Jeremy rất muốn tiếp tục cuộc trò chuyện với Cha JP. Từ lần họ gặp nhau trước đây, anh cảm thấy khắc khoải và không thể quên được nhiều câu hỏi nảy sinh trong đầu anh… và một số khao khát trong tâm can mà không thể giải thích được. Một tuần sau, Jeremy cuối cùng cũng nhờ Sam sắp xếp để cả ba có thể gặp nhau và tiếp tục cuộc đối thoại.
Jeremy: Cha JP, xét từ lần gặp mặt cuối cùng của chúng ta, tôi biết cha có thể thấy khó tin – nhưng tôi thực sự cảm thấy rằng đồng tính luyến ái là một phần của con người tôi nên tôi có lẽ đã được sinh ra như vậy. Tôi không nhớ mình có lúc nào đó đã không cảm thấy như vậy. Tôi thực sự cảm thấy đây luôn là danh tính của tôi và tôi không thể làm gì được để thay đổi nó.
Cha JP: Jeremy, tôi tin anh. Tôi có thể nhận ra nơi anh nó là một thứ gì đó có cội rễ rất sâu xa, gần như chạm tới cốt lõi con người anh. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học vẫn chưa tìm thấy bất kỳ thành phần di truyền nào không thể chối cãi gây nên đồng tính. Nhưng điều tôi muốn anh lưu ý đến là có thể thu hút đồng giới của anh không có nguồn gốc sinh học, mặc dù anh cảm thấy nó có rễ khá sâu.
Anh nói anh không thể nhớ nếu có lúc nào đó anh không có cảm giác mình không là người đồng tính. Nhưng ký ức của anh có thể quay lại đến bao xa và không chỉ là ký ức về xu hướng đồng tính? Điều đầu tiên anh có thể nhớ lại là gì?
Jeremy: Để xem… Tôi nghĩ điều sớm nhất tôi có thể nhớ được là… khi bố tôi la mắng tôi cách tồi tệ vì tôi ăn trộm thứ gì đó của hàng xóm… Tôi không nhớ đó là gì nhưng tôi nhớ rằng bố tôi đã mắng tôi rất tệ. Ông ấy khá là tức giận.
Cha JP: Lúc đó anh bao nhiêu tuổi?
Jeremy: Chắc có lẽ là… khoảng năm tuổi.
Sam: Đó cũng là điểm sớm nhất mà tôi có thể nhớ sự gì đó về thời thơ ấu của mình.
Cha JP: Vậy thì có thể anh đã phát triển sự thu hút đồng giới trong năm năm đầu đời anh.
Jeremy: À, điều đó có thể xảy ra, nhưng nếu tôi không nhớ, làm sao tôi có thể cho rằng tôi lúc đó khác với tôi của ngày hôm nay?
Bản dạng đồng tính nam
Cha JP: Chúng ta hãy nhìn vào quá khứ của anh, chú ý đến những việc mà có thể đã ảnh hưởng đến danh tính của anh trong năm năm đầu tiên. Anh thử nghĩ bản dạng đồng tính của anh được dựa trên điều gì?
Jeremy: Danh tính đồng tính của tôi được dựa trên những cảm xúc mà tôi nhớ được từ rất sớm. Trước hết, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị thu hút bởi các cô gái, tôi không xem tạp chí Playboy như anh trai tôi. Thay vào đó, tôi đã luôn cảm thấy bị thu hút bởi đàn ông như một thỏi nam châm. Tôi thậm chí có thể nói nó không chỉ là thứ thu hút tình dục. Cảm giác đó là tôi nghĩ chỉ người đàn ông mới làm cho tôi cảm thấy trọn vẹn và hạnh phúc. Tôi thật chưa bao giờ cảm thấy một cô gái là sự gì khác mà chỉ là một người bạn, một người chị em. Không là người mà sẽ làm tôi được tràn đầy hoặc hoàn tất tôi.
Tôi không thể tưởng tượng là có sự gì sai trái trong những cảm giác này. Chẳng lẽ Chúa không muốn tôi được hạnh phúc sao?
Cha JP: Tất nhiên Chúa muốn anh hạnh phúc, Jeremy. Nhưng chúng ta có nên chỉ dựa trên cảm xúc để xác định danh tính của mình không? Chẳng phải danh tính chúng ta thì sâu đậm hơn sao?
Jeremy: Nó không chỉ là cảm giác, cha JP; đơn giản tôi biết tôi là người đồng tính. Ngay từ khi còn là một cậu bé, tôi đã biết mình “khác biệt”, là tôi có một bản sắc khác với những cậu bé khác – khác với anh trai tôi – thường là những chàng trai “thô bạo và thích vật lộn”, những người cuồng nhiệt trong thể thao, những điều này đã xác định danh tính của họ. Tôi nhút nhát và không thoải mái với lối sống thô bạo của họ và ít quan tâm đến thể thao.
Cha JP: Có nhiều cậu bé nhút nhát. Có rất nhiều chàng trai không đam mê thể thao. Tuy nhiên, họ không dùng sự nhút nhát làm danh tính của mình. Ngay cả những vận động viên giỏi – nếu họ có bản dạng lành mạnh – họ cũng xác định danh tính của họ ở một điều gì đó hơn là thành tích của họ trên sân thể thao.
Jeremy: Nhưng họ là họ và tôi là tôi. Điều này ảnh hưởng đến cách tôi tương tác, hoặc không tương tác với người khác. Tôi có sở thích khác với họ và điều này bắt đầu từ rất sớm. Khi còn nhỏ, tôi thường lén chơi búp bê hoặc mặc quần áo và trang điểm của mẹ. Tôi chỉ thích tưởng tượng cảm giác trở thành một người phụ nữ trưởng thành sẽ như thế nào. Tôi nhớ mình thực sự thích điều đó, mặc dù tôi cảm thấy phải giấu kín điều đó.
Trong khi anh trai tôi đi chơi thể thao và bị bầm tím, trầy xước thì tôi ở nhà đọc sách. Tôi đắm chìm vào những cuốn sách này để không phải nghĩ về những ham muốn ẩn kín trong tôi – hy vọng một ngày nào đó tôi có thể trở nên bình thường như những chàng trai khác – nhưng lại thấy đồng cảm với các nhân vật nữ trong sách và bắt đầu mơ mộng…
Ở trường trung học, tôi phát hiện ra mình có năng khiếu diễn xuất và tìm thấy niềm an ủi lớn lao từ điều đó. Tôi giỏi về mặt đó. Nó giúp tôi vượt qua sự nhút nhát của mình.
Cha JP: Cha mẹ anh có đến xem những buổi biểu diễn của anh không?
Jeremy: Mẹ tôi luôn có mặt nhưng bố tôi bận rộn và không bao giờ có thời gian , mặc dù ông luôn dành thời gian cho các sự kiện thể thao của anh trai tôi.
Cha JP: Nhưng không điều nào trong những điều này xác định anh là người đồng tính luyến ái. Đây là lịch sử riêng biệt của anh, tài năng và thế giới nội tâm cụ thể của anh. Điều này không xác định anh như là một con người riêng biệt.
Sam: Cha JP, nhưng đây chắc chắn là những yếu tố quan trọng trong tính cách của anh ấy. Có bao nhiêu người đàn ông mơ ước trở thành phụ nữ và dùng đồ trang điểm và quần áo của mẹ họ mà cha biết đến? Đó không phải là điều mà hầu hết các cậu bé làm.
Jeremy: Điều làm rõ danh tính đồng tính của tôi là việc tôi yêu Rick vào năm lớp 10. Chúng tôi bị cuốn hút bởi nhau như nam châm.
Lúc đầu, tôi muốn giữ bí mật mối quan hệ của chúng tôi. Tôi thậm chí còn đến gặp linh mục để xưng về những suy nghĩ và tưởng tượng không trong sạch của mình – không bao giờ đề cập đến bản chất đồng tính của chúng. Điều này không quá khó vì tôi đã xưng về tội thủ dâm của mình … tôi thật ngu ngốc và ngây thơ biết bao, hah!
Cha JP: Nếu anh đang chiến đấu, thì anh đã làm Chúa hài lòng với những nổ lực đó.
