Thần Học của Thân Xác (THTX) là một sưu tập gồm 129 bài giảng của Thánh GH Gioan Phaolô II trong mỗi buổi diện kiến chung ngày thứ tư từ năm 1979 đến năm 1984. Đây là kho tàng thần học rất sâu sắc về ý nghĩa của thân xác nam nữ, không chỉ trong quan hệ hôn nhân và tình dục, mà còn là mối quan hệ con người với nhau và mối quan hệ với Thiên Chúa, với Đức Giêsu, Vị Lang Quân của Hiền Thê là Giáo Hội đến từ cạnh sườn của Chúa Giêsu.
Đây là 10 câu trích để bạn nếm chút mùi vị về THTX
1. Nam và nữ mang hình ảnh của Thiên Chúa.
Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng “là nam là nữ” mang hình ảnh của Thiên Chúa vốn đã được ghi khắc trong thân xác “từ thuở ban đầu”. Người nam và người nữ như thể là hai thể thức khác nhau của thân xác con người trong sự duy nhất của hình ảnh ấy. —TOB ngày 2 tháng 1 năm 1980
2. Nam nữ được tạo dựng cho nhau.
Khi Giavê Thiên Chúa nói “con người ở một mình không tốt” (St 2,18), Ngài khẳng định rằng con người “một mình” thì không thực hiện được hoàn toàn yếu tính người. Con người chỉ thể hiện được yếu tính mình khi hiện hữu “với một ai đó” – và một cách sâu xa hơn và trọn vẹn hơn – khi hiện hữu “cho một ai đó…. Sự hiệp thông của các ngôi vị có nghĩa là hiện hữu “cho” nhau, trong một tương quan cho đi tặng lại.
—TOB ngày 9 tháng 1 năm 1980
3. Thân thể của chúng ta cho chúng ta khả năng để trở thành sự tự hiến cho nhau trong tình yêu.
Thân xác con người, với giới tính nam và nữ của nó, nhìn trong mầu nhiệm tạo dựng, không chỉ là nguồn mạch cho sự sống sinh sôi nảy nở qua việc truyền sinh như trong toàn thể trật tự tự nhiên, mà “ngay từ thuở ban đầu” nó còn mang thuộc tính hôn phối, nghĩa là có khả năng diễn tả tình yêu: một tình yêu trong đó con người trở thành tặng phẩm ngôi vị và – nhờ tặng phẩm này – con người thực hiện chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu mình (ý nghĩa của chính mình và của cuộc sống mình).
—TOB ngày 16 tháng 1 1980
4. Thân thể bày tỏ mầu nhiệm tình yêu của Chúa đối với con người.
“Thân xác, thực vậy, chỉ thân xác không thôi, có khả năng biến những điều vô hình thành hữu hình, cả về cuộc sống tinh thần lẫn thần thánh. Thân xác được tạo dựng để chuyển hóa vào hiện thực hữu hình của thế giới, những mầu nhiệm bí ẩn vô hình kể từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người, và Ngài chính là dấu chỉ của sự vô hình đó.”
—TOB ngày 20 tháng 2 năm 1980
5. Hôn nhân là mặc khải xa xưa nhất trong công trình cứu độ.
Hôn nhân là “mặc khải xa xưa nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo, với mặc khải và sự biểu lộ tối hậu, mặc khải đó là “Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mạng mình cho Hội Thánh,” bày tỏ đặc điểm và ý nghĩa hôn nhân của tình yêu cứu độ của Chúa Kitô.
—TOB ngày 8 tháng 9 năm 1982
6. Hôn nhân là sự kết hợp thành một xương một thịt.
Hôn nhân… là bí tích mà qua đó người nam và nữ được gọi để trở thành “một xương một thịt.” Họ tham gia vào tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Họ tham gia vào sự sáng tạo này nhờ cả hai thực tại: được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và vì lý do này được trao ban ơn gọi của một sự hiệp thông riêng biệt (communio personarum), và vì sự hiệp thông này từ thuở ban đầu đã được chúc phúc với phúc lành sinh nhiều hoa trái.
—TOB ngày 15 tháng 12 năm 1982
7. Người chồng được gọi để yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu và người vợ phục tùng như họ yêu Đức Kitô.
Người chồng trước hết là người yêu thương và đối lại, người vợ là người được yêu. Và người ta thậm chí cũng có thể dám nghĩ rằng sự “tùng phục” của vợ đối với chồng ở đây (đặt trong văn mạch toàn thể của đoạn Ep 5,22-23) mang ý nghĩa trước hết là để cho mình được “hưởng nếm tình yêu”. Sự “phục tùng” này liên hệ đến hình ảnh Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, và còn muốn diễn tả hơn thế, rằng Hội Thánh được hưởng nếm tình yêu hiến thân của Người.
—TOB ngày 1 tháng 9 năm 1982
8. Ơn gọi hôn nhân đòi hỏi sự hiểu biết về Thần học của Thân xác.
Những người tìm kiếm việc thành tựu về ơn gọi con người và Kitô hữu của chính họ trong hôn nhân được gọi trước hết để làm cho Thần học của Thân xác, với sự khởi đầu của thần học này được tìm thấy trong chương thứ nhất của Sách Sáng Thế, trở nên nội dung của cuộc đời và hành vi của họ. Thật cần thiết biết bao để có hiểu biết về ý nghĩa của thân xác trong nam tính và nữ tính của nó, trong hành trình của ơn gọi này! Một ý thức chính xác về ý nghĩa hôn nhân của thân xác, ý nghĩa phát sinh sự sống của nó thật cần thiết.
—TOB ngày 2 tháng 4 năm 1980
9. Tính dục của con người là món quà của bản thân trong hôn nhân và làm cho họ có khả năng phát sinh sự sống mới.
Hành vi vợ chồng… kết hợp vợ chồng trong thân mật sâu sắc, và làm cho họ có khả năng sinh ra sự sống mới…’ Cả hai điều này xảy ra theo các qui luật đã được ghi khắc trong chính bản tính của con người, nam cũng như nữ。”
Vì “hành vi vợ chồng …” vừa “kết hợp vợ chồng trong thân mật sâu sắc” vừa “làm cho họ có khả năng sinh ra sự sống mới”, và vì cả hai điều đó xảy ra được là “nhờ cấu trúc thân mật” của hành vi ấy, cho nên con người tất “phải” đọc đồng thời “cả hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng” và cả “mối nối kết không thể tách biệt hai ý nghĩa ấy của hành vi vợ chồng”.
Vấn đề ở đây không gì khác hơn là việc đọc trong sự thật “ngôn ngữ thân xác”
—TOB ngày 11 tháng 7 1984
10. Đức Kitô là mô hình cho hôn nhân Kitô giáo.
Đức Kitô bày tỏ tình yêu mà Ngài đã có cho Hội Thánh bằng việc hiến thân mình cho Hiền thê của Ngài. Tình yêu ấy là một hình ảnh và trên hết là một mô hình cho tình yêu mà người chồng phải bày tỏ cho vợ mình trong hôn nhân, khi cả hai phục tùng nhau “vì họ kính mến Đức Kitô”.
—TOB ngày 25 tháng 8 năm 1982
Leave a Reply