Câu nói ở trên [của ĐGH Bênêđictô] đòi hỏi một sự suy tư cầu nguyện và phải vô cùng cẩn trọng: làm thế nào mà việc tán dương, một cách không ngần ngại, tình yêu ái dục như trong sách Diễm Ca, lại là diễn tả đức tin trong Kinh Thánh? Bản chất của đức tin trong Kinh Thánh đó là Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta, không những là để tha tội (thật là một ân huệ cao trọng), mà Người còn trở nên “một thân thể” với chúng ta, để nhờ đó chúng ta cũng được dự phần vào sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu nơi Người. Tại một trong nhiều buổi thuyết giảng về sách Diễm Ca, thánh Bênađô, tiến sĩ Hội thánh, đã vô cùng chí lí khi mô tả hôn nhân như là “bí tích của sự hiệp thông vô tận với Thiên Chúa”. Sách Khải huyền gọi sự hiệp thông vô tận này là “hôn lễ của Con Chiên” (Kh 19, 7).
Nhưng còn nữa. Thiên Chúa không những yêu ta, Người không những chỉ muốn kết hôn với ta… Bạn hãy nhớ lại những câu thơ có vần có điệu mà chúng ta đã học khi còn nhỏ: “Tình yêu đến trước, tiếp bước hôn nhân, sau là em bé trong nôi”. Có lẽ chúng ta đã không nhận ra rằng khi lẩm nhẩm bài thơ đó, ta đang thực sự “tụng niệm” một vài suy tư thần học rất thâm sâu: thần học về thân xác. Thân xác chúng ta kể một câu chuyện rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, Người muốn kết hôn với chúng ta, và Người muốn chúng ta “thụ thai” sự sống vĩnh cửu. Thánh Bonaventura đã tự hỏi “Điều gì đang xảy ra thế này?”. Khi Thiên Chúa phủ đầy sự sống thần linh của Người trên chúng ta, thì “điều đó chẳng có gì khác hơn là Cha trên trời, nhờ vào mầm sống thần linh, đã làm cho linh hồn được “thai nghén”, và giúp nó sinh nhiều hoa trái”.22
Đối với Kitô hữu, ý tưởng về sự “thai nghén thần linh” không chỉ là một hình ảnh ẩn dụ. Đức Maria, một người con gái Israel, đại diện cho tất cả chúng ta, đã đáp lời cầu hôn của Thiên Chúa bằng hai tiếng “xin vâng” đầy trọn vẹn và thành tín, và Mẹ đã thực sự cưu mang sự sống vĩnh cửu nơi cung lòng mình, theo đúng nghĩa đen. Trong một bài thánh ca được viết dành cho Mẹ, thánh Augustinô đã kêu lên rằng: “Ngôi Lời đã hiệp nhất với xác phàm, Người đã lập giao ước với thể xác, và cung lòng Mẹ quả thật là ngai toà thần thiêng, là nơi sự hiệp nhất thánh thiện giữa Ngôi Lời và thể xác được nên trọn hảo”.23 Giáo Hội luôn hiểu sự đồng trinh của Mẹ Maria như là dấu chỉ của sự đính ước của Mẹ dành cho Thiên Chúa. Một bài thánh ca cổ đã có lời ca tụng Mẹ rằng: Mẹ là “vị hôn thê nhiệm mầu của tình yêu hằng cửu”. Như thế, “ý nghĩa phu thê của ơn gọi của con người đến với Thiên Chúa được thực hiện cách trọn hảo” nơi Mẹ Maria (xem GLCG 505).
Đức Maria soi chiếu cách trọn vẹn thần học về thân xác người nữ. Nơi Mẹ, thân xác người nữ thực là nơi trú ngụ của Thiên Chúa Tối Cao – là thiên đàng nơi hạ giới! Mỗi người nữ, theo cách nào đó, đều được dự phần vào lời mời gọi và phẩm giá không thể sánh tày này. Thân xác của mỗi người nữ quả là dấu chỉ của thiên đàng tại thế. “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái” (Tv 84, 1). Bạn hãy tiếp tục khai mở mầu nhiệm tuyệt vời này, và bạn sẽ thấy không khó để nhận ra thần học về thân xác con người có thể được diễn tả như một tiếng gọi hãy bước vào cánh cổng thiên đàng, hãy trao ban và dâng hiến, không giữ lại bất kì điều gì nơi chính mình làm của riêng. Nếu làm được như thế, con người trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng từ đời đời đã thông ban và trao tặng sự sống của chính Người.
Liệu còn có gì khác thiêng liêng hơn, trong sạch hơn, tốt lành hơn, vinh quang hơn được quy cho sự nam tính, nữ tính và tính dục của chúng ta hay không? Lạy Chúa, xin hãy cho chúng con nhận biết chính mình. Xin hãy ban cho chúng con đôi mắt để thấy: một mầu nhiệm thật cao cả đã được tỏ hiện nơi thân xác chúng con, cũng như qua lời Người mời gọi người nam và người nữ chúng con trở nên một xương một thịt!
22 St. Bonaventure, Bringing Forth Christ: Five Feasts of the Child Jesus (Oxford: Fairacres Publication, 1884).
23 St. Augustine, Sermon 291.
24 Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi đến các gia đình / Letter to Families 19.
Leave a Reply