Chúa Giêsu Ban Cho Tôi Sự Chữa Lành
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Gioan 20:1).
Alleluia! Chúa Giêsu đang sống! Cái chết không thể ràng buộc Người. Chúa Giêsu đã giành chiến thắng huy hoàng trên cái chết, tội lỗi và Satan!
Hành động!
Trong Kinh Thánh của bạn, hãy đọc toàn bộ câu chuyện về sự phục sinh của Chúa Giêsu (x. Gioan 20:1-18).
Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn làm mới lại tâm trí, cảnh cô Maria gặp gỡ Chúa Giêsu. Ngoại hình của Người thay đổi đến mức cô không thể nhận ra cho đến khi Người gọi tên cô.
Bây giờ hãy đặt chính bạn vào cảnh này. Bạn vừa gặp Chúa Giêsu. Suy nghĩ và cảm xúc của bạn là gì? Bạn nói điều gì với Chúa Giêsu? Người cho bạn xem những vết thương ở tay và chân? Bạn có chạm vào cơ thể vinh hiển sáng láng của Người không?
Trong nhật ký, hãy ghi lại một vài suy nghĩ và cảm xúc của bạn về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Bao gồm bất cứ điều gì mà Chúa Giêsu đã nói với bạn.
Sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ đã xảy ra hai ngàn năm trước. Nó có ý nghĩa đối với cuộc sống của bạn, ở đây và ngay bây giờ. Thông tin tuyệt vời là Chúa Giêsu, hiện đã sống lại từ cõi chết, mời bạn tham gia vào đời sống mới của Người. Sự sống mới mà Chúa Giêsu ban tặng cho bạn là hy vọng, niềm vui và sự tin tưởng vào sự thật rằng bạn là con gái yêu dấu của Cha bạn. Đó là một cuộc sống chiến thắng tội lỗi và tất cả những thứ đã kéo bạn xuống. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, giờ đây bạn có được sức mạnh nói không với tội lỗi và những cám dỗ và nói xin vâng để sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa. Và cuộc sống mới của Chúa Giêsu mang lại cho bạn sự tự do khỏi mọi mặc cảm, xấu hổ, tức giận, hối hận hoặc sự thờ ơ liên quan đến bất kỳ điều gì bạn đã làm mà bạn biết là sai, bao gồm cả việc phá thai.
Đây là những sự thật của đức tin Kitô giáo. Nhưng nếu bạn đang cảm thấy nghi ngờ về việc liệu bạn có được sự sống mới trong Chúa Giêsu hay chưa, thì Ngài đang nói với bạn, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Gioan 11:25-26). Chúa Giêsu đã nói những lời này ngay trước khi Người làm cho người bạn thân yêu nhất của Người là Ladarô, từ cõi chết sống lại.
Hành động!
Bạn hãy đọc câu chuyện trong Kinh Thánh của bạn về việc Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại từ cõi chết (Gioan 11). Hãy gạch dưới bất kỳ từ nào xuất hiện trước bạn, hoặc viết ra nhật ký của bạn.
Bây giờ bạn hãy vẽ một hình thập giá. Nếu bạn đang khổ sở vì mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, hối hận, lãnh đạm, tức giận, hoặc cay đắng có liên quan đến việc phá thai của bạn, hãy viết ra những tên gọi của những cảm xúc đó (hoặc bất cứ cảm xúc tiêu cực nào khác) trên thập giá đó.
Khi bạn viết từng cái tên đó, hãy cầu nguyện, “Chúa Giêsu ơi, con tin vào Chúa và vào quyền năng từ cái chết và sự sống lại của Chúa. Xin hãy tha thứ và giải thoát con.” Bạn hãy đọc câu Kinh thánh này vài lần: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. ” (1 Phêrô 2:24).
Hãy tưởng tượng máu Chúa Giêsu đang rửa trôi đi tất cả mọi tội lỗi và những cảm xúc tiêu cực của bạn. Bạn hãy đón nhận tự do giờ đây là của bạn! Bây giờ hãy lắng nghe Chúa Giêsu nói với bạn, “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Gioan 10:10).
