Phụ nữ ngày đó còn được thu hút bởi Kitô giáo như thế nào? Trong các nền văn hóa cổ xưa, nhiều cuộc hôn nhân không dựa trên tình yêu. Vợ chồng được lựa chọn dựa trên những thứ như địa vị xã hội, quyền tài sản và người thừa kế hợp pháp. Ngược lại, Tân Ước dạy đàn ông “yêu vợ như yêu chính thân thể mình”. “Quyền làm đầu” của người chồng được định nghĩa lại là sự hy sinh bản thân, theo gương tình yêu hy sinh của Đức Kitô (Ê-phê-sô 5:25–33). Đàn ông không được bỏ rơi vợ mình bằng việc ly hôn. Họ không được bạo hành vợ về thể xác hay tinh thần: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cô-lô-xê 3:19).
Người chồng được truyền lệnh không được tìm nô lệ và gái mại dâm để quan hệ tình dục nhưng thay vào đó phải duy trì quan hệ tình dục thường xuyên với vợ: “Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau” (1 Cô-rinh-tô 7:5).
Trước sự kinh ngạc của thế giới cổ đại, Tân Ước dạy rằng đàn ông (không chỉ phụ nữ) phải chung thủy với vợ mình. Kitô giáo được nhìn thấy là hoàn toàn khác biệt vì dạy rằng người chồng thực sự có lỗi với vợ mình khi ngoại tình. Chúa Giêsu dạy: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11–12). Sự đối xử công bằng giữa vợ chồng theo cách đó là một cuộc cách mạng. Vào thời điểm ấy, “mọi người nghĩ đàn ông không thể ngoại tình,” Beth Felker Jones giải thích. Chính “thân thể phụ nữ là tài sản và có thể bị ‘vụng trộm’ hoặc ‘làm cho hư hỏng’”. Chúa Giêsu “thách thức toàn bộ nền kinh tế thị trường mua bán thân thể, đặc biệt là thân thể phụ nữ. Ngoại tình không phải là tội cướp tài sản. Ngoại tình là vi phạm ý định của Thiên Chúa đối với nhân loại. . . . Chúa Giêsu triệt để làm bình đẳng nam và nữ trong sự kết hợp một xương một thịt.”69
Tương tự như vậy, thánh Phaolô đã đưa ra một lời dạy đối xứng chưa từng có trong văn hóa ngoại giáo: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng ; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1 Cr 7:3–4). Sự đối ứng này chưa bao giờ được nói đến trước đó.
Để nhấn mạnh ngài đang mô tả một nghĩa vụ chứ không phải một lựa chọn, trong đoạn văn này, thánh Phaolô mượn ngôn ngữ pháp lý. Từ được dùng cho “bổn phận” hôn nhân thường ám chỉ món nợ tiền bạc. Từ dùng để chỉ “quyền thế” bao gồm quyền lực nhà nước. Từ “lấy đi” thường có nghĩa là “lừa gạt” hoặc “từ chối thù lao”.70 Thánh Phaolô không quan tâm rằng trong thế giới cổ đại, quyền tự do tình dục của đàn ông được coi là hoàn toàn được chấp nhận. Trong Giáo hội có một luật mới: Đàn ông được kêu gọi chung thủy và chỉ một vợ; phụ nữ cũng người mời gọi chung thủy và một chồng. Lưu ý rằng một người phụ nữ thậm chí còn được trao “quyền” đối với thân thể của chồng mình, một ý tưởng cấp tiến đến mức ngày nay có lẽ rất ít người thực hiện ý tưởng đó cách trọn vẹn.
Thánh Phaolô mô tả sự hỗ tương của hôn nhân một lần nữa bằng những lời này: “Còn người có vợ thì lo lắng… tìm cách làm đẹp lòng vợ… Còn người có chồng thì… tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr. 7,33–34). Sự tương hỗ lẫn nhau này trọn vẹn đến mức một số giáo phụ thậm chí không mấy được thuyết phục ở phần đầu – họ cho rằng thánh Phaolô đã nói đùa khi nói một người đàn ông đã có gia đình nên quan tâm đến việc làm hài lòng vợ mình.
Vào thời điểm mà những người vợ bị coi là tài sản của chồng về mặt pháp lý, những văn kiện của thánh Phaolô rất cấp tiến. Bằng cách nâng cao địa vị của phụ nữ, Kitô hữu đã giáng một đòn nặng nề vào tiêu chuẩn kép vốn là chuẩn mực thời tiền Kitô giáo. Và bằng cách giữ quan hệ tình dục trong hôn nhân, đạo đức Kinh thánh đã làm giảm nhu cầu phá thai và giết trẻ sơ sinh. Những đứa trẻ giờ đây được sinh ra trong những gia đình luôn yêu thương và chăm sóc chúng.
Một tài liệu ở thế kỷ thứ hai có tên là “Thư Mathetes gửi Diognetus” tóm tắt những hành vi đáng ngạc nhiên khiến các Kitô hữu khác biệt với thế giới ngoại giáo: “Họ sinh con cái; nhưng họ không tiêu diệt con cháu mình. Họ [các Kitô hữu trong nhóm] ăn chung bàn, nhưng không chung chạ.”71
Thực sự cấp tiến.
Thảo nào phụ nữ đổ xô đến với Kitô giáo. Như Stark viết: “Người phụ nữ theo Kitô giáo được hưởng sự an toàn và bình đẳng trong hôn nhân cao hơn nhiều so với người hàng xóm ngoại đạo của mình”. Ông nói thêm, “Kitô giáo có sức thu hút một cách bất thường bởi vì trong văn hóa Kitô giáo, phụ nữ được hưởng địa vị cao hơn nhiều so với phụ nữ trong thế giới Hy Lạp-La Mã nói chung.”72
Thời ấy, cũng như hiện nay, người Kitô hữu sống như thế nào với giới tính của mình là một trong những bằng chứng quan trọng nhất mà họ có thể đưa ra cho thế giới xung quanh. Họ được kêu gọi xây dựng một cộng đồng các gia đình tôn trọng phụ nữ và quan tâm đến những người trẻ và những người dễ bị tổn thương.
69. Felker Jones, Marks of His Wounds, 90.
70. Ruden, Paul among the People, 107.
71. “The Epistle of Mathetes to Diognetus,” Early Christian Writings, http://www.earlychristianwritings.com/text/diognetus-roberts.html.
72. Stark, Rise of Christianity, 105, 95.
Leave a Reply