranh giới từ điểm dừng tùy tiện này sang điểm dừng tiếp theo, cho đến khi cuối cùng họ quyết định được độ tuổi phù hợp. . . mười hai tuổi. Độ tuổi mà ta có thể làm toán đại số. Đó là khi ta có đủ năng lực nhận thức để trở thành một nhân vị. “Trước đó, nó chỉ là thân thể sinh học, với bản năng và thân thể của động vật, phản xạ và phản ứng của động vật trước các kích thích. Giống như những con chó của Pavlov.”
Trước tuổi mười hai, trẻ em chưa phải nhân vị có quyền sống, và có thể bị giết vì bất kỳ lý do gì. Nếu cha mẹ quyết định không muốn con mình nữa, họ sẽ gọi đến trung tâm phá thai địa phương. Trung tâm sẽ cử một chiếc xe tải đến đón đứa trẻ, giống như một kẻ bắt chó, và đưa nó đi an tử. Thủ tục này được gọi là phá thai sau khi sinh. Chiếc xe tải thậm chí còn được trang bị tiếng leng keng của xe bán cà rem Good Humor, chơi các bài hát của trường mẫu giáo. Chúng ta hãy đọc vài dòng đầu tiên của câu chuyện:
Vượt qua rừng cây bách. . . Walter nhìn thấy chiếc xe tải màu trắng và biết nó là gì. Anh nghĩ, Đó là chiếc xe phá thai. Đến để đưa một đứa trẻ sau khi đã sinh ra tới nơi phá thai.
Và anh nghĩ, “Có lẽ bố mẹ tôi gọi xe ấy. Cho tôi.”
Anh chạy trốn giữa bụi dâu đen, cảm thấy gai đâm vào nhưng anh nghĩ, Còn hơn là bị hút hết không khí ra khỏi phổi. Đó là cách họ làm. . . . Họ có một căn phòng lớn để thực hiện thủ thuật đó.
Dành cho những đứa trẻ không ai muốn.2
Vấn đề là khi khái niệm nhân vị bị tách rời khỏi sinh học, nó trở nên độc đoán, không có tiêu chí khách quan. Cuối cùng, định nghĩa về một nhân vị sẽ được thực thi bởi bất kỳ nhóm nào có nhiều quyền lực nhất, sử dụng các phương pháp quyền lực của nhà nước. Nếu thai nhi không phải là nhân vị, những đứa trẻ đã được sinh ra thì sao? Và người khuyết tật? Những người mắc bệnh nan y? Người bị bệnh tâm thần? Người già?
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị coi là không đủ tiêu chí. Nhân vật chính trong câu chuyện phản ánh: “Điều đau buồn nhất bây giờ là cảnh tượng đứa trẻ nhỏ ngày ngày dũng cảm chơi đùa trong sân; nó cố hy vọng, và giả vờ về sự an toàn mà nó thực sự không có.”3 Một khi thân phận con người không đủ để đảm bảo quyền lợi, tất cả chúng ta đều giống như những đứa trẻ nhỏ đó, giả vờ có được sự an toàn mà không ai trong chúng ta có.
Khi Kitô hữu tranh luận về các vấn đề đạo đức, họ không tìm cách áp đặt giá trị của mình lên người khác như họ thường bị buộc tội. Họ không tìm kiếm quyền lực và sự kiểm soát cho chính mình. Trái lại, họ đang nỗ lực bảo vệ nhân quyền theo những cách có lợi cho tất cả mọi người. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy thuyết nhân vị, lần đầu tiên được áp dụng cho việc phá thai, hiện đang được áp dụng cho một loạt các vấn đề khác, từ an tử đến việc bán mô bào thai, từ nghiên cứu tế bào gốc đến quyền động vật, từ kỹ thuật di truyền đến thuyết ưu sinh. Thuyết nhân vị là khái niệm gây ra mối đe dọa đối với phẩm giá sự sống con người ngày nay.
1. Phillip K. Dick, “The Pre-Persons,” available online at Pro Life New Zealand, December 29, 2012, http://prolife.org.nz/the-pre-persons-phillip-k-dick/.
2. Ibid.
Leave a Reply