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho Ladarô sống lại từ cõi chết, bạn có thể nhớ lại rằng Người đã gọi lớn tiếng để Ladarô bước ra khỏi mồ. Sau đó Chúa Giêsu kêu một số người từ đám đông đang hoảng hốt gần đó tháo những mảnh vải buộc được quấn quanh cơ thể anh ấy khi anh được mang đi chôn. Chúa Giêsu không muốn bạn của Người bị trói buộc bởi bất cứ điều gì liên quan đến sự chết. Người muốn Ladarô được tự do để cảm nghiệm cuộc sống mới của anh một cách dồi dào. Chúa Giêsu cũng mong bạn cảm nghiệm được sự sống mới của Người một cách phong phú dồi dào.
Chữa lành những Ký ức
Đôi khi những ký ức có thể ngăn cản chúng ta trải nghiệm đầy đủ cuộc sống mới đúng thực là thuộc về chúng ta nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Những ký ức có thể giống như những sợi dây xích ràng buộc bạn. Có lẽ câu chuyện này sẽ giúp bạn hiểu được mức độ kiềm chế của những ký ức:
Một người huấn luyện voi đang cho một du khách tham quan vườn thú. Du khách chú ý đến một con voi lớn với một sợi dây xích ngắn quanh một mắt cá chân. Sợi xích đã được gắn chặt vào mặt đất, và các mấu nối của nó rất mỏng. “Tôi rất tò mò,” người du khách nói. “Làm thế nào một sợi xích yếu như vậy có thể giữ một con vật lớn như vậy?” Người huấn luyện trả lời, “Chà, không đâu.” Ông tiếp tục giải thích: “Khi một con voi được sinh ra, chúng tôi đặt một sợi dây xích như thế này quanh mắt cá chân của nó. Dù voi con có kéo đến đâu, nó cũng không thể làm đứt dây xích hoặc rút cọc. Đến một thời điểm nào đó, nó ngừng cố gắng. Cho đến khi trưởng thành, nó vẫn bị giữ bởi chính sợi xích đó. Tuy nhiên, đó không phải là sợi dây giữ nó. Mà là ký ức về dây xích.”
Chúa Giêsu không muốn bạn bị xiềng xích bởi bất kỳ ký ức nào về việc bạn phá thai. Người muốn giải thoát cho bạn bằng cách chữa lành mọi ký ức đáng xấu hổ. “Vậy nếu người Con có giải phóng các người, thì các người mới thật sự được tự do.” (Gioan 8:36). Việc Chúa Giêsu có thể chữa lành những ký ức của chúng ta có nghĩa là gì? Khi Chúa Giêsu chữa lành một ký ức, nó không còn lôi kéo chúng ta trở lại quá khứ nữa. Chúng ta có thể tiến về phía trước trong cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ nhớ đến việc phá thai của mình. Bạn thậm chí có thể thỉnh thoảng vẫn cảm thấy đau đớn, và bạn vẫn có thể nhớ con mình và hối tiếc về phần mình trong cái chết của nó. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu chữa lành cho bạn, bạn sẽ không bị tê liệt bởi nỗi đau hay sự lên án.
Cho đến phần suy niệm này, các bước hành động đã được đề xuất là dành cho bạn để làm một mình. Tuy nhiên, với những hành động nêu ra ở đây cho việc chữa lành những ký ức và đau buồn, bạn có thể muốn nhờ đến mục sư, linh mục hoặc một người bạn tin cậy của bạn để cầu nguyện cùng bạn. Sự hiện diện của họ sẽ mang lại rất nhiều an ủi. Có được sự hỗ trợ về mặt tinh thần và cầu nguyện là phần đặc biệt quan trọng nếu bạn cảm thấy việc nghĩ về ký ức phá thai của bạn là quá sức chịu đựng và quá đau đớn. Chúa Giêsu muốn chữa lành những ký ức của bạn, và Người sẽ làm như vậy. Nhưng Người cũng muốn bạn được trợ giúp trong quá trình chữa lành này.
