Là một phụ huynh, cách nào đó tôi “làm hỏng chuyện” gần như hằng ngày. Đôi khi do tôi mất bình tĩnh và la mắng con của tôi. Những lúc khác, tôi vừa mới ợ thật to trong bữa tối ngay sau khi tôi la rầy một trong những đứa con trai của tôi vì nó đã làm điều đó.
Hầu hết những sai lầm ngớ ngẩn trong vai trò làm cha của tôi, tôi ý thức được ngay lập tức lỗi lầm của mình và có cơ hội để xin lỗi và cố gắng sửa chữa. Nhưng tôi đã khám phá ra rằng một trong những sai lầm nguy hiểm khi làm cha mẹ thì không rõ ràng. Chúng là những lỗi tinh tế và ẩn giấu. Điều này khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn nữa vì chúng ta có thể cứ tiếp tục phạm phải hành vi này sau nhiều năm mà không hề nhận ra chúng ta đang làm hại con cái trong quá trình đó!
Khi tôi tư vấn cho các gia đình từ mọi tầng lớp xã hội, tôi được thuyết phục rằng bản liệt kê dưới đây đại diện cho một vài trong những sai lầm phổ biến và phá hoại nhất của bậc làm cha mẹ. Tôi không viết bài này như một “chuyên gia” nhưng chỉ là một người cha đang chìm đắm trong vai trò làm cha của mình và hết sức cố gắng để làm việc này đúng đắn hơn vì lợi ích của con cái tôi và thế hệ tương lai của gia đình tôi.
Nếu bạn là bậc phụ huynh, chúng ta hãy quyết tâm để ngừng những hành vi này và hãy là bậc cha mẹ tốt nhất có thể cho con cái chúng ta!
(Không theo một thứ tự nào)
1. Thái độ không thành thật một cách tinh vi
Trẻ em là máy dò sự dối trá, và chúng ta không thể dạy chúng giá trị của sự thành thật và liêm chính khi chúng ta sẵn sàng làm những điều không liêm chính. Một trong những ví dụ phổ biến về điều này là khi cha mẹ nói dối về tuổi của đứa bé ngay trước mặt con họ chỉ để tiết kiệm được vài đồng bạc mua bữa ăn cho chúng hoặc mua vé vào công viên. Tiết kiệm một vài đồng ấy sẽ thành một phí tổn khổng lồ cho bạn sau này với những bài học tiêu cực bạn dạy con bạn về “chọn lúc để thành thật.”
2. Phá hoại về cảm xúc
Thật dễ nỗi giận khi một trong những đứa con của bạn không lắng nghe khi chúng bất cẩn hoặc không vâng lời. Đôi khi chúng ta thậm chí dùng cảm xúc của mình để có được phản ứng từ con cái. Điều này nguy hiểm vì khi chúng ta không thể điều khiển được phản ứng cảm xúc của mình trước con cái, chúng ta dạy các con rằng CHÚNG đang chỉ huy cảm xúc của bố mẹ (thay vì dạy các con rằng CHÚNG TA đang nắm vững sự tự chủ những cảm xúc của chúng ta). Điều này có thể tạo nên một khuôn mẫu lâu dài về rối loạn chức năng cảm xúc trong gia đình.
3. Cạm bẫy so sánh
Để khuyến khích hoặc sửa dạy con em của chúng ta, chúng ta có thể đưa ra ví dụ của một đứa bé khác (thường là người anh chị em trong gia đình) như là điểm tham chiếu. Dù đây một nỗ lực vô hại để mô tả tình cảnh, hầu hết các trẻ không thấy gì để vượt qua sự so sánh. Điều này có thể ngầm huấn luyện trẻ là chúng không cần trở nên tốt lành như chúng có thể, nhưng chỉ cần tìm cách để “có vẻ tốt lành hơn” bạn bè và anh chị em của chúng.
4. Quà chuộc tội
Trong văn hóa chúng ta (tôi viết từ quan điểm của một người Mỹ), chúng ta đã phát triển một thói quen xấu là mua tình cảm của con cái chúng ta bằng những món quà. Khi chúng ta làm một điều gì sai lầm hay phải làm việc trễ, chúng ta dễ tìm cách trả nợ tình cảm bằng tiền của. Sự đổi chác này có thể dạy con cái chúng ta đặt quan trọng vào vật chất và nhìn thấy tình yêu như là một mối quan hệ giao dịch có thể được thao túng bằng tiền của. Tất cả chúng ta đều biết (hoặc nên biết) rằng tình yêu trung thực là điều gì đó quan trọng hơn tiền của rất nhiều.
5. Đặt hạnh phúc của con cái trước cả chất lượng của hôn nhân
Nhiều cặp vợ chồng thậm chí không còn hẹn hò, dành riêng buổi tối lãng mạn để gặp gỡ nhau vì họ sợ con cái sẽ khóc, nên để làm yên lòng đứa trẻ, họ không bao giờ đầu tư vào mối quan hệ cùng nhau nữa. Trớ trêu thay, những đứa trẻ này cuối cùng sẽ khóc vì ly dị xé nát gia đình làm hai mảnh. Một trong những món quà lớn nhất bạn có thể trao ban cho con cái của bạn là cảm nhận an toàn đến từ việc nhìn thấy cha mẹ chúng trong một cuộc hôn nhân yêu thương và tận tụy.
6. Màn hình là người giữ trẻ
Tôi cũng phạm lỗi này rất nhiều. Trong thế giới bị điều khiển bởi công nghệ của chúng ta, thật dễ đặt đứa trẻ trước màn hình để chúng ta có thể làm việc. Trong nhưng giây phút ngắn ngủi, điều này thì được nhưng nó có thể trở thành một thói quen nguy hiểm khi chúng ta giao phó nhiệm vụ thiêng liêng nhất của chúng ta cho những chương trình truyền hình và video game để chúng thay ta dưỡng dục con cái.
7. Giấu giếm những khiếm khuyết của bạn
Tất cả chúng ta muốn con cái nhìn thấy mình là những anh hùng siêu việt, không bao giờ lầm lỗi. Nhưng con cái chúng ta không tìm kiếm sự hoàn hảo; chúng tìm kiếm tính trung thực. Khi bạn làm hỏng điều gì, đừng khước từ trách nhiệm về điều đó! Dùng cơ hội ấy để dạy dỗ. Hãy nhớ rằng chỉ mình Chúa là “Phụ mẫu hoàn hảo” và ân sủng của Ngài sẽ bao bọc bạn những lúc bạn lầm lỗi (và tất cả chúng ta có nhiều những lúc như thế)!
Chuyển ngữ từ 7 ways parents harm their children without even realizing it
Lương Phong Đình says
Tôi nhận thấy ba mẹ tôi đều phạm phải cả 7 lỗi lầm này & bây giờ tôi đang chứng kiến những bằng tuổi với tôi cũng đối xử với con cái họ như vậy.