Một số người chế nhạo ý nghĩ về việc giữ gìn sự trong sạch, họ cho rằng “Phụ nữ càng ở lâu mà không có những ham muốn tình dục, cô ấy sẽ càng bị kìm nén và rối loạn về mặt thần kinh”. Nếu điều này chính xác, nó cho thấy phụ nữ chỉ được tự do khi cô ấy có những ham muốn tình dục. Tuy nhiên, sự thật ở đây là: Tự do không phải là khả năng giải phóng những ức chế của bản thân và thực hiện những hành vi dâm dục. Người làm nô lệ cho dục vọng chỉ “tự do” như một người nghiện rượu, người mà ăn mừng sự thật rằng anh ta có thể say bất cứ khi nào anh ta muốn.
Những phụ nữ trẻ có thể thắc mắc rằng, “Tại sao Chúa lại ban cho chúng ta những hoóc-môn mạnh mẽ như vậy trong khi chúng ta sẽ không kết hôn trong vòng mười năm nữa? Tôi phải làm gì với tất cả ham muốn của mình lúc này?” Có lẽ điều đầu tiên bạn cần nhớ là: Ham muốn tình dục là điều bình thường và lành mạnh. Đây là cách Chúa tạo ra bạn và bạn sẽ phải quan tâm hơn nếu những ham muốn này không xuất hiện.
Một lý do khiến Thiên Chúa cho phép chúng ta trải qua những ham muốn như vậy trước hôn nhân: vì trước tiên chúng ta cần phải học cách kiểm soát chúng. Bằng việc học cách kiểm soát ham muốn của mình, các cặp vợ chồng thu được hai kỹ năng quan trọng.
Đầu tiên, cặp đôi trở nên tự do yêu thương. Nếu một người không học được cách tự kiểm soát tình dục trước hôn nhân, họ sẽ không có khả năng yêu người vợ hay người chồng của mình đúng cách trong hôn nhân. Thế giới thường tuyên bố đàn ông và phụ nữ cần có kinh nghiệm tình dục trước khi kết hôn để có đủ năng lực tình dục. Tuy nhiên, như một người chồng đã chỉ ra, “Nếu bạn không thể nói “không” với tình dục, thì việc bạn nói “có” còn ý nghĩa gì nữa không?”1 Người trong sạch biết cách yêu thương sẽ dễ dàng học cách thể hiện tình yêu qua tình dục hơn là người có thói quen dâm dục ăn sâu vào bên trong.
Thứ hai, hai vợ chồng sẽ rèn luyện được cho mình sự chung thủy. Nếu một cặp đôi đang hẹn hò không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của trái cấm bây giờ, họ sẽ làm gì khi những cám dỗ xuất hiện trong hôn nhân? Cô dâu cưới người đàn ông có khả năng tự kiểm soát mới thật sự an tâm! Trước khi kết hôn, nếu anh ta có thể cưỡng lại những cám dỗ với người phụ nữ anh ta yêu hơn chính cuộc đời, anh sẽ không gặp khó khăn khi sống thật lòng với cô trong hôn nhân. Bởi vì anh ấy đã phát triển khả năng tự làm chủ bản thân, anh ấy ban phước cho vợ mình bằng sự đảm bảo và bình yên về lòng chung thủy. Món quà như vậy chắc chắn có giá trị với cô ấy hơn bất kỳ “kinh nghiệm” tình dục nào mà anh có trước kết hôn. Bởi vì lời thề của họ có khả năng lâu dài hơn, họ có thể dành cả đời để học cách thân mật trong hôn nhân.
Để bắt đầu phát triển khả năng tự chủ này, hãy kiểm soát trí tưởng tượng của bạn. Nhiều Kitô hữu cảm thấy nản lòng trước một thử thách như vậy vì họ lầm tưởng ham muốn tình dục cũng giống như sự dâm dục. Ham muốn gần gũi tình dục không phải là kẻ thù. Còn sự dâm dục là kẻ thù, bởi vì nó liên quan đến việc sử dụng người khác để thỏa mãn sự ích kỷ của một người.
Đôi khi, bạn cảm thấy giằng xé giữa hai tình yêu. Bạn có thể nghĩ rằng: Tôi muốn gần Chúa, nhưng tôi cũng muốn gần bạn trai của mình. Làm thế nào tôi có thể bày tỏ ham muốn thể xác với anh ấy mà không làm mất lòng Chúa? Điều này có thể làm được không, hay là tôi cần phải lựa chọn giữa hai tình yêu này?
May mắn thay là bạn có thể kết hợp ham muốn với đức tin của mình mà không cần phải loại bỏ nó. Những ham muốn tình dục của chúng ta không cần phải bỏ đi. Nhưng chúng cần được sắp xếp theo tình yêu đích thực. Nếu sự trong sạch yêu cầu mọi người phải loại bỏ những thôi thúc tình dục, thì chúng ta phải nhận ra các cặp vợ chồng đã không có khả năng sống trong sạch hoặc không có khả năng ham muốn. Thiết kế của Chúa là để chúng ta có được cả hai – để kết hợp sự ham muốn và sự thuần khiết.