Nếu bạn đang hỗ trợ ai trong khoảng thời gian chữa lành này, hãy giúp họ ở những bước hành động này trong khi đó hãy nhắc nhở họ về sự hiện diện của Chúa Giêsu và tình yêu vĩ đại của Người.
Hành động!
Hãy bắt đầu bằng cách cầu nguyện, “Lạy Chúa Giêsu, con không muốn bị xiềng xích nữa bởi những ký ức về việc phá thai của con. Xin hãy đến và chữa lành con.”
Bây giờ bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến lấy đi bất cứ ký ức phá thai nào của bạn: có lẽ là cái ngày bạn khám phá ra mình có thai; những phản ứng từ cha của đứa bé hoặc cha mẹ bạn; cảm giác bị bỏ rơi; tình trạng khó xử khi đưa ra quyết định đi đến phòng khám phá thai; các thủ tục thực tế; những ngày sau khi phá thai; hoặc bất kỳ ký ức hoặc hồi tưởng nào khác mà bạn cảm thấy phiền muộn.
Khi một ký ức hiện về trong tâm trí bạn, hãy xin Chúa Giêsu đi vào ký ức đó. Sau đó, hãy chờ đợi, và mong ước được gặp Chúa Giêsu trong ký ức của bạn. Lúc này, hãy chỉ đơn giản cho phép bản thân bạn cảm nhận nỗi đau. Chúa Giêsu đang làm gì ngay lúc này? Người đang đưa tay về phía bạn, ôm bạn hay đang lau khô nước mắt cho bạn? Hãy nói với Chúa Giêsu, “Xin hãy chữa lành ký ức này để nó không còn khiến con bị xiềng xích nữa.”
Cuối cùng, hãy lắng nghe những gì Chúa Giêsu nói với bạn. Có lẽ Người đang nói, “Ta đã luôn ở với con trong mọi lúc. Hãy đón nhận sự bình an của Ta. Ta đã gánh lấy nỗi đau của ký ức này khi Ta chết trên thập giá. Ta là Chúa phục sinh của con. Ta đã chữa lành trí nhớ của con.”
Đừng vội vàng. Hãy cứ để nước mắt tuôn chảy. Khóc là chữa lành. “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Thánh vịnh 126:5).
Và đừng lo lắng nếu bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong tâm trí hoặc nghe Người nói điều gì. Không phải ai cũng làm được. Nhưng hãy tin rằng Chúa đang ở với bạn. Người thấy bạn, và Người nghe tiếng khóc từ trái tim bạn. Chúa Giêsu đang ôm lấy bạn. Người đang khóc cùng bạn. Chúa Giêsu cảm nhận được nỗi thống khổ của bạn. Người đang lấy đi tất cả nỗi đau của bạn mang vào thân Người. Chúa Giêsu đang chữa lành bạn.
Chữa lành Nỗi đau
Bạn đang đau buồn vì mất con? Có lẽ bạn đã mất đi một người thân thiết đối với mình vì việc phá thai của bạn? Mặc dù việc xác định và thừa nhận những mất mát của bạn đem lại rất nhiều đau đớn, nhưng đó là một bước quan trọng để chữa lành nỗi đau của bạn. Giảm thiểu hoặc phủ nhận những mất mát của bạn sẽ chỉ cản trở quá trình chữa lành.
Hành động!
Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn xác định những mất mát của bạn. Sau đó viết chúng xuống trong nhật ký của bạn.
Đau buồn là gì? Đau buồn là một nỗi sầu muộn và buồn đau sâu sắc. Đau buồn là đau đớn và mệt mỏi về mặt cảm xúc. Đau buồn có thể để lại trong một người cảm giác trống rỗng và tê liệt. Và đau buồn là điều bình thường sau một mất mát. Vì vậy, hãy cho phép bản thân được đau buồn về điều mất mát hoặc những mất mát mà bạn đã xác định được. Đừng sợ cảm thấy đau buồn và đau đớn vì những mất mát của bạn. Đau buồn của bạn là có thật. Và nỗi đau của bạn là có thật. Nhưng nếu bạn cho phép mình chữa lành, nỗi đau bạn đang cảm nhận lúc này sẽ giảm dần theo thời gian.
