Tình yêu thì rất khác biệt với kiến thức. Khi trí khôn đối diện với một điều gì đó vượt trên mức độ của nó, ví dụ: một nguyên lý trừu tượng của siêu hình học hay toán học, nó tìm ví dụ để có thể hiểu nó. Đó là lý do nhiều thầy giáo thất bại vì họ không biết làm thế nào để hạ thấp xuống ở mức độ thấp hơn và cụ thể môn học mà họ dạy. Có lẽ họ không biết dạy học thì phải có khả năng nêu ra các ví dụ. Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn để biểu lộ các chân lý vĩnh cửu, như việc phán xét người lành và kẻ xấu, được biểu lộ qua việc phân chia chiên và dê. Nếu chúng ta hiểu điều gì đó, chúng ta có thể làm cho nó rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu nó, chúng ta không thể giải thích nó.
Nhưng tình yêu hành động ngược lại với sự hiểu biết. Tình yêu đi ra gặp gỡ những đòi hỏi của điều được yêu. Trí khôn kéo những điều trên cao xuống thấp cho vừa mức độ của nó. Còn ý chí, là chỗ đứng của tình yêu, lại đưa bản thân nó lên đến mức độ của điều tốt mà nó yêu. Nếu ai yêu âm nhạc, người ấy gặp những đòi hỏi của âm nhạc bằng cách vâng theo những luật lệ của nó. Nếu ai muốn được một thi sĩ yêu mình, người ấy phải học biết đánh giá các bài thơ. Bởi vì tình yêu đi lên để gặp người nó yêu, tình yêu càng cao thượng thì tính cách càng cao quí. Chúng ta sống trên hành tinh của tình yêu.
Tình yêu không hiện hữu trong cô độc; nó khao khát liên hệ với những người khác bởi vì tình yêu chủ yếu là một mối liên hệ. Tình yêu bản thân trở nên tình yêu những người khác, vì giúp đỡ nhau hay vì sự liên tục của nhân loại.
Tình yêu bản thân và tình yêu người lân cận nên đi chung với nhau, nhưng chúng lại thường đi theo hai hướng ngược nhau. Một mặt, chúng ta không thể chỉ yêu bản thân và tách ra khỏi những người khác, bởi vì con người tuyệt đối ở một mình thì không có tình yêu. Mặt khác, chúng ta không thể hoàn toàn bám vào người khác, vì dù cho họ có đưa ra một cơ hội tình yêu nhưng đồng thời họ cũng đặt ra giới hạn cho tình yêu chúng ta. Sở dĩ như thế bởi vì họ không hoàn toàn đáng yêu, đáng mến, hay bởi vì họ không xứng đáng để bám vào chút nào.
Tình yêu bản thân có rất nhiều bất lợi: nó ép chúng ta ở trong khu vực quá cầu thúc và để tiện chỉ vì sự tiện nghi, nó đặt con người đối diện với “cái tôi” của mình, một cái tôi mà có những lúc không chỉ không đáng yêu mà còn quá quắt không chịu đựng nổi nữa. Nó làm cho chúng ta muốn chạy thoát khỏi bản thân vì chúng ta thấy mình hời hợt nông cạn. Thăm dò chiều sâu của cái tôi để tìm sự bình an thì giống như nhảy xuống một cái hồ không có nước. Sau một thời gian, việc tập trung vào bản thân của chúng ta sẽ chấm dứt trong sự tự đổ vỡ, khi chúng ta khám phá ra chúng ta không có trung tâm nào cả. Chúng ta không thể yêu chính mình một cách đúng đắn nếu chúng ta không biết tại sao mình đang sống.
Tình yêu là vô dụng khi chỉ có một mình, như là nó đang ngủ hay đã chết. Nó chỉ thủ đắc khi trao ban chính nó cho những người khác. Tình yêu là một dấu chỉ của thân phận thụ tạo của chúng ta, chứng cứ lớn nhất rằng chúng ta không phải là thần linh và không có tất cả mọi sự chúng ta cần bên trong chúng ta. Nếu chúng ta là Thiên Chúa, chúng ta không cần yêu bất cứ điều gì khác, vì tình yêu tìm kiếm sự hoàn hảo của nó trong chính mình, như trong Thiên Chúa.
Chúng ta phải yêu những người khác bởi vì chúng ta bất toàn. Nó là dấu ấn của sự bần cùng, một nhắc nhở rằng chúng ta đến từ hư vô và tình yêu của chúng ta là không viên mãn và cằn cỗi.