Làm sao chúng ta làm việc đó bây giờ? Để bắt đầu, hãy học cách phân biệt giữa ý nghĩ dâm dục và sự cám dỗ để dâm dục. Cám dỗ dâm dục là ý nghĩ đột ngột về một hành động bị cấm đoán. Suy nghĩ này nằm ngoài phạm vi kiểm soát, vì vậy bạn không phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho những gì nó nghĩ đến. Tuy nhiên, những gì bạn làm với suy nghĩ đó sẽ quyết định bạn có được công đức hay tội lỗi (dựa vào kết quả hành vi của bạn)
Nếu suy nghĩ của bạn đang bắt đầu hướng đến những thứ dâm dục, hãy cố gắng kéo chúng trở lại ngay khi bạn nhận ra những gì mình đang làm. Nếu bạn bị cám dỗ khi ở một mình, hãy vẽ ra hình chữ thập trên trán. Kêu tên của Chúa Giêsu. Tuyên bố với thiên đàng và địa ngục bằng lời nói và bằng thân thể của bạn rằng bạn thuộc về Chúa. Nhưng đừng chỉ cầu nguyện để chống lại sự cám dỗ. Nếu bạn bị cám dỗ bởi một người cụ thể, hãy cầu nguyện cho anh ta. Hãy biến sự bị cám dỗ của bạn thành một hành động cầu khẩn.
Bạn nên đặt giới hạn ở đâu khi những cám dỗ đến từ suy nghĩ? Một nguyên tắc chung là hãy nhớ rằng: nếu có một hành động cụ thể nào không phù hợp với đạo đức để thực hiện, thì đừng để tâm trí của bạn lưu luyến về vấn đề ấy. Ví dụ: nếu bạn chưa kết hôn thì đừng mơ màng về những điều gần gũi trong hôn nhân. Điều này không sai khi bạn mong muốn sự gần gũi như vậy, nhưng bạn nên chờ đợi Chúa, bạn nên cho phép Ngài vén bức màn bí ẩn đó vào thời điểm thích hợp trong cuộc đời.
Bạn phải làm gì khi có những mong muốn tình dục đến với tâm trí? Tự nói với bản thân “Tôi sẽ không nghĩ về điều đó” có vẻ không hiệu quả lắm. Để vượt qua bất kỳ mong muốn nào, bạn cần một mong muốn khác mạnh mẽ hơn. Bạn đang làm điều này nhiều lần mỗi ngày. Bạn khao khát được ngủ, nhưng bạn đã vượt qua mong muốn đó để có thể đến trường hay đi làm đúng giờ. Bạn muốn ăn một món ăn nào đó, nhưng bạn đã từ chối vì lợi ích sức khỏe của bản thân.
Theo cách tương tự, để vượt qua sự cám dỗ của dâm dục, bạn cần một tầm nhìn rộng hơn và một mong muốn mạnh mẽ hơn. . . cho tình yêu. Mong muốn tình dục là một nguồn năng lượng, và nó không thể bị kìm nén. Nó phải được hướng đến một nơi nào đó. Để làm được điều này, hãy nhắc nhở bản thân rằng sự trong sáng thể hiện tình yêu. Nếu bạn không hiểu điều này, bạn sẽ nghĩ mình đang phải từ chối những cơ hội để yêu thương. Bạn không cần phải làm như vậy. Bạn chỉ là đang từ chối sự dâm dục để có thể tự do yêu thương.
Nếu không có động cơ tích cực này, một người có thể thành công trong việc nói “không” với những cám dỗ của bản thân và trách mắng những mong muốn của mình, động cơ này thường dựa trên sự hổ thẹn hoặc tội lỗi. Nếu không có một bức tranh toàn diện hơn về kế hoạch của Thiên Chúa đối với tình dục con người, người ta phải sử dụng đến việc che đậy đi những mong muốn mình. Đó là điều dẫn đến sự ức chế. Khi mong muốn tình dục xuất hiện, người đó nghĩ, “Thật tệ. Tôi không nên nghĩ về điều đó.” Sự căng thẳng tồn tại bên trong, bởi vì người đó biết có điều gì đó tốt đẹp hơn đang ở ngoài kia.
Để phát triển tình dục lành mạnh, chúng ta phải thừa nhận sự tốt lành ở cách chúng ta được tạo ra mà không quên những hậu quả của tội tổ tông vẫn còn tồn tại. Khi chúng ta mở rộng tâm trí của mình trước vẻ đẹp kế hoạch của Chúa dành cho tình dục, chúng ta không chỉ nhìn thấy sự tốt lành của nó mà còn khám phá ra niềm vui khi sống với nó.
Trở về chương 9 của Trang mục lục
Leave a Reply