Hành động!
Hãy nói với Chúa Giêsu về sự đau buồn và nỗi đau đớn của bạn. Chúa Giêsu là Đấng Chữa Lành. Người đang lắng nghe và ở ngay đây với bạn. Khi bạn sẵn sàng, hãy nói, “Giêsu ơi, con dâng cho Người nỗi đau buồn và đau đớn của con. Xin Chúa hãy lãnh nhận chúng hết thảy.”
Cho phép bản thân từ bỏ nỗi đau không có nghĩa là bạn sẽ quên đi con trai hay con gái bạn, hoặc tình yêu bạn dành cho con sẽ phần nào giảm đi. Điều đó cho phép bản thân bạn đón nhận tự do và chữa lành mà Chúa Giêsu giành lấy cho bạn bằng cái chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết. Đón nhận sự tự do và chữa lành này sẽ giúp bạn tiếp bước trong cuộc sống mà Cha trên trời dành cho bạn. Hãy nhớ rằng! Cha bạn yêu bạn vô điều kiện, và Ngài không muốn bạn khổ sở suốt phần đời còn lại vì những điều bạn đã gây ra.
Hành động!
Một lần nữa, hãy thinh lặng tâm trí, và tập trung vào Chúa Giêsu. Có thể bạn cần hình dung Người đang sống và sống lại từ cõi chết, đang bước ra khỏi mộ! Hãy cảm thấy an toàn trong sự hiện diện của Chúa Giêsu. Hãy cầu nguyện, “Chúa Giêsu, xin hãy đến. Xin hãy chữa lành con, xoa dịu con và ban cho con bình an.” Sau đó hãy lắng nghe Chúa Giêsu nói những lời yêu thương và khích lệ đến bạn. Nếu có thể, hãy nghe vài bản nhạc thánh ca. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào sự hiện diện của Chúa Giêsu đang ở với bạn. Và tiếp tục cầu nguyện, “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”
Điều quan trọng cần nhắc đến là Chúa Giêsu có thể hoàn toàn chữa lành nỗi đau sau một buổi cầu nguyện. Tuy vậy, chữa lành thường là một quá trình, một quá trình vô cùng riêng tư và cá nhân, và không phải là đi theo một chuỗi các bước. Hãy kiên nhẫn với bản thân. Mỗi người bước qua tiến trình đau thương theo cách khác nhau, một số người thì nhanh hơn. Lấy ví dụ, có một người mù ông không tức thì được sáng mắt khi Chúa Giêsu đặt tay trên ông lần thứ nhất, nhưng chỉ sau khi Chúa Giêsu đặt tay trên anh một lần nữa (x. Mác-cô 8:22-26).
Một số phụ nữ có thể bị mắc kẹt trong nỗi đau của họ và dường như không thể vượt qua được nó. Bạn có lẽ đang có một ký ức vẫn còn rất khổ đau, hoặc bạn không thể vượt qua nỗi đau mất con (hoặc mất đi một mối tương quan). Nếu vậy, bạn không một mình. Những người phụ nữ khác cũng đang khổ sở như vậy. Nhưng trong khoảng thời gian này, hãy cố gắng đừng tin vào những suy nghĩ đến với bạn như “Tôi không được chữa lành vì tôi thiếu đức tin”, hay là “Tôi chắc hẳn đã làm gì sai.” Thay vào đó, mỗi ngày hãy cầu khẩn Chúa Giêsu tiếp tục sự chữa lành của Người. Cũng vậy, hãy tìm kiếm lời cầu nguyện, sự trợ giúp và hướng dẫn từ mục sư, linh mục của bạn hoặc một người khác bạn có thể tin tưởng. Và luôn giữ niềm hy vọng rằng Chúa Giêsu đang chữa lành cho bạn.
Chữa lành Thân xác
Bây giờ hãy tập trung vào chữa lành thể chất. Một người phụ nữ bị băng huyết suốt mười hai năm đã đến gặp Chúa Giêsu để chữa lành. Bà tuyệt vọng, không ai có khả năng chữa cho bà. Vì vậy bà chen vào đám đông để chạm vào gấu áo choàng của Chúa Giêsu. Ngay lập tức bà được khỏi bệnh. Và Chúa Giêsu nhận thấy có một năng lực đi ra khỏi Người (x. Luca 8:43-48). Chúa Giêsu muốn chữa lành thân thể cũng như những ký ức và cảm xúc của chúng ta . Vậy nếu bạn đang trải qua bất kỳ chấn thương, biến chứng hoặc tác dụng phụ khác từ việc phá thai của bạn, hãy xin Chúa Giêsu chữa lành những tổn thương đó.
Hành động!
Hãy quay về phía Chúa Giêsu và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, giống như người phụ nữ trong Kinh Thánh, con đưa tay ra để chạm vào vạt áo choàng của Chúa. Con cầu xin quyền năng chữa lành từ thập giá và sự phục sinh của Chúa đi vào thân thể con và chữa lành cho con những tình trạng thể chất này (gọi tên những tình trạng ấy ra). ”
Hãy ghi nhớ! Mong muốn sâu sắc nhất của Chúa Giêsu dành cho bạn, như một người em gái của Người, là được trải nghiệm cuộc sống viên mãn của bạn với tư cách là con gái của Cha Người. Cầu mong cho trái tim bạn tràn ngập niềm vui khi bạn nhận ra, ngay lập tức hoặc theo thời gian, rằng bạn đã nhận được sự chữa lành. Đó là sức mạnh của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc sống của bạn! Alleluia!
Hồi tưởng lại những Sự thật!
- Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang lại cho tôi sức sống mới, sự tự do và sự chữa lành.
- Tôi có thể có được niềm hy vọng trong cuộc sống nhờ Chúa Giêsu phục sinh.
- Chỉ một mình Chúa Giêsu có thể chữa lành tất cả những ảnh hưởng của việc phá thai của tôi; tinh thần, cảm xúc và thể chất.
- Chúa Giêsu khao khát để tôi trải nghiệm được sự sống sung mãn của tôi, người con gái của Cha trên trời.
Đi sâu hơn!
- Hãy xin những lời cầu nguyện để được chữa lành từ mục sư, linh mục, hoặc một người bạn đáng tin cậy của bạn.
- Nếu bạn là người Công giáo, hãy rước Mình Thánh Chúa bất cứ khi nào có thể. Sự hiện diện của Chúa Giêsu sẽ là nguồn chữa lành thêm cho bạn.
- Hãy ghi nhớ: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Gioan 11:25-26).
- “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương để anh em được chữa lành” (1 Phêrô 2:24).
- Hãy viết nhật ký về giờ cầu nguyện chữa lành của hôm nay.
Cầu nguyện!
Chúa Giêsu ơi, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Con rất biết ơn về cuộc sống mới mà con có trong Chúa. Giêsu ơi, con đã phải chịu đựng những hậu quả của việc phá thai từ lâu rồi. Nhưng hôm nay con tin rằng Chúa đã bắt đầu chữa lành cho con. Vào thời điểm khó khăn và đau khổ này, xin hãy trấn an con bằng tình yêu của Chúa và sự hiện diện của Chúa với con. Lạy Chúa Giêsu, con ngợi khen Chúa về những gì Chúa đã làm và những gì Chúa sẽ tiếp tục làm trong cuộc đời con để con có thể trải nghiệm cuộc sống mới của Chúa một cách dồi dào. Chúa Giêsu ơi, Chúa là niềm hy vọng của con.
Lưu ý: Nếu bạn đã từng phá thai nhiều lần, hãy dành thời gian để cầu nguyện cho tất cả các trường hợp của mỗi lần phá thai. Điều này có thể được thực hiện qua nhiều buổi cầu nguyện. Hãy nhớ! Chúa Giêsu mong muốn chữa lành hoàn toàn cho bạn khỏi những hậu quả của mỗi lần phá thai.
Leave a Reply