Khi nào là thời điểm thai nhi thành người? Hầu hết mọi người đều nói thai nhi trở thành người ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Miranda Sawyer, phát thanh viên người Anh mà chúng ta đã đọc câu chuyện ở chương 1, đã kết luận rằng nhân vị tính bắt đầu từ trước khi sinh ra: “Khi phôi thai đã phát triển đủ để cảm thấy đau đớn hoặc hình thành nhân cách, thì . . . kết thúc sự sống đó là điều sai trái.”20
Nhưng nhà đạo đức sinh học John Harris chế giễu ý tưởng đó: “Chín tháng phát triển khiến phôi thai con người chưa đủ có sự gì nổi bật để có thể được gọi là nhân vị”. Harris định nghĩa con người là “một sinh vật có khả năng quý trọng sự tồn tại của chính mình”. Giết chết chỉ sai trái trong trường hợp người đó đã đủ phát triển về mặt nhận thức để nuôi dưỡng một ước muốn sống rõ ràng và có ý thức. Harris lập luận: “Kết thúc sự sống của những người không có nhân vị hoặc những người có tiềm năng để là nhân vị không thể bị coi là sai trái, bởi vì cái chết không tước đi bất cứ thứ gì họ có thể coi là có giá trị”. “Nếu họ không muốn sống, thì ta không hề đi ngược lại mong muốn của họ khi ta giết chết họ”. Cứ như thể giá trị của sự sống phụ thuộc vào ước muốn riêng tư của chúng ta.21
James Watson, người đồng phát hiện ra chuỗi xoắn kép DNA, ủng hộ việc đợi ba ngày sau khi đứa trẻ được sinh ra trước khi quyết định liệu nó có được phép sống hay không. Lý do là một số khiếm khuyết di truyền không thể được phát hiện cho đến sau khi sinh. Đồng nghiệp của ông, Francis Crick, đồng ý: “Không một đứa trẻ sơ sinh nào được tuyên bố là người cho đến khi nó vượt qua được một số kiểm tra nhất định về khả năng di truyền của mình. Và nếu không vượt qua được những cuộc kiểm tra này, nó sẽ mất quyền sống.”22 Peter Singer thậm chí còn nói “Đứa trẻ ba tuổi là một trường hợp chưa rõ là nhân vị hay không.”23 Suy cho cùng, một đứa trẻ mới biết đi có bao nhiêu chức năng nhận thức?
Như chúng ta đã thấy trước đó, Singer cáo buộc người khác đối xử phân biệt dựa trên chủng loại (cái mà ông gọi là chủ nghĩa phân biệt loài), nhưng trớ trêu thay, ông lại đề xuất sự kỳ thị dựa trên chức năng vỏ não. Nhưng tại sao chức năng trí tuệ lại là cơ sở cho các quyết định đạo đức ? Thay vào đó, quyết định đạo đức dựa trên căn tính con người là cách xác định khách quan hơn và dễ dàng hơn.
Quan niệm Kitô giáo về nhân vị không phụ thuộc vào những gì tôi có thể làm mà phụ thuộc vào việc tôi là ai – rằng tôi được tạo dựng theo giống hình ảnh của Chúa, và rằng Thiên Chúa đã đưa tôi vào thế giới, Ngài luôn tìm đến tôi và yêu thương tôi. Con người không cần phải chiếm cho được quyền được đối xử như những sinh vật có giá trị cao quý. Phẩm giá của chúng ta có tính chất nội tại, bắt nguồn từ sự thật là Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, biết chúng ta và yêu thương chúng ta.
20. Sawyer, “I Knew Where I Stood on Abortion. But I Had to Rethink.”
21. John Harris, “Wrongful Birth,” Philosophical Ethics in Reproductive Medicine, ed. D. R. Bromham, M. E. Dalton, and J. C. Jackson (Manchester: Manchester University Press, 1990), 156–71.
22. James Watson, “Children from the Laboratory,” Prism: The Socioeconomic Magazine of the American Medical Association 1, no. 2 (1973): 12–14, 33–34. Francis Crick’s comment was reported by Pacific News Service, January 1978.
23. Quoted in Mark Oppenheimer, “Who Lives? Who Dies?—The Utility of Peter Singer,” Christian Century (July 3, 2002), 24–29.
Leave a Reply