Jeremy: Chẳng bao lâu những nổ lực đó biến mất hết. Rick và tôi bắt đầu quan hệ tình dục với nhau. Tôi cảm thấy cảm giác đó đúng, nhưng rồi cảm giác tội lỗi ập đến vì tôi biết Chúa và Giáo hội không chấp thuận việc tôi làm nên tôi đành phải đi xưng tội. Đó là lần xưng tội khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện.
Tôi xưng là đã có quan hệ tình dục nhưng linh mục hỏi: “Có phải với bạn gái của anh không?”
“Không,” tôi đáp.
“Có phải là với bạn trai của bạn không?” ông ấy hỏi. Lần thứ hai trong đời tôi cảm thấy hoàn toàn trần trụi và lộ liễu.
“Dạ đúng”, tôi trả lời một cách yếu ớt.
Rồi một cuộc đối thoại lạ lùng kỳ lạ nhất xảy ra sau đó: “Anh có cảm thấy xấu hổ về những gì mình đã làm không?”, vị linh mục hỏi.
“Vâng… à không… ý con là, con không biết, thưa cha.”
“À, có lẽ đó là cách Chúa đã tạo ra anh,” ông ấy trấn an tôi. Nhưng tôi bị sốc và lúng túng. Tôi không biết nghĩ gì về việc này. Tôi biết những gì tôi đã làm là sai trái theo lời dạy của Kinh thánh và giáo lý Công giáo. Tại sao ông linh mục đó lại nói như vậy?
Đó là lần cuối cùng tôi xưng tội.
Cha JP: Điều đó làm tôi buồn lòng. Cha ấy đã nói sai sự thật và làm tổn thương ơn gọi linh mục của mình.
Jeremy: Điều trớ trêu là ông ấy đã bị thải khỏi chức linh mục khi chính ông bị bắt quả tang trong một quan hệ đồng giới.
Cha JP: Chúng ta hãy cầu nguyện cho cha và cho tất cả các thừa tác viên của Chúa đang phải chiến đấu để trung thành với ơn gọi của mình. Một lần nữa, Jeremy, tôi xin lỗi vì anh đã không nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ anh đáng được nhận vào thời điểm quan trọng trong cuộc đời. Rõ ràng, vị linh mục đó không thể cho anh những gì anh thực sự cần bởi vì lời khuyên đó cũng sẽ thách thức cuộc sống hai mặt của chính vị linh mục ấy.
Jeremy: Cha JP, Mặc dù cha có thể không nghĩ vậy, nhưng thực tế là điều đó đã giúp đỡ tôi. Nó mở cửa cho tôi thấy khả năng là có lẽ Chúa đã tạo ra tôi như vậy.
Sam: Anh có nói với ai khác về việc của anh với Rick không?
Jeremy: Tôi không cần phải làm thế. Một ngày nọ, tôi đang nói chuyện với một người bạn rất thân của tôi, Salleen. Cô ấy đang kể cho tôi nghe về một chàng trai mà cô ấy rất yêu mến nhưng anh ấy đã có bạn gái. Cuối tuần đó Salleen đã tham dự một bữa tiệc mà anh chàng này không có bạn gái của mình đi theo, và cô ấy kể cho tôi nghe việc cô ấy và anh chàng này biến mất khỏi bữa tiệc và bắt đầu “làm tình”. Tất cả những điều này khiến cô ấy rất hạnh phúc, nhưng chuyện đó được biết đến và bạn gái cũ của anh ấy giờ đang nổi cơn thịnh nộ.
Đang trong tình thế khó xử của chính mình, cô ấy bỗng nhiên hỏi tôi, “Jeremy, anh là người đồng tính phải không?” Dù tôi không nói gì nhưng cô ấy cũng biết. “Không sao đâu. Tôi ủng hộ anh một trăm phần trăm. Đừng sợ để là chính mình”. Tôi cố giả vờ như thể tôi không biết cô ấy đang nói về điều gì, nhưng cuối cùng cô ấy khiến tôi phải thừa nhận điều đó.
Tất nhiên, bí mật đã bị bật mí và mọi người đều biết. Nhưng thay vì cảm thấy xấu hổ, tôi cảm thấy được giải thoát, tôi và Rick có thể cởi mở về tình yêu của mình. Kể từ đó trở đi, tôi biết rõ ràng danh tính của tôi là đồng tính và điều đó sẽ không thay đổi. Mọi người đã chấp nhận chúng tôi.
Cha JP: Vậy, anh có thấy danh tính của anh có gốc rễ vào việc anh bị thu hút bởi đàn ông không?
Jeremy: Vâng, đó là đặc điểm xác định tôi là ai và đó là nơi mà tôi sẽ tìm thấy sự gần gũi làm toại nguyện lòng tôi.
Cha JP: Nhưng, Jeremy, có vẻ như danh tính của anh không liên quan nhiều đến việc bị thu hút bởi đàn ông mà liên quan đến việc được thỏa mãn về mặt cảm xúc khi đàn ông bị thu hút bởi anh, những người đàn ông – hoặc một người đàn ông – mong ước được ở bên anh.
Jeremy: Giải thích theo kiểu đó … thật đúng. Cha nói rất đúng.
Sam: Điều đó làm tôi nhớ đến một số cô gái mà tôi biết luôn thích là trọng tâm của sự chú ý. Danh tính của họ, toàn bộ ý thức về tầm quan trọng và giá trị của họ, đến từ việc họ có khả năng lôi kéo đàn ông rời xa những cô gái khác, thậm chí xa cả bạn gái hoặc vợ của các chàng trai…
Danh tính dựa trên thành tích hoặc khả năng
Cha JP: Nhưng một danh tính như vậy – danh tính dựa trên sự bị thu hút hay có sức thu hút người khác – là một danh tính rất mong manh. Điều gì sẽ xảy ra nếu sức hút đó trở nên yếu đi và biến mất, chẳng lẽ danh tính của anh cũng sẽ biến mất sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu anh bị thu hút bởi một chàng trai nào đó và sau đó sự thu hút bị phai nhạt đi hoặc anh ấy không còn quan tâm đến anh nữa; danh tính của bạn cũng sẽ suy yếu sao? Hoặc nếu anh đột nhiên bị thu hút bởi một chàng trai khác thì sao?
Sam: Đó không phải là lý do tại sao những người đồng tính muốn kết hôn, để mang lại sự lâu dài cho bản sắc của họ sao?
Jeremy: Vâng, vâng… đó là điều chúng tôi muốn, một mối quan hệ lâu dài.
Cha JP: Những người đồng tính không phải là những người duy nhất có xu hướng đặt căn tính và giá trị bản thân của mình dựa trên sự bị thu hút về mặt cảm xúc hoặc có khả năng thu hút người khác, một số phụ nữ “thẳng” cũng vậy, đặc biệt là những phụ nữ trẻ, những người dành nhiều nỗ lực đáng kinh ngạc để tìm kiếm cái đẹp, tìm kiếm ngoại hình của một hình mẫu lý tưởng. Cũng có những người đàn ông tập thể hình, suy cho cùng, họ tôn thờ bản thân và cơ thể của họ. Nhưng con người thật thì không phải thế.
Những người khác căn cứ vào danh tính và giá trị bản thân của họ dựa trên thành tích, chẳng hạn như hành vi tốt – trở thành một cậu bé “ngoan” – hoặc thành công trong thể thao hoặc thành công ở trường. Những người khác cảm thấy cần phải đáp ứng những kỳ vọng của cha mẹ, giáo viên hoặc bạn bè. Nhưng danh tính và ý thức về giá trị dựa trên những nền tảng như vậy thì rất mong manh, bởi vì ngay khi một người mất khả năng thành công hoặc thu hút, hoặc ai đó thành công hơn hoặc có lực thu hút hơn, thì danh tính và giá trị người đó sẽ bị đe dọa.
Sam: Chẳng hạn như khi người ta già đi, mập ra và màu tóc trở nên xám.
Cha JP: Đúng vậy, hoặc nếu người ấy bị mất việc hoặc nghỉ hưu không còn làm việc nữa.