Nhưng khi trao hiến tình yêu cho những người khác, chúng ta thường thất vọng, một số người muốn sử dụng chúng ta, một số khác muốn chiếm hữu chúng ta. Những liên hệ không xảy ra như chúng ta mong đợi, người mà chúng ta nghĩ là một thiên thần tốt lành chuyển thành một người sa đọa. Một số người khác tiếp xúc như vũ khí boomerang; họ ném chúng ta trở lại với chính mình còn tệ hơn lúc đầu và vì thế chúng ta trở nên đau lòng.
Bị giằng xé giữa sự độc lập của cái tôi và sự phụ thuộc vào cái tôi của người khác, bị lắc lư giữa việc sùng bái cái tôi và việc sùng bái người khác, nhiều tâm hồn đã bồn chồn và mệt mỏi đi đến với các nhà phân tâm học để giải bày sự lo âu của họ và người nghèo thì say sưa với những loại rượu rẻ tiền. Nếu không có giải pháp đích thực cho mối căng thẳng giữa tình yêu bản thân và tình yêu tha nhân, tình yêu bản thân sẽ thoái hóa trở thành ích kỷ, tự phụ, hoài nghi, và kiêu ngạo, trong khi tình yêu tha nhân sẽ thoái hóa thành sự dâm dục, bạo lực và thù ghét về tâm linh.
Người yếm thế sẽ thất vọng về những kẻ ích kỷ, sử dụng bạo lực và bất bình với những người vị tha. Tình yêu bản thân bị hư hỏng khi nó mang tính chính trị, chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tự do; tình yêu tha nhân bị hư hỏng khi nó trở nên độc quyền.
Có một giải pháp cho vấn đề căng thẳng giữa tình yêu bản thân và tình yêu tha nhân, hay sự độc lập của cá nhân và sự phụ thuộc vào cái tôi của người khác, nhưng nó không tìm thấy trong cái tôi của mình hay của người khác. Sai lầm căn bản là cho rằng chỉ có hai thành tố cần thiết cho tình yêu: bạn và tôi, hay xã hội và tôi hay nhân loại và tôi. Trong khi đích thực phải là ba: tôi, người khác và Thiên Chúa.
Tình yêu bản thân không có tình yêu Thiên Chúa sẽ trở thành ích kỷ, tình yêu người lân cận nếu không có tình yêu Thiên Chúa thì chỉ yêu những ai làm vui lòng mình, không yêu kẻ ghét mình. Người ta không thể nối kết hai cái đũa với nhau mà không có cái gì đó bên ngoài hai cái đũa. Người ta không thể nối kết các quốc gia trên thế giới với nhau trừ khi họ nhận biết một Luật và một Đấng ở ngoài các quốc gia. Tình yêu nếu chỉ có hai: bạn và tôi, sẽ bị dập tắt qua tình trạng kiệt sức của việc tự hiến. Tình yêu đòi hỏi ba nhân đức: tin tưởng, hy vọng và yêu mến. Cả ba đan vào nhau, thanh luyện và tái sinh lẫn nhau.
Tin tưởng vào Thiên Chúa là ném mình vào trong bàn tay của Thiên Chúa. Hy vọng vào Thiên Chúa là an nghỉ trong trái tim Ngài trong sự kiên nhẫn giữa những thử thách và đau khổ. Yêu mến Thiên Chúa là ở với Thiên Chúa qua sự tham dự vào bản tính thần linh của Ngài nhờ ân sủng. Nếu tình yêu không có lòng tin tưởng và tín thác, nó sẽ chết. Nếu tình yêu không có niềm hy vọng, thì nỗi đau khổ của nó sẽ trở thành bị tra tấn. Tình yêu bản thân, tình yêu người lân cận và tình yêu Thiên Chúa đi với nhau và khi bị tách ra sẽ sụp đồ.
Thiên Chúa không yêu chúng ta vì chúng ta đáng yêu. Tình yêu của Ngài hiện hữu không dựa trên tính cách của chúng ta, nhưng dựa trên chính Ngài. Kinh nghiệm cao nhất của chúng ta là đáp trả, chứ không phải là đi bước trước. Và chỉ vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương nên chúng ta mới đáng yêu.
Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen; Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn chuyển ngữ
Leave a Reply