Tệ hơn nữa là khi một người có bản sắc tiêu cực và giá trị bản thân được rút từ việc bị lạm dụng tình dục. Trong những trường hợp như vậy, một người có thể đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy không xứng đáng với bất cứ điều gì tốt hơn và có thể tự nhận mình là đối tượng để làm người khác hài lòng. Khi một người nhìn thấy mình qua lăng kính này, người ấy dễ dàng để mình bị sử dụng như một phương tiện để đạt được mục đích, như một phương tiện cho sự hài lòng của người khác, và những điểm yếu của người ấy sẽ bị khai thác. Nhưng khi người bị bóc lột không còn “hữu ích” cho người sử dụng nữa, người đó sẽ bị loại bỏ và mọi ý thức về giá trị cũng như bản sắc đều vỡ nát.
Vì vậy, danh tính và ý thức tích cực hay tiêu cực về giá trị bản thân có thể dễ dàng bị bóp méo khi nó phụ thuộc vào ngoại hình, xu hướng tình dục hoặc hoàn cảnh bị lạm dụng tình dục của một người, bởi vì danh tính đó sẽ là danh tính dựa trên thành tích (bị coi như một vật dụng).
Sam: Cha JP, làm thế nào để biết nếu tôi gầy dựng danh tính mình dựa trên thành tích này?
Cha JP: Có nhiều cách. Một cách để nhận biết là tự hỏi người ấy có cảm thấy bị áp lực phải làm mọi việc một cách hoàn hảo hay không. Chủ nghĩa hoàn hảo là một dấu hiệu cho thấy người ta phải có thành tích để có giá trị hoặc đáng giá.
Một dấu hiệu khác là cảm giác choáng ngợp. Thông thường trường hợp này xảy ra là do chúng ta đang cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người cùng một lúc: cha mẹ, bạn bè, anh chị em, sếp, giáo viên, mục sư ở nhà thờ, v.v. Nếu chúng ta không đạt kết quả như họ mong muốn thì danh tính của chúng ta sẽ bị chất vấn; nó được dựa trên việc làm hài lòng người khác bằng thành tích của chúng ta.
Chúng ta thấy điều này có thể dẫn đến đủ loại chứng điên cuồng: mong muốn sự hoàn hảo từ người khác, lo lắng, bất an, thiếu quyết đoán, sợ thất bại, chán nản sau thất bại, bận tâm với thành công, không có khả năng ủy quyền, rối loạn ăn uống, tập luyện thể hình quá mức, phẫu thuật thẩm mỹ, luôn lo lắng về sự bất toàn, hành vi phản xã hội, v.v. Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy chúng ta đặt ý thức về giá trị của mình vào thành tích.
Jeremy: Nhưng đây có phải là nền tảng thực sự của bản dạng đồng tính không?
Cha JP: Nếu bản dạng cá nhân và ý thức về giá trị bản thân của một người được dựa trên sự hấp dẫn tính dục, hoặc vào cảm giác dễ chịu khi được một người khác cùng giới “yêu” hoặc cho là có sức thu hút, hoặc vào hoạt động tình dục, thì một danh tính như vậy sẽ dựa trên khả năng, trên thành tích, dựa trên việc trở thành một vật dụng cho người khác.
Bản dạng dựa trên mối quan hệ
Sam: Vậy chúng ta tìm thấy bản sắc con người thật của mình ở đâu?
Cha JP: Là con người, danh tính của chúng ta không dựa trên những gì chúng ta làm, những gì chúng ta đã làm, hoặc những gì chúng ta có, mà dựa trên những mối quan hệ của chúng ta. Đây là nguồn gốc của giá trị thực sự và tầm quan trọng của chúng ta.
Hãy nghĩ đến một đứa trẻ sơ sinh: Một đứa trẻ sơ sinh có giá trị gì không?
Sam: Tất nhiên là có rồi.
Cha JP: Nhưng giá trị của bé có phải là dựa trên số tiền bé kiếm được, hay trên những thành tích của bé, hay trên những thứ công việc nhà mà bé có thể làm?
Jeremy: Không, JP. Một đứa trẻ sơ sinh không kiếm được gì cả, ngoại trừ một khoản khấu trừ thuế nhỏ. Số tiền đó không thể so sánh được với chi phí mà cha mẹ đứa bé đó phải bỏ ra.
Cha JP: Tuy nhiên, cha mẹ không coi đứa trẻ là gánh nặng hay trách nhiệm mà một món quà lớn lao cho họ và cho gia đình. Tại sao lại như vậy?
Sam: Chỉ đơn giản là vì nó là con của họ.
Cha JP: Chính xác! Vì đứa trẻ là con trai, con gái của họ, là người em ruột của anh chị của bé; là đứa cháu trai hoặc cháu gái, anh em họ, v.v. của rất nhiều người. Nói cách khác, đứa trẻ được sinh ra trong một mạng lưới chắc nịch của những mối quan hệ mang lại cho đứa trẻ đó danh tính và giá trị độc nhất.
Nếu chúng ta xem xét mối quan hệ của đứa trẻ với Thiên Chúa, thì phẩm giá và giá trị của bé mang một tính chất vô hạn: bé được Đấng Toàn Năng yêu thương! Một người đồng tính được yêu thương vì lợi ích của chính người ấy chứ không là xu hướng đồng tính của họ.
Sam: Nhưng không phải hầu hết chúng ta đều xác định bản thân và nhận thức được giá trị bản thân dựa trên công việc chúng ta làm và thành tích của chúng ta sao?
Cha JP: Điều đó quan trọng đối với nam giới—cũng như đối với nhiều phụ nữ ngày nay—nhưng nó cũng tạo ra một bản sắc mong manh, dựa trên thành tích và có thể bị dao động theo thành tích đó. Tuy nhiên, cách nhân bản hơn để xác định danh tính của bản thân là thông qua các mối quan hệ (ví dụ: “Tôi là con trai của Jack và Marylu… hoặc cô là giáo viên của Sue, chị tôi…”). Nếu chúng ta có những mối quan hệ tốt và ổn định thì chúng ta có một danh tính tốt, ổn định.
Khi ý thức về giá trị bản thân của một người dựa trên việc được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn cho lợi ích của cá nhân, không phụ thuộc vào sự chấp nhận của cha mẹ hoặc bạn bè thì danh tính đó được coi là chân thực và an toàn. Sau đó, nếu danh tính của chúng ta được hình thành đúng cách, nó sẽ tồn tại và ổn định dù phải trải qua thời gian bệnh tật, việc có khuyết tật, mất việc làm hoặc những trở ngại khác.
Sam: Vậy việc bị bạn gái hoặc bạn trai bỏ rơi trong trường hợp của Jeremy thì sao?
Cha JP: Chúng ta có thể duy trì một căn tính ổn định ngay cả với những thất bại như thế này. Bản sắc của chúng ta không chỉ dựa trên một mối quan hệ.
Tất nhiên, mạng lưới mối quan hệ của chúng ta càng ổn định thì bản sắc và ý thức về giá trị bản thân của chúng ta sẽ càng ổn định. Đó là lý do tại sao người ta nên cố gắng có nhiều bạn bè và cải thiện mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em, đại gia đình, v.v. Một người rộng lượng và hay giúp đỡ người khác sẽ có một bản sắc cá nhân tốt; một người ích kỷ, chỉ biết đến mình sẽ có bản dạng rất bất ổn vì có ít mối quan hệ.
Bản dạng đồng tính, hay bản dạng người mẫu thời trang, thì cực kỳ mong manh, bởi vì nó không bắt nguồn từ các mối quan hệ mà bắt nguồn từ khả năng biểu diễn và thu hút tình dục. Nó có xu hướng chỉ chú trọng nhu cầu bản thân, làm giảm đi bản sắc quan hệ của một người.
Sam: Vậy gia đình có quan trọng đối với danh tính của một người không?
Cha JP: Người ta hình thành những mối quan hệ đầu tiên trong gia đình. Và thông qua những mối quan hệ này, người ta phát triển ý thức đúng đắn về nam tính hay nữ tính. Từ đó, người đó rời bỏ gia đình mình để hình thành những mối quan hệ khác, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của chính mình. Mỗi mối quan hệ cho phép một người mở rộng danh tính mà người đó nhận được từ gia đình.
Sam: Và đó là lý do tại sao năm năm đầu tiên rất quan trọng đối với một người, phải không cha?
Cha JP: Đúng vậy, nó hình thành trong chúng ta những yếu tố then chốt về con người chúng ta và cho chúng ta ý thức về giá trị bản thân. Rất nhiều điều xảy ra trong những năm đầu đó.
Các nhà tâm lý học trẻ em cho chúng ta biết rằng các bé gái bắt đầu coi mình là nữ trong khoảng từ 15 đến 20 tháng; các bé trai coi mình là nam từ 18 đến 24 tháng tuổi. Từ ba đến năm tuổi, trẻ học các kỹ năng xã hội cơ bản, cả với bạn bè cũng như với người lớn. Nhiều yếu tố về vai trò của giới tính và các mối quan hệ liên quan đến giới tính được học trong giai đoạn này.
Jeremy: Nhưng không ai trong chúng tôi có thể nhớ được xa được như vậy. Làm sao tôi có thể biết liệu điều này có thể ảnh hưởng đến danh tính đồng tính của tôi hay không?
Cha JP: Có thể anh không biết vì trí nhớ có giới hạn, nhưng có lẽ những người khác, chẳng hạn như cha mẹ anh, có thể cho anh biết về phản ứng của anh về những sự kiện khác nhau trong quá khứ và tiết lộ những manh mối về cá tính của anh trước năm tuổi. Hầu hết các bậc cha mẹ sẽ nói họ có thể thấy những yếu tố chính trong tính cách, nhân cách và ý thức về bản sắc của đứa con họ, những thứ mà đã được hình thành cách rõ ràng rồi trong năm năm đầu đời của đứa trẻ đó.
Sự hình thành của bản dạng
Sam: Làm thế nào một đứa trẻ mang lấy bản dạng đồng tính?
Cha JP: Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó có rất ít hoặc không có ý thức gì về bản sắc cá nhân. Nhưng khi lớn lên và trưởng thành, người bắt đầu khám phá ra mình là ai và vai trò của mình trong gia đình và sau đó là trong thế giới. Khi lớn lên với những mối quan hệ không tốt, dù là với cha mẹ, anh chị em hay bạn bè cùng trang lứa, người ấy có thể tập trung vào những điều làm hài lòng người khác và do đó hình thành ý thức về bản sắc dựa trên hoạt động và hành vi: một cậu bé “tốt” hay “xấu”, lực lưỡng, chăm học, chơi piano giỏi, v.v.
Sam: Tôi nghĩ điều đó xảy đến với tất cả chúng ta. Điều đó chắc chắn đã xảy ra với tôi và tôi lớn lên trong một gia đình tốt.
Cha JP: Bởi vì chúng ta sống trong một nền văn hóa và xã hội có quan niệm thành tích là điều rất quan trọng, nên nghề nghiệp, khả năng và thành công của chúng ta, đôi khi cả thất bại nữa, đóng vai trò quan trọng hơn mức nó đáng lẽ là trong việc hình thành danh tính của chúng ta. Mặc dù phụ nữ có xu hướng xác định bản thân qua các mối quan hệ của họ hơn, nhưng ngày nay họ cũng chịu rất nhiều áp lực về thành tích cũng như xác định và đánh giá bản thân bằng những thành công trần tục – điều này mô tả chủ nghĩa nữ quyền thế tục.
Sam: Đúng vậy, con nhớ cha đã nói với Margie và con về điều này.
Cha JP: Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi gia đình có những mối quan hệ không lành mạnh. Ví dụ: giả sử một cậu bé lớn lên trong một gia đình có bố là người nghiện rượu. Nếu bố tỉnh táo, cậu bé cảm thấy an toàn, ngay cả khi cậu có những hành vì không thích đáng do còn non nớt. Tuy nhiên, nếu người cha say rượu và xa cách người con trai, ngay cả khi ông làm mọi việc đúng đắn, đứa con trai cảm thấy không được yêu thương và không là đáng yêu. Bố thậm chí có thể khó chịu và tức giận với cậu bé không vì lý do rõ ràng nào cả, điều này chỉ khẳng định lại cảm giác “tôi không đáng được yêu thương” của bé. Cậu bé muốn yêu và được bố yêu nhưng lại sợ bố và không cảm thấy an toàn trước hình thức hiện diện của nam tính này.
Danh tính của cậu bé không ổn định vì mối quan hệ của cậu với cha mình không ổn định. Vì vậy, như một cơ chế bảo vệ – để tạo cho mình một danh tính ổn định, an toàn hơn – cậu ấy tránh xa cha mình.
Sam: Việc không có mối quan hệ này có định nghĩa một bé trai là đồng tính không?
Cha JP: Sam, đây không hẳn là “không có mối quan hệ” mà là một lỗ hổng trong tương quan hoặc một vết thương không được lấp đầy bởi mối quan hệ cha con bình thường. Những lỗ hổng trong mối quan hệ tương tự có thể phát triển trong những gia đình có đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc bạo lực.
Sam: Nhưng lỗ hổng trong mối quan hệ này ảnh hưởng đến danh tính đồng tính của Jeremy cách nào? Có vẻ như cha đang nói rằng danh tính của anh ấy dựa trên sự hấp dẫn tình dục hoặc khả năng tình dục của anh ấy. Phải chăng danh tính đồng tính của anh ấy là kết quả của việc cố gắng lấp đầy khoảng trống trong mối quan hệ đó bằng mối quan hệ tình dục với đàn ông?
Cha JP: Tôi không chắc chắn, vì mỗi người là duy nhất và phát triển căn tính của mình theo một cách riêng.
Jeremy: Phải, tôi là duy nhất, nhưng tôi là người đồng tính… Tôi luôn là người đồng tính. Đơn giản đó chính là con người tôi.
Cha JP: Ồ, ít nhất anh đã cảm thấy như vậy từ khi năm tuổi trở lên; anh đã tự nhận mình là khác biệt với anh trai và với những chàng trai khác.
Jeremy: Có gì là khác biệt đâu?
Cha JP: Chúng ta hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra trước khi anh lên năm tuổi. Tôi sẽ xem xét dựa trên kinh nghiệm của những người có xu hướng đồng tính, mặc dù trải nghiệm của họ chắc chắn sẽ khác với trải nghiệm của anh.
Ngay trong những năm đầu đời đó, một đứa trẻ có thể hình thành khoảng cách hoặc sự trống rỗng trong mối quan hệ với cha mình, có lẽ vì bé sợ phản ứng gay gắt của người cha nghiện rượu đối với mình. Bé tránh xa những phản ứng khó lường của cha bằng việc xa cách về mặt tình cảm với cha mình.
Tuy nhiên, bé thấy những cậu bé khác có mối quan hệ tình cảm với cha của họ; bé thấy cách cha của những cậu bé khác yêu thương họ một cách trìu mến và vô điều kiện, những người cha đó tự hào về con trai mình như thế nào. Có lẽ cậu ấy thấy cha mình tự hào về người anh trai là vận động viên như thế nào, nhưng không thể hiểu để kết nói với bé, người có khiếu nghệ thuật hơn – vì vậy cậu ấy khác với những cậu bé khác, với anh trai mình. Cậu bé mang vết thương lòng về người cha đó, khao khát những gì những cậu bé khác có, nhưng nhận thấy rằng cậu khác với họ – ngay trong năm năm đầu tiên – vì cậu không được cha yêu thương như họ.
Sam: Nhưng một cậu bé không có ham muốn tình dục với bố của mình, cha JP?
Cha JP: Không, Sam, bé không có nó. Một bé trai thường không có bất kỳ ham muốn tình dục nào. Điều đó thường không xảy ra cho đến tuổi dậy thì. Nhưng một cậu bé có thể cảm nhận được rằng mình khác biệt ngay cả trước khi lên năm tuổi.
Jeremy: Tại sao một cậu bé lại cảm thấy khác biệt như vậy ở độ tuổi trẻ như vậy nếu không phải do sinh học?
Cha JP: Một người bắt đầu hình thành căn tính của mình bằng cách nhận thức mình là duy nhất và đặc biệt, điều khiến anh ta khác biệt với những người đồng trang lứa. Lúc đầu, ý thức về bản sắc và sự độc đáo của một người dựa trên mối quan hệ của người đó với gia đình – bố và mẹ tôi khác với bố mẹ của bạn. Nếu một người có những mối quan hệ không ổn định hoặc có những lỗ hổng trong mối quan hệ, thì người đó có thể cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách dựa trên sự độc đáo và đặc biệt của mình để giỏi hơn trong một hoạt động nhất định, chẳng hạn như ở một vị trí trong bóng đá, hoặc xuất sắc trong môn toán hoặc khoa học.
Mặt khác, một chàng trai trẻ có thể bắt đầu cảm thấy mình duy nhất và khác biệt, không được bạn bè cùng trang lứa chấp nhận vì không hòa nhập. Có lẽ anh ta nhận thấy rằng mình kết nối với các bé trai, bé gái và người lớn, khác với các bạn cùng lứa tuổi. Họ thậm chí có thể chế giễu và đặt ra những danh hiệu cho anh ta.
Sam: Nhưng làm thế nào điều đó lại trở thành sự hấp dẫn tình dục đồng giới?
Cha JP: Tuổi dậy thì mang theo với nó nỗi khao khát để có được một mối quan hệ mật thiết hơn ngoài gia đình, thường gắn liền với sự hấp dẫn tình dục và những ham muốn và cảm giác nhục dục. Vậy nên không có gì lạ khi những sự hấp dẫn, tưởng tượng và trải nghiệm tình dục ban đầu như vậy, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách một chàng trai cảm nhận bản thân trong mối quan hệ với người khác và với thế giới bên ngoài. Cảm xúc tình dục mạnh mẽ đến mức nhận thức về bản thân này kết tinh và đóng băng bản sắc của một người trong quá trình này.
Thường thì một người như vậy bắt đầu tập trung vào sự khác biệt giữa anh ta và những người cùng lứa tuổi để làm rõ danh tính của anh ta. Đôi khi anh ấy có thể trở nên quan tâm đến những khác biệt này đến mức nó gần như trở thành nỗi ám ảnh. Cuối cùng, khi anh ấy ngày càng bộc lộ cho nhiều người biết về danh tính bí mật của mình – bước ra khỏi tủ – anh ấy có thể cảm thấy rất nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi gánh nặng phải giữ tất cả những bí mật này, thậm chí bắt đầu tự hào về “người mà anh ấy là”.
Jeremy: Nhưng chẳng phải đây là cách mà hầu hết mọi người nhận thức và xác định bản thân sao?
Cha JP: Sam, anh có tự nhận mình là người dị tính nam không? Anh có bao giờ tự giới thiệu mình là “Tên tôi là Sam. Tôi là một người đàn ông dị tính”? Hoặc, “Tôi là Sam. Tôi chỉ bị thu hút bởi những cô gái tóc nâu”? Hoặc, “Tôi là một thành viên câu lạc bộ thoát y, đó là danh tính của tôi”?
Sam: Không. Điều đó không chỉ là nực cười, nó còn gây khó chịu cho người khác.
Jeremy: Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta trở nên khó chịu với danh tính của người khác, ngay cả khi họ tự nhận bản dạng mình theo cách này, đúng không? Nếu một số cá nhân muốn tự nhận mình là nam dị tính hoặc sử dụng nhãn hiệu “gay /đồng tính nam” hoặc “lesbian / đồng tính nữ”, tại sao chúng ta không cho phép họ?
Cha JP: Jeremy, câu hỏi đặt ra là: đó có phải là danh tính thực sự của họ không? Nếu một đứa trẻ tự nhận mình là “kẻ thua cuộc”, “kẻ ngốc nghếch” hay “trai hư”, liệu chúng ta có nên cho phép trẻ sử dụng nhãn hiệu đó để mô tả về mình không? Chúng ta có nên để danh tính đó đính vào đứa trẻ không?
Sam: Không. Cha JP, ở đây cha nói đúng Ngay cả con cũng đã thấy những nhãn hiệu như vậy cứ bám chặt vào đầu một số người và họ không bao giờ quên được nó. Con nghĩ nhiều người thích bị gắn mác “kẻ thua cuộc” để họ không cần phải nỗ lực để “thắng”.
Cha JP: Nhưng hãy nghĩ xem: làm sao một người có được những nhãn hiệu đó? Chẳng phải chuyện đó xảy ra khi những chàng trai khác bắt đầu chê bai người đó và gọi tên anh ta một cách ác ý sao? Chẳng phải điều đó cũng xảy ra khi có lẽ cha mẹ hoặc giáo viên gán cho một thanh niên một cái mác tiêu cực vì anh ta hoặc cô ta thất vọng về anh ta sao?
Tuy nhiên, có biết bao nhiêu người đồng tính nam đã trải qua điều này khi còn trẻ? Điều này lẽ ra không nên xảy ra và chúng ta không nên cho phép nó tiếp tục.
Jeremy: Đúng vậy, tôi bị những đứa trẻ khác ở trường gọi là “gay” và “đồng dâm”. Ôi, tôi ghét điều đó làm sao. Nhưng tôi đã cố gắng học cách diễn xuất -và tôi là một diễn viên giỏi – đến mức không ai biết tôi có xu hướng này.
Sam: Không ai ngoại trừ Salleen, bạn gái của anh, người đã vạch trần anh ở trường trung học.
Jeremy: Nhưng rồi không có ai chế nhạo tôi cả. Tôi chỉ biết mình khác biệt và khi tôi nhận ra là điều đó không là vấn đề và con người thật của tôi đã được chấp nhận thì những nhãn mác đó không còn làm phiền tôi nữa. Bây giờ tôi tự hào là “gay”.
Cha JP: Chúng ta phải trao cho mỗi người sự tự do để thực sự là chính mình và không để người đó bị giam cầm bởi những nhãn hiệu. Khi còn học tiểu học, Jeremy, anh đã đấu tranh với những nhãn hiệu bên ngoài bằng việc hành sự theo cách mà không ai biết những gì anh đang trải nghiệm bên trong mình.
Tuy nhiên, tự do đích thực là ở nội tâm. Nó đòi hỏi phải đấu tranh để trở thành một con người trọn vẹn, bằng cách chọn lấp đầy những lỗ hổng và vết thương trong mối quan hệ bằng những mối quan hệ lành mạnh.
Jeremy: Nhưng nếu tôi hạnh phúc khi là người đồng tính, thì có gì sai khi chấp nhận cái mác và sống theo những gì mọi người biết tôi là ai?
Cha JP: Điều mà anh có thể không hiểu là cảm giác tôi khác biệt có thể trở thành một khía cạnh sâu xa và rất cơ bản của danh tính khi sự thôi thúc tình dục xuất hiện.
Thông thường, trải nghiệm tình dục nhằm mục đích kết hợp mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ trong hôn nhân, sao cho bản dạng cảm xúc của họ tập trung vào mối quan hệ này và vào mối quan hệ mà họ hình thành qua việc hạ sinh con cái, nhờ vào sự kết hợp thân xác của họ.
Nhưng khi một người trẻ vẫn chưa đạt đến trình độ nhận thức: “Tôi là ai và tôi là gì? Tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Danh tính của tôi là gì?” và cũng là lúc người ấy bắt đầu trải qua những hấp dẫn cảm xúc mạnh mẽ, khao khát một mối quan hệ với một người đàn ông hay một người phụ nữ. Khi đó, trải nghiệm tình dục mãnh liệt có thể khắc sâu vào tâm linh của người đó bản sắc “đồng tính nam” hoặc “đồng tính nữ”. Trải nghiệm này cũng có thể khắc sâu vào cùng một tâm hồn đó cảm giác khác biệt, tạo nên bản sắc, ý thức về giá trị bản thân và lòng tự trọng dựa trên hành vi đồng tính luyến ái.
Jeremy: Nhưng thật tuyệt vời khi được bao quanh bởi những người nói với bạn rằng đây là danh tính của bạn, điều đó ổn, và đối với tôi đó không phải là điều đáng xấu hổ… Tôi sẽ ở đâu nếu không có nhóm những người đồng tính nam, đồng tính, lưỡng tính và những người chuyển giới trong trường. Hãy tưởng tượng bạn bị quấy rối mà không có nhóm hỗ trợ như thế.
Cha JP: Về nguyên tắc, các nhóm và chương trình hỗ trợ như vậy nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối những người có sự hấp dẫn đồng giới là điều tốt. Nhưng thật không may, nhiều người trong họ còn làm nhiều hơn thế. Họ thường khuyến khích người khác xây dựng danh tính cá nhân của mình dựa trên sự hấp dẫn và trải nghiệm tình dục. Họ nói nếu cảm thấy tốt thì cứ làm theo. Họ đẩy mạnh lối sống đồng tính luyến ái, gọi đó là điều tốt đẹp và chính đáng, đồng thời họ tìm cách thuyết phục mọi người đặt đồng tính luyến ái ngang bằng với bất kỳ mối quan hệ nào khác.
Nhưng tác hại tồi tệ nhất mà chúng gây ra là khiến những người có bản sắc yếu đuối, dựa trên khả năng và thành tích càng khó phát triển các mối quan hệ tốt đẹp mà họ cần, để có được bản sắc con người thực sự.
Bản dạng nam tính đích thực
Sam: Cha đã cho chúng con ý tưởng về việc một cậu bé có thể phát triển bản dạng đồng tính luyến ái như thế nào, nhưng làm thế nào một cậu bé bình thường lại phát triển được cảm giác mình là nam chứ không phải nữ?
Cha JP: Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nó có thể giúp chúng ta hiểu những người có sự hấp dẫn đồng giới và giúp họ bù đắp những gì họ có thể đã thiếu khi lớn lên.
Chìa khóa trong sự phát triển bản dạng nam tính của cậu bé là mối quan hệ với cha mình. Một cậu bé xem cha mình là người bé phải vâng lời, một người có thẩm quyền nhưng cũng là người cung cấp và là nguồn cung cấp thực phẩm, dinh dưỡng, an ninh, và nhiều hơn nữa. Bé ấy cũng nên cảm thấy cha mình là người yêu thương bé vô điều kiện, điều này thường được thể hiện qua việc bố của bé muốn chơi và dành thời gian cho em, đặc biệt là khi bố đi làm về. Tình yêu vô điều kiện này còn được thể hiện ở sự tha thứ mà người cha dành cho đứa con sau khi nó phạm lỗi hoặc không vâng lời.
Jeremy: Vậy thì mối quan hệ của một cậu bé với mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong danh tính của cậu ấy?
Cha JP: Chắc chắn là có vai trò quan trọng, nhưng trong liên quan với mối quan hệ giữa người mẹ và cha anh ấy.
Ví dụ, một cậu bé thấy mẹ yêu bố mình. Mẹ yêu con trai dường như là điều tự nhiên về mặt cảm xúc đối với bé, tức là điều gì đó mang lại cho mẹ sự thỏa mãn về mặt cảm xúc. Trong khi đó, tình yêu của mẹ dành cho bố thì lại vị tha hơn, hy sinh những mong muốn của bản thân để làm hài lòng bố. Vì vậy, một chàng trai muốn được yêu thương như thế.
Ngoài ra, cậu bé còn thấy mình là kết quả của sự trao tặng bản thân cho nhau của bố và mẹ; nếu cha mẹ bé có mối quan hệ an toàn thì bé cảm thấy an toàn về danh tính của mình. Ngoài ra, một cậu bé còn nhìn thấy bố yêu mẹ như thế nào, hy sinh bản thân vì mẹ, làm việc để đáp ứng nhu cầu của mẹ và nhu cầu của những đứa trẻ mà mẹ nói cho bố biết.
Cậu bé cũng thấy cách bố phục vụ mẹ bằng những công việc khác nhau mà ông làm quanh nhà, những công việc mà mẹ có thể cảm thấy không đủ khả năng làm, hoặc phù hợp với tài năng của bố hơn. Có lẽ bố làm việc ngoài sân – cắt cỏ, làm cỏ, v.v. – hoặc sửa ống nước và sửa chữa, hoặc sửa xe, v.v. Cậu bé thấy bố làm hài lòng mẹ biết bao khi làm những việc này và mong muốn cũng sẽ là như vậy.
Jeremy: Người mẹ có thể làm gì để ngăn cản con trai phát triển bản dạng đàn ông tốt không?
Cha JP: Một người mẹ lành mạnh sẽ nhận ra và khuyến khích nam tính của con trai mình, ngay cả khi đứa con có tính tình nhạy cảm hơn. Đôi khi một người mẹ có thể cảm thấy muốn tâm sự những vấn đề trong cuộc sống và trong mối quan hệ với một đứa trẻ nhạy cảm hoặc một đứa trẻ nói nhiều, đặc biệt nếu cha của đứa trẻ không sẵn lòng dành tình cảm cho người mẹ. Một người mẹ như vậy có thể biến mối quan hệ mẹ con đúng nghĩa, thành một kiểu quan hệ con gái nói chuyện với con gái với người con trai mình, do đó cản trở sự phát triển của bản sắc nam tính thực sự.
Sam: Nhưng đây có phải là những mối quan hệ cần thiết duy nhất cho bản sắc nam giới khỏe mạnh?
Cha JP: Không, tất nhiên là không. Một cậu bé học được rất nhiều điều và cũng phát triển bản sắc của mình từ các mối quan hệ khác nữa. Chẳng hạn như mối quan hệ với ông bà của mình. Cậu tương tác với họ và phát triển mối quan hệ với họ thông qua cha mẹ của mình, đồng thời học từ cha mẹ mình cách tương tác với bà ngoại khác với ông nội.
Cậu bé cũng phát triển danh tính của mình thông qua mối quan hệ với những người anh chị em cậu yêu thương và được yêu thương vô điều kiện. Điều này không phải lúc nào cũng tự động xảy ra, nhưng người mẹ và người cha nỗ lực xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa những đứa con của họ.
Chẳng hạn, một người cha khuyến khích người con trai lớn làm gương tốt cho các em nhỏ, dạy chúng biết vâng lời, đối xử với các anh chị em của mình – đặc biệt là các chị em gái – bằng sự dịu dàng và nhân hậu. Có lẽ ông sẽ chỉ cho người con ấy cách chơi thích đáng với các em của mình, cho những đứa em này thấy rằng chúng rất quan trọng đối với anh vì chúng cũng là hiện thân của tình yêu giữa bố và mẹ.
Khi em trai hoặc em gái bắt đầu đi học, người cha giao việc chăm sóc và bảo vệ chúng cho con trai lớn (hoặc con gái lớn), mong rằng đứa con lớn ấy sẽ bảo vệ em mình khỏi bị bắt nạt hoặc tìm kéo em lại nếu em đi vào những nơi nguy hiểm trên đường phố. Nhờ đó, một cậu bé học được tình yêu hy sinh; anh ta học cách sống sao cho phản ánh được mối quan hệ của anh với những người khác trong gia đình.
Jeremy: Nhưng nếu cậu ấy là em trai cần được bảo vệ, hoặc thậm chí là con út trong gia đình thì sao?
Cha JP: Cậu ấy vẫn học được một điều quan trọng, đó là anh chị em của cậu yêu thương cậu vô điều kiện. Cậu cũng mong muốn nhận được sự tôn trọng từ anh trai mình. Có lẽ cậu học cách trở thành một “anh trai” đối với những đứa trẻ khác ở trường không có một người anh trai như vậy, để bảo vệ chúng khỏi bị ngược đãi hoặc gặp phải nguy hiểm.
Jeremy: Tất cả những điều này dường như đang nói tôi có một bản sắc nam giới không lành mạnh. Điều đó có nghĩa là cha đang nói rằng tôi không lành mạnh, có thứ bệnh nào đó, JP.
Cha JP: Bản sắc “đồng tính” và ý thức về giá trị bản thân của anh tập trung vào khả năng và thành tích, và là khả năng về tình dục. Tôi sẽ nói thứ danh tính đó thật mong manh và không có khả năng được làm toại nguyện, vì khoái cảm tình dục sẽ không bao giờ lấp đầy những khao khát thực sự của trái tim con người.
Jeremy: Nhưng nếu đồng tính không phải là một căn bệnh thì không có gì để phải chữa lành.
Sam: JP, tại sao chúng ta không thể chấp nhận con người thật của những người này? Tại sao chúng ta cần cố gắng thay đổi họ?
Cha JP: Sam, chúng ta không nên gán cho những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là “những người này”, như thể họ tách biệt khỏi phần còn lại của chúng ta. Chúng ta cần chấp nhận mọi người như chính con người họ, như những người được Thiên Chúa yêu thương từ cõi đời đời.
Đây không phải là về chữa lành hay thay đổi bất kỳ ai mà là yêu thương họ đủ để tìm kiếm hạnh phúc thực sự cho họ.
Có phải đó là lỗi của cha mẹ?
Jeremy: Tôi rất yêu thương bố mẹ và anh trai tôi. Tuy nhiên, tất cả những điều này dường như ngụ ý rằng cha mẹ tôi có lỗi. Tôi không hiểu làm sao tôi có thể đổ lỗi cho họ về danh tính đồng tính của tôi.
Cha JP: Anh không nên trách họ. Hầu hết các bậc cha mẹ không tìm cách biến con mình thành đồng tính, họ cũng không thường chọn những mối quan hệ không tốt lành với đứa trẻ đó. Bản thân các bậc cha mẹ thường hoạt động từ bản sắc và ý thức về giá trị mà họ là người thừa kế, và với các kỹ năng về quan hệ và cách tương tác với người khác mà họ học được khi lớn lên. Nếu bố của bố anh là người lạnh lùng và xa cách thì có thể bố anh cũng mắc phải khuyết điểm tương tự trong kỹ năng giao tiếp. Ông không quyết định là ông sẽ có những mối quan hệ tồi tệ và kỹ năng quan hệ khi lớn lên.
Jeremy: Vậy thì ông đang đổ lỗi cho họ, cha JP, vì ông đang chỉ tay vào họ.
Cha JP: Chúng ta sẽ không đổ lỗi cho cha mẹ của anh nếu anh trai của anh sinh ra với khuyết tật di truyền, đúng không? Cha của anh có trách nhiệm về những gen mà ông ấy đã truyền cho anh ấy không?
Jeremy: Không, tất nhiên là không. Nhưng bố tôi phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đúng không?
Cha JP: Ông ấy có trách nhiệm nếu ông nhận thức được và có kiểm soát trên những đặc điểm về tính cách của mình. Ví dụ, thông thường, một người không nhận thức được mình là người lạnh lùng và xa cách. Và ngay cả khi người ấy nhận thức được, anh ta thường không biết một đứa trẻ cụ thể sẽ phản ứng thế nào với đặc điểm đó; có lẽ anh ấy nghĩ rằng đứa trẻ đang đương đầu với nó như khi anh ấy trong tuổi đang lớn.
Cho nên chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ về tình trạng đồng tính của con cái họ, mặc dù nền văn hóa có đổ lỗi cho cha mẹ, cũng như nó có xu hướng đổ lỗi cho cha mẹ về những đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh: nhiều người trong xã hội chúng ta nói rằng lẽ ra cha mẹ nên phá thai loại bỏ những đứa trẻ như vậy thay vì tạo thêm gánh nặng hỗ trợ những đứa trẻ này cho xã hội. Nếu chúng ta phát hiện ra gen “đồng tính”, xã hội của chúng ta sẽ bắt đầu sàng lọc gen đó và thêm một lý do khác để loại bỏ một đứa trẻ.
Chúng ta hãy nhớ rằng con người tự căn có phẩm giá là những người được Thiên Chúa yêu thương. Không có ai tự bản chất của họ là xấu hay tội lỗi. Điều này kêu gọi những người còn lại trong chúng ta phải chấp nhận mỗi người và cha mẹ của họ bằng tình yêu thương, đồng thời cố gắng giúp họ sống một cuộc sống bình thường và hữu ích.
Sam: Nếu thực sự danh tính thực sự của mỗi người đều dựa trên các mối quan hệ, thì mạng lưới các mối quan hệ của một người là nguyên nhân tạo ra danh tính đồng tính luyến ái của một người. Cha mẹ không phải là người đáng trách vì những lời xác nhận hời hợt, hoặc thiếu vắng những phê chuẩn, những khẳng định cho đứa con trong những mối quan hệ đó sao?
Cha JP: Sam, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có khiếm khuyết nào đó trong một hoặc vài mối quan hệ gia đình. Nhưng tôi cũng chắc là bố mẹ của anh Jeremy muốn điều tốt nhất cho anh ấy. Họ đã cố gắng hết sức, nhưng danh tính của anh ấy thì được dựa trên các mối quan hệ anh ấy có với họ và thông qua họ, cũng như những mối quan hệ mà anh ấy đã tự mình phát triển. Gia đình có những khiếm khuyết trong các mối quan hệ chỉ là một phần tất yếu của con người sau khi Adam và Evà phạm tội.
Nói về sự sa ngã của Adam và Evà, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng:
[indent]Thiên Chúa muốn cho họ sự tốt lành trọn vẹn, hay hạnh phúc siêu nhiên, xuất phát từ việc chia sẻ sự sống của Ngài. Khi phạm tội, con người từ chối món quà này, đồng thời muốn trở thành “như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác” (St 3:5), nghĩa là, tự mình quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu, độc lập khỏi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình. … Tội lỗi làm rạn nứt sự hiệp nhất nguyên thủy mà con người đã được hưởng trong tình trạng công chính nguyên thủy: có sự kết hợp với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự hiệp nhất trong cái “tôi” của chính mình, trong mối quan hệ hỗ tương giữa người nam và người nữ (“communio Personarum”) cũng như đối với thế giới bên ngoài, đối với thiên nhiên. [/indent]
Nói cách khác, chúng ta không thể đổ lỗi cho Chúa về mối quan hệ bị làm sứt mẻ giữa A-đam và Evà với Ngài sau khi phạm tội. Chúng ta cũng không nên đổ lỗi chủ yếu cho Adam và Evà về những mối quan hệ tồi tệ đã hình thành nên bản sắc của chúng ta. Mỗi mối quan hệ phụ thuộc vào hai người có sự tự do và mối quan hệ đó bị ảnh hưởng bởi vô số hành động từ cả hai bên. Vì vậy, mỗi mối quan hệ được che phủ bởi một cảm giác bí ẩn sâu sắc, dựa trên cách mỗi người đối ứng với người kia và ngược lại.
Chúng ta sẽ có khả năng nắm quyền điều khiển danh tính của mình cách hữu hiệu nhất khi tìm cách để hiểu chúng ta đã hình thành danh tính của mình như thế nào, nhưng không tìm cách đổ lỗi. Đổ lỗi thường được sử dụng để trốn tránh trách nhiệm của bản thân.
Sam: Vậy thì chúng ta sẽ phải kết luận rằng bản sắc đồng tính, việc cảm thấy bản thân có giá trị và danh tính do sự hấp dẫn tình dục của một người, chỉ xảy ra nếu chúng ta có mối quan hệ không tốt với cha mẹ mình?
Cha JP: Không, điều đó cũng có thể xảy ra do chúng ta có những mối quan hệ xấu khác, chẳng hạn như nếu chúng ta có những mối quan hệ không tốt với anh chị em hoặc bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, một cá tính khiếm khuyết xảy ra bất cứ khi nào mạng lưới các mối quan hệ của một người không mang lại cho người đó cảm giác về giá trị và bản dạng. Điều đó có thể xảy ra nếu có những phê chuẩn hời hợt và không đúng đắn từ những mối quan hệ đó. Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ai đó đã làm hoen ố mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè đồng trang lứa. Chẳng hạn như nếu một người chú lạm dụng một đứa trẻ và đe dọa đứa trẻ sẽ giết cha mẹ bé nếu bé nói cho bất cứ ai biết về việc này. Vì vậy, đứa trẻ không thể liên hệ với cha mẹ bằng cách giấu “bí mật” này với họ.
Có rất nhiều đa dạng trong các mối quan hệ của chúng ta và cách chúng ảnh hưởng đến việc chúng ta nhìn nhận bản thân. Những điểm yếu đó trong các mối quan hệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến một người có xu hướng đồng tính luyến ái sẽ là tùy theo mỗi người.
Jeremy: Có vẻ như ai cũng có khuyết điểm nào đó trong bản thân mình vì không có mối quan hệ nào là hoàn hảo. Điều đó có đúng không hay chỉ có người đồng tính mới có khiếm khuyết trong một số mối quan hệ gia đình của họ?
Sam: Tôi biết bố mẹ tôi không hoàn hảo. Tôi nghĩ tôi và chị gái tôi có một nhân cách khá tốt, mặc dù chúng tôi không hoàn hảo; chúng tôi cũng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện bản sắc của mình nữa.
Cha JP: Cả hai bạn đều đúng, không ai có một bản dạng hoàn hảo bởi vì mối quan hệ con người của chúng ta không bao giờ hoàn hảo, điều này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa.
Vì vậy, tất cả chúng ta cần nỗ lực cải thiện mối quan hệ của mình với người khác, với cha mẹ, các thành viên trong gia đình và bằng cách kết bạn với nhiều người bạn tốt.
Sam: Nghĩ về thời thơ ấu của tôi và một số điều cha đã kể cho Margie và tôi, tôi nghĩ một số sự kiện nhất định đã ảnh hưởng đến bố mẹ tôi và mối quan hệ của tôi với họ.
Ngay trước khi tôi được thụ thai, mẹ tôi đã sảy thai, thai đầu tiên. Tôi nghĩ vì lý do đó mà bà đã bảo vệ tôi quá mức và tìm kiếm sự an ủi về mặt tinh thần bằng cách đổ tràn sự quan tâm cho tôi. Bố tôi hơi lơ đãng một chút và đắm mình vào công việc. Tôi được chiều chuộng cho đến khi em gái tôi được sinh ra lúc tôi mười tuổi.
Tôi nghĩ rằng tôi đã tách lìa khỏi mẹ vào thời điểm đó – như bố tôi đã làm – và tìm kiếm danh tính của mình trong số các bạn bè và giáo viên. Đó là bản sắc khá dựa trên thành tích của một sinh viên thành công.
Jeremy: Nếu tôi nhớ không lầm, anh cũng khá thân thiện với phụ nữ Sam ạ.
Sam: Có lẽ nếu mối quan hệ của tôi với mẹ tốt hơn thì tôi đã không mắc phải sai lầm đó, Jeremy.
Cha JP: Hoặc có lẽ cha mẹ anh có mối quan hệ gần gũi hơn với nhau. Khó mà nói được. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ là chìa khóa cho bản dạng của anh.
Sam: Nói vậy thì có người nào phát triển xu hướng đồng tính luyến ái nếu cha mẹ người ấy làm mọi việc đều đúng đắn không?
Cha JP: Nếu cha mẹ của một người làm đúng mọi việc thì trẻ ấy sẽ khó phát triển xu hướng đồng tính hơn nhiều. Nhưng xu hướng đồng tính có thể xảy ra vì căn tính của đứa trẻ phụ thuộc vào những mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ với cha mẹ của trẻ. Ngoài ra, những trải nghiệm đau thương như lạm dụng tình dục có thể xảy ra mà cha mẹ không hề hay biết.
Nhưng có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác về việc nuôi dạy con cái khiến các bậc cha mẹ “tốt lành” thường mắc phải sai lầm trong cách đối xử với con cái. Hơn bao giờ hết, cha mẹ cần nhận thức được nhu cầu tình cảm của con mình và cách truyền thông xã hội, các thành viên trong gia đình, giáo viên, huấn luyện viên, bạn bè đồng trang lứa có thể ảnh hưởng đến danh tính mà con họ đang phát triển – đặc biệt khi đại gia đình không tham gia vào cuộc sống của con họ. Nhiều khi cha mẹ có thể nhận được sự giúp đỡ trong việc hình thành bản sắc của con cái họ từ giáo xứ và từ những gia đình có kinh nghiệm hơn.
Jeremy: JP, cha đã cho tôi những phương cách mới về nhìn vào danh tính của mình. Tôi biết danh tính của tôi thì được dựa trên thành tích, nhưng tôi không chắc lắm là bản dạng đồng tính của tôi lại phụ thuộc vào điều đó. Tôi hiểu trường hợp đó có thể xảy ra nếu tôi bị lạm dụng khi còn nhỏ, hoặc có một người cha nghiện rượu, nhưng trường hợp đó không xảy ra với tôi. Tôi chỉ không thể hiểu được mối quan hệ với cha mẹ mình là nguyên nhân khiến tôi trở thành con người tôi là. Tôi vẫn chắc chắn rằng mình đã có danh tính đồng tính khi tôi mới năm tuổi.
Cha JP: Tôi đề nghị anh nên khám phá thêm một chút về cách anh gắn bó với cha mẹ khi lớn lên, Jeremy. Xem coi liệu họ có cho anh biết anh đã phản ứng như thế nào trước những sự kiện nhất định nào đó và có thể bộc lộ là anh có thái độ rút lui để phòng thủ đối với cha hoặc anh trai mình hoặc với một người nào khác.
Jeremy: Tôi không thể làm điều đó, JP, bố mẹ tôi sẽ nghĩ là tôi đang cố đổ lỗi cho họ về việc tôi là người đồng tính.
Cha JP: Có lẽ anh có thể tìm gặp anh trai mình và hồi tưởng lại thời thơ ấu. Vì lớn tuổi hơn nên anh ấy có thể nhớ một số sự kiện đã xảy ra và giải thích rõ hơn về mối quan hệ thời thơ ấu của anh. Anh tìm hỏi xem anh ấy có nhớ cách anh đối xử với anh ấy, bạn bè hoặc bố mẹ anh không. Tìm cách hỏi han mà anh ấy không cảm thấy là anh đang chỉ ngón tay vào anh ấy, tôi nghĩ anh ấy sẽ kể cho anh nghe những gì anh ấy nhớ.
Sam: Con có thể làm gì để thanh lọc và chữa lành bản sắc của chính mình không, cha JP? Con chắc chắn là việc con rời xa mẹ ở tuổi thiếu niên chắc chắn đã ảnh hưởng đến bà cũng như mối quan hệ của con với bà và do đó là danh tính của con.
Cha JP: Chắc chắn rồi, Sam. Tìm cách để gần gũi với mẹ anh hơn. Anh có thể đến gặp mẹ mình và nói với bà anh đã nghĩ lại những năm tháng tuổi thiếu niên như thế nào và muốn xin lỗi vì đã tách lìa khỏi mối quan hệ với bà, có lẽ vì những cách anh thất vọng về bà. Hãy cho mẹ anh cơ hội thừa nhận trách nhiệm của mình khi làm anh thất vọng; sau đó hãy tìm cách chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của anh với bà. Tôi chắc chắn mẹ anh sẽ quý trọng điều đó.
Jeremy: Tôi không thể làm được tất cả những điều này. Cải thiện mối quan hệ của tôi với bố mẹ sẽ không thay đổi được bản dạng đồng tính của tôi. Nó sẽ không thay đổi mối quan hệ của tôi với Tommy. Tại sao chúng ta lại lãng phí toàn bộ năng lực cho thứ mà sẽ không thay đổi?
Cha JP: Một điều nữa tôi muốn thách thức anh, Jeremy, trước khi chúng ta chia tay là điều này: hãy suy nghĩ về những mối quan hệ anh có trong cuộc sống. Hãy tự hỏi bản thân xem chúng ổn định đến mức nào và kéo dài được bao lâu? Những mối quan hệ đó sâu sắc và thân mật đến mức nào? Anh có ngại tiết lộ bản thân hoặc những khía cạnh cụ thể của bản thân với bất kỳ ai, mà không sợ rằng họ có thể từ chối hoặc bỏ rơi anh?
Anh có những mối quan hệ trống rỗng, những khoảng trống tình cảm đang khao khát được lấp đầy không?
Các mối quan hệ của anh có phụ thuộc vào thành tích không, cho dù là về mặt tình dục, hành vi, nghề nghiệp, v.v.? Có mối quan hệ nào của anh phụ thuộc vào việc anh duy trì vẻ ngoài nam tính của mình không? Anh thực sự có thể tin tưởng được bao nhiêu người đàn ông? Có bao nhiêu người đàn ông thực sự mong muốn điều tốt nhất cho anh?
Jeremy: Cha không biết có bao nhiêu chàng trai tán tỉnh tôi đâu, JP, vì tôi trông trẻ quá. Mọi người đôi khi nghĩ tôi chỉ mới 15 tuổi thôi!
Sam: Anh ghét việc họ hỏi han tuổi tác của anh à?
Jeremy: Điều đó chỉ xảy ra ở những quán bar “straight / dị tính” thôi, Sam ạ, nơi mà tôi nay rất ít khi đến.
Leave